Tạo lực đẩy mới cho ngành công nghiệp văn hóa phát triển
VHO - Tại phiên thảo luận ở Tổ của Quốc hội về dự án Luật Quảng cáo (sửa đổi) vào cuối tuần qua, nhiều ý kiến thống nhất về sự cần thiết phải sửa đổi Luật. Đồng thời cho rằng việc sửa đổi Luật sẽ tạo thêm sức sống, giúp cho một trong các ngành công nghiệp văn hóa phát triển mạnh mẽ.
Đánh giá cao Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội về dự án Luật, đại biểu Bùi Hoài Sơn (Hà Nội) cho biết, quảng cáo là lĩnh vực rất quan trọng đối với nền kinh tế. Tổng doanh thu của quảng cáo năm 2023 là khoảng 2,3 tỉ USD. Không chỉ là một ngành kinh tế, giờ đây, quảng cáo còn là một ngành công nghiệp văn hóa. Đây cũng là cách tiếp cận mới, rất cần lưu ý để tạo thêm sức sống cho ngành Quảng cáo.
Tạo thêm sức sống cho ngành quảng cáo
Đại biểu Sơn cũng cho biết, xét từ góc độ của công nghiệp văn hóa, quảng cáo cần chú ý đầy đủ đến bốn vấn đề gồm: Nguồn nhân lực quảng cáo, nội dung quảng cáo, nhất là nội dung văn hóa trong quảng cáo, công nghệ quảng cáo và kỹ năng kinh doanh quảng cáo. “Nếu chúng ta thực sự muốn thay đổi cách tiếp cận về quảng cáo, chúng ta cần sửa đổi toàn diện Luật Quảng cáo, chứ không chỉ sửa đổi một số điều về Luật Quảng cáo”, đại biểu Sơn đề nghị.
Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) nhận định, sau hơn 10 năm triển khai thi hành Luật, hoạt động quảng cáo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, các quy định của pháp luật về quảng cáo đã tạo cơ sở pháp lý cho sự phát triển của ngành quảng cáo theo hướng công khai, minh bạch, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế, giao thoa văn hóa và thị trường thương mại tự do. Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về quảng cáo đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Một số quy định của pháp luật về nội dung và hình thức quảng cáo chưa phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo; Một số quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, hoạt động quảng cáo môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cần điều chỉnh để đáp ứng sự phát triển và xu thế hội nhập; Một số quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời đã bộc lộ bất cập, chưa phù hợp. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo lần này là cần thiết nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa; phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo của trung ương, địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hoạt động quảng cáo.
Đồng thời tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển. Đảm bảo tính phù hợp, đồng bộ, không chồng chéo với hệ thống pháp luật khác có liên quan; Nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo; năng lực doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo, thúc đẩy các hoạt động quảng cáo theo hướng công khai, minh bạch, lành mạnh, vì lợi ích chung của xã hội.
Hướng tới cơ chế quản lý phù hợp, hiệu quả
Về nội dung quảng cáo trên mạng, đại biểu Phạm Nam Tiến (Đắk Nông) cho rằng, đây là nội dung trọng tâm của dự án Luật. “Tôi đánh giá rất cao việc Bộ VHTTDL và Bộ TT&TT đã có sự phối hợp chặt chẽ để xây dựng các quy định điều chỉnh hoạt động quảng cáo trên mạng, quảng cáo xuyên biên giới. Hiện Bộ TT&TT đang nghiên cứu thêm các giải pháp kỹ thuật để áp chế hành vi quảng cáo vi phạm và cũng đề xuất bổ sung trách nhiệm của các Bộ, ngành như Bộ Tài chính, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước vì quản lý quảng cáo đòi hỏi tính liên ngành”, đại biểu Tiến nói và đề
nghị cần phải có quy định đảm bảo bao quát, hài hòa và đầy đủ trách nhiệm của tất cả các bên tham gia vào chuỗi hoạt động quảng cáo.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho biết, cơ bản thống nhất sự cần thiết phải sửa đổi một số điều của Luật Quảng cáo, để khắc phục được nhiều vấn đề bất cập, cấp bách trong bối cảnh thị trường quảng cáo ngày càng phát triển nhanh chóng và phức tạp, đặc biệt là trong thời đại công nghệ số, nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời tạo ra một môi trường quảng cáo lành mạnh và phát triển bền vững. Đại biểu Tuấn cũng góp ý nhiều nội dung cụ thể trong đó ông nhấn mạnh, Luật quảng cáo sửa đổi phải thực hiện được sứ mệnh đặc biệt là “dẹp loạn” những quảng cáo nhếch nhác ngoài trời, gây phản cảm, làm xấu hình ảnh mỹ quan đô thị. Ông dẫn chứng, hiện nay trên nhiều tuyến đường phố, tuyến giao thông đô thị, tồn tại nhiều band-roll, bảng hiệu, pano, áp phích quảng cáo nhếch nhác, có những quảng cáo trái phép mà trên đó có nét chữ viết ngoằn ngoèo, nguệch ngoạc trên các cột điện, vách tường hay quảng cáo bằng miếng nhựa hifflex treo trên các dây cáp quang, thậm chí có những bảng quảng cáo che khuất tầm nhìn giao thông... gây phản cảm, làm xấu hình ảnh đô thị và ảnh hưởng trật tự giao thông. Những hoạt động quảng cáo trái phép này cần phải được xử lý nghiêm để trả lại hình ảnh, nét đẹp của đô thị.
Việc “dẹp loạn” các quảng cáo ngoài trời là một vấn đề rất quan trọng trong việc quản lý và điều chỉnh các hoạt động quảng cáo, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, khi các quảng cáo ngoài trời xuất hiện ở mọi nơi, từ các biển quảng cáo lớn, bảng điện tử màn hình LED đến các áp phích dán tường, cột điện, hay thậm chí trên phương tiện giao thông công cộng…. “Để giải quyết vấn đề này, các quy định pháp lý cần được cập nhật và áp dụng nghiêm ngặt, quy định chặt chẽ đối với việc cấp phép quảng cáo ngoài trời; đồng thời thường xuyên kiểm tra, xử lý thật nghiêm, thậm chí bằng hình thức phạt nguội đối với các hành vi vi phạm quảng cáo trái phép thông qua hệ thống camera giám sát. Luật cũng cần phải có các quy định rõ ràng về việc quảng cáo không được phép chiếm dụng không gian công cộng hoặc làm giảm đi giá trị cảnh quan đô thị. Các biển quảng cáo không được phép phủ lên các di tích lịch sử, các khu vực có giá trị văn hóa hoặc tự nhiên…”, đại biểu Tuấn đề nghị.
Theo chương trình kỳ họp, dự kiến sáng 26.11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo và nghe Bộ trưởng Bộ VHTTDL giải trình, làm rõ một sốvấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quảng cáo phát triển
Sáng 8.11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Về sự cần thiết phải ban hành Luật, Bộ trưởng cho biết, Luật được sửa đổi nhằm thể chế hóa văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan đến văn hóa, công nghiệp văn hóa và xây dựng pháp luật. Khắc phục những bất cập, hạn chế sau hơn 10 năm thực hiện Luật Quảng cáo năm 2012, như: Một số quy định của pháp luật về nội dung và hình thức quảng cáo chưa phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo; các quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cần điều chỉnh để đáp ứng sự phát triển về kinh tế, xã hội và xu thế hội nhập; quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời đã bộc lộ bất cập, chưa phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành khác.
Về phạm vi điều chỉnh, dự án Luật được kế thừa các quy định về phạm vi điều chỉnh tại Luật Quảng cáo năm 2012, Dự án Luật quy định về hoạt động quảng cáo; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo; quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo. Luật lần này cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý nội dung và điều kiện quảng cáo; quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới và quảng cáo trên phương tiện báo chí; hoạt động quảng cáo ngoài trời...
Dự án Luật lần này cũng đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa nội dung ba Chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được thông qua bằng việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Quảng cáo năm 2012, cụ thể, đối với Chính sách 1 “Hoàn thiện các quy định về nội dung và hình thức quảng cáo phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo”, dự án Luật sửa đổi 4 điều, bổ sung 2 điều và 1 khoản. Đối với Chính sách 2 “Hoàn thiện quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới”, dự án Luật sửa đổi 3 điều, bổ sung 1 khoản. Đối với Chính sách 3 “Hoàn thiện quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời”, dự án Luật sửa đổi 8 điều của Luật Quảng cáo, bổ sung 01 khoản. VÂN GIANG