Quốc hội thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo:

Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa

THU SÂM; ảnh: QUANG VINH - QUANG PHÚC - XUÂN TRẦN

VHO - Điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, vào chiều 25.11 tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, lĩnh vực quảng cáo được xác định là 1 trong 12 ngành công nghiệp văn hóa của nước ta, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chú trọng.

Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa - ảnh 1
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp

Đây cũng là lĩnh vực được tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế. Trong giai đoạn hiện nay, hoạt động quảng cáo đang có sự dịch chuyển từ quảng cáo trên các phương tiện truyền thống như quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên báo chí sang quảng cáo trên không gian mạng.

Sự phát triển mạnh mẽ của quảng cáo trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ một cách dễ dàng, nhanh chóng; đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý nhà nước. 

"Nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Quảng cáo hiện hành, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã rất tâm huyết, trách nhiệm trong nghiên cứu, xây dựng và thẩm tra dự án luật. Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhiều lần cho ý kiến về dự án luật", Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu.

Đồng thời đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục tập trung thảo luận về 5 vấn đề gợi ý thảo luận đã nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. 

Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa - ảnh 2
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng báo cáo giải trình tại phiên họp

Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cảm ơn các ý kiến góp ý đầy trách nhiệm của đại biểu Quốc hội đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Bộ trưởng cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến hợp lý, không để ý kiến nào không được nghiên cứu, tiếp thu.

Khẳng định lĩnh vực quảng cáo là lĩnh vực khó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, so với Luật Quảng cáo hiện hành, dự thảo Luật có nhiều điểm mới, trong đó đặc biệt có nội dung về quảng cáo trên không gian mạng.

Bộ trưởng thông tin, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo đã chú ý tới việc soạn thảo các quy định để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời các quy định của Luật cũng phải đáp ứng được các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên...

Bộ trưởng cũng luận giải chi tiết vào 4 nhóm vấn đề mà 17 ý kiến của các đại biểu Quốc hội nêu như liên quan đến giải thích từ ngữ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp thu, nghiên cứu lại để đảm bảo các quy định được dễ hiểu, dễ thực hiện. Về quảng cáo trên báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng sẽ làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí lớn để nghiên cứu các nội dung liên quan nhằm đảm bảo quyền lợi của các cơ quan báo chí... 

Bộ trưởng nêu rõ, Bộ VHTTDL sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra để tiếp tục hoàn thiện và đảm bảo chất lượng của dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tới.

Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa - ảnh 3
Bột trưởng Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu

Góp ý cho dự thảo Luật về nội dung hình thức quảng cáo trên internet, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) nhấn mạnh, quảng cáo thông qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo, You Tube, Instagram,.… hiện đang phát triển rất mạnh ở nước ta. Điều đó có nghĩa là quảng cáo trên internet có sự tương tác cao, tạo cơ hội cho các nhà quảng cáo nhắm chính xác vào khách hàng của mình, tiến hành quảng cáo theo đúng sở thích và thị hiếu của người dân.

Xét về tính chất, đặc điểm thì mạng xã hội là một trong những ứng dụng được sử dụng trên nền tảng internet. Do đó, sử dụng khái niệm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có hoạt động “trên internet” sẽ khái quát hơn. Việc mở rộng phạm vi “trên mạng xã hội” thành “trên internet” cũng phù hợp với định nghĩa tại khoản 1 Điều 23 dự thảo Luật: “Hoạt động quảng cáo trên mạng bao gồm: quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến, thiết bị quảng cáo, sử dụng phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối, các thiết bị viễn thông khác có kết nối mạng viễn thông, mạng internet”.

Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa - ảnh 4
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng phát biểu góp ý cho dự thảo Luật

Góp ý cho dự thảo Luật, đại biểu Sùng A Lềnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai) cho biết, ông tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo hiện hành với các lý do như đã được nêu tại Tờ trình số 350/TTr-CP của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục.

Đại biểu bày tỏ ông tán thành bổ sung quy định cụ thể những yêu cầu mà hoạt động quảng cáo trên mạng và người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo ở trong nước và ngoài nước tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng phải tuân thủ để khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng thời gian qua.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay có không ít quảng cáo có chứa đường dẫn đến trang thông tin cá nhân (ví dụ như trang cá nhân trên mạng xã hội), đến những ứng dụng trên thiết bị di dộng, thiết bị điện tử khác, tuy nhiên dự thảo Luật chưa quy định về việc nội dung của trang thông tin cá nhân, ứng dụng trên thiết bị di dộng phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và có quy định về kiểm tra, giám sát đối với nội dung này. Do đó, cần nghiên cứu bổ sung để có quy định quản lý trường hợp này.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) đánh giá, Luật Quảng cáo 2012 được thiết kế chủ yếu để quản lý các hình thức truyền thống như báo chí, truyền hình, biển quảng cáo ngoài trời. Trong khi đó, các hình thức quảng cáo trực tuyến hiện đại như quảng cáo trên mạng xã hội (Facebook, TikTok), quảng cáo tự động, và quảng cáo qua công nghệ drone chưa được quy định cụ thể.

Điều này khiến cơ quan quản lý gặp khó khăn trong giám sát và xử lý vi phạm. Hơn nữa, sự chồng chéo giữa các quy định pháp luật (như Luật An ninh mạng và Luật Giao dịch điện tử) làm giảm hiệu quả thực thi. Theo số liệu của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục năm 2023, hơn 70% các trường hợp vi phạm quảng cáo trực tuyến bị xử lý chậm vì thiếu quy định đồng bộ.

Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa - ảnh 5
Đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị, bổ sung điều khoản chuyên biệt về quảng cáo trực tuyến

Vì vậy ông đề nghị, bổ sung điều khoản chuyên biệt về quảng cáo trực tuyến như: Xây dựng quy định quản lý các hình thức quảng cáo mới, bao gồm quảng cáo trên mạng xã hội, qua công nghệ drone, và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Đưa ra hướng dẫn rõ ràng về trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên tham gia quảng cáo, từ nhà quảng cáo đến các nền tảng trực tuyến.

Thành lập cơ chế phối hợp liên ngành tăng cường hợp tác giữa Bộ VHTTDL, Bộ Thông tin và Truyền thông, và Bộ Công an để xử lý vi phạm hiệu quả hơn. Xây dựng quy trình thống nhất để xử lý các vụ việc liên quan đến quảng cáo trực tuyến, tránh chồng chéo trách nhiệm giữa các cơ quan.

Đã có 17 ý kiến thảo luận, 1 ý kiến tranh luận được Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá là tâm huyết, trách nhiệm trong phiên thảo luận. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị hồ sơ Luật một cách kỹ lưỡng. Theo quy trình, dự thảo Luật sẽ tiếp tục được Quốc hội xem xét và sẽ thông qua tại kỳ họp tới.

Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa - ảnh 6
Toàn cảnh phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, qua thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra trong chuẩn bị hồ sơ dự án luật; kịp thời báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận tại tổ của các vị đại biểu Quốc hội ngay trong Kỳ họp thứ 8. Các ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu rất sôi nổi, tâm huyết, trách nhiệm, đi thẳng vào vấn đề, với tinh thần trách nhiệm cao, làm cơ sở chính trị hoàn thiện dự thảo luật cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp.

Các ý kiến phát biểu cơ bản tán thành, thống nhất về sự cần thiết sửa đổi một số điều của Luật Quảng cáo và bày tỏ kỳ vọng luật sẽ được sửa đổi, bổ sung với quan điểm và cách thức quản lý mới, góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có ngành quảng cáo, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Quảng cáo hiện hành, góp phần xây dựng thị trường quảng cáo ở Việt Nam phát triển phù hợp với xu thế phát triển chung của quảng cáo trên thế giới.