Tăng cường đầu tư hơn nữa cho lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn
VHO - Chiều 11.1 tại Trung tâm hội nghị Thành phố Hải Phòng, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác nghệ thuật biểu diễn năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSND Nguyễn Xuân Bắc; lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, Sở VHTTDL, các nhà hát, đơn vị nghệ thuật trung ương và địa phương...
Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSND Nguyễn Xuân Bắc cho biết, ngành Nghệ thuật biểu diễn trong năm 2024 đã nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo Kế hoạch và nhiệm vụ khác được Bộ VHTTDL, UBND cấp tỉnh giao.
Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và văn học tiếp tục được thực hiện có hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với các Sở VHTTDL, Sở VHTT, các Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương để tăng cường có hiệu quả công tác quản lý nhà nước; các đơn vị nghệ thuật từ trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp có chức năng tổ chức biểu diễn nghệ thuật trên cả nước;
Thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP; công tác thẩm định, chấp thuận biểu diễn nghệ thuật được thực hiện đúng quy trình, kiểm duyệt chặt chẽ về nội dung, hình thức; công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp với các sở/ngành chức năng được thường xuyên thực hiện nhằm hạn chế, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời nếu có sai phạm.
Theo Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp tích cực xây dựng chương trình, tiết mục, vở diễn mới để tham gia các Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật do Bộ VHTTDL, các Hội nghề nghiệp và UBND cấp tỉnh tổ chức.
Công tác định hướng phát triển nghệ thuật đối với các đơn vị nghệ thuật trên toàn quốc rất được coi trọng. Hầu hết các đơn vị nghệ thuật đều chuyển biến tích cực trong việc lựa chọn, dàn dựng tác phẩm. Hoạt động sáng tạo và quản lý tác phẩm văn học đã đi vào thực chất hơn, phản ánh những vấn đề mà xã hội đang cần, hướng cho khán giả các giá trị chân, thiện, mỹ, từng bước nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã hoàn thành hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị định về khuyến khích phát triển văn học. Hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị định quy định một số chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 1.2025.
Trình Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành Thông tư số 08/2024/TT-BVHTTDL ngày 18/.0.2024 quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nghệ thuật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn; Thông tư số 13/2024/TT-BVHTTDL ngày 25.11.2024 hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thuộc Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh/thành phố.
Trong năm 2024, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã nghiên cứu, soạn thảo 536 văn bản đóng góp ý kiến.
Đặc biệt, tính đến ngày 10.12.2024, theo số liệu báo cáo của 10/12 đơn vị nghệ thuật Trung ương: Tổ chức dàn dựng 224 chương trình, vở diễn; sửa chữa, nâng cao 66 chương trình, vở diễn; 3.801 buổi biểu diễn; số kinh phí ước tính từ các buổi biểu diễn có bán vé đạt gần 104 tỉ đồng.
Theo báo cáo của 43/63 Sở VHTTDL, VHTT tỉnh, thành phố, các đoàn nghệ thuật ở địa phương đã: Tổ chức dàn dựng 714 chương trình, tiết mục, vở mới; sửa chữa, nâng cao 563 chương trình, tiết mục; 7.114 buổi biểu diễn; hơn 81.000 lượt người xem (qua hình thức trực tiếp) và thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình phát trên các nền tảng mạng xã hội zalo, facebook và kênh youtube...; số kinh phí ước tính từ các buổi biểu diễn có bán vé (theo số liệu báo cáo của 24 đơn vị) hơn 20 tỉ đồng. Đây là những minh chứng cho thấy hoạt động nghệ thuật biểu diễn năm 2024 đã đạt được những dấu ấn vô cùng ấn tượng.
Các ý kiến chia sẻ tại Hội nghị của lãnh đạo Sở VHTT TPHCM, Sở VHTT Hải Phòng, Sở VHTT Đà Nẵng, Sở VHTTDL Bắc Kạn, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam... đều đồng tình với báo cáo của Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng hoạt động nghệ thuật biểu diễn 2024 đã có rất nhiều bứt phá.
Các đại biểu cũng đã thẳng thắn chỉ ra thực tế ngành nghệ thuật biểu diễn đã và đang còn nhiều tồn tại cần được tháo gỡ kịp thời như: Các thiết chế nghệ thuật biểu diễn, nhất là địa điểm tổ chức biểu diễn của nhiều địa phương xuống cấp gây khó khăn cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp;
Một số đơn vị nghệ thuật cơ sở vật chất, trang thiết bị âm thanh ánh sáng đã xuống cấp trầm trọng; Phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn chưa đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu;
Các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt đối với nghệ thuật truyền thống gặp khó khăn trong việc tuyển dụng, đào tạo diễn viên, nhạc công kế cận; Kinh phí cấp cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp;
Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thông tin tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thiếu kinh phí để hoạt động, gặp nhiều khó khăn nhưng chưa được quan tâm đúng mức.
Kinh phí cấp cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thông tin tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thiếu kinh phí để hoạt động, gặp nhiều khó khăn nhưng chưa được quan tâm đúng mức.
Nguồn kinh phí bố trí cho các hoạt động và đầu tư nâng cấp trang thiết bị cho công trình văn hóa nghệ thuật còn chưa được đầu tư đồng bộ, chưa có cơ chế thu hút đầu tư quy mô lớn.
Các ý kiến tại Hội nghị cũng mong muốn trong thời gian tới, một số vấn đề chính sách và chế độ đãi ngộ của nhà nước đối với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và học được đổi mới cần sát với đặc thù riêng chứ không “cào bằng” như các ngành nghề khác.
Một loạt những bất cập được nêu ra như: Việc xếp ngạch, bậc và cơ chế thăng hạng của đạo diễn và diễn viên; Chế độ đặc thù đối với đạo diễn, diễn viên về tiền lương; Cần có cơ chế cho đào tạo, tạo nguồn và thu hút nhân tài. Chế độ bồi dưỡng cho nghệ sĩ, diễn viên dù được cải thiện nhưng vẫn thấp so với tình hình hiện nay. Chế độ đãi ngộ đối với các văn nghệ sĩ cũng như mức lương hiện tại chưa thu hút được lực lượng có chuyên môn trong lĩnh vực nghệ thuật chuyên nghiệp.
Các đại biểu đề nghị cần ăng cường hơn nữa công tác đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Có cơ chế ưu đãi đặc thù để khuyến khích thế hệ trẻ theo học các loại hình nghệ thuật truyền thống để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời thu hút các tài năng trẻ có chuyên môn cao và tâm huyết với nghệ nhằm xây dựng và phát triển lực lượng kế thừa trong sáng tác và biểu diên nghệ thuật chuyên nghiệp.
Kiến nghị Bộ VHTTDL chỉ đạo các đơn vị có liên quan tiếp tục xem xét có phương án, chính sách hỗ trợ trong sáng tác, biểu diễn để các đơn vị nghệ thuật trung ương có điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2025.
Tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị nghệ thuật truyền thống (đặc biệt là các đơn vị nghệ thuật ở địa phương) được tham gia quảng bá, giới thiệu về văn hóa nghệ thuật với bạn bè quốc tế khi đến Việt Nam, được biểu diễn giao lưu trong các chương trình tuần văn hóa các nước tổ chức tại Việt Nam.
Bộ VHTTDL cần phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố quan tâm đầu tư ngân sách cho các đơn vị nghệ thuật địa phương về đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị âm thanh, ánh sáng phục vụ hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Phát biểu tổng kết Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho rằng, năm 2024 công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và văn học tiếp tục được thực hiện có hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với các Sở VHTTDL, Sở VHTT, các Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương để tăng cường có hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Thứ trưởng ghi nhận, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp tích cực xây dựng chương trình, tiết mục, vở diễn mới để tham gia các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật do Bộ VHTTDL, các Hội nghề nghiệp và UBND cấp tỉnh tổ chức.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh, công tác định hướng phát triển văn hoá nghệ thuật đối với các địa phương và các đơn vị nghệ thuật trên toàn quốc cần được coi trọng. Đặc biệt là cần nâng cao vai trò thẩm định, giám sát chặt chẽ các chương trình nghệ thuật, đặc biệt là các chương trình có yếu tố nước ngoài để phát hiện, ngặn chặn và xử lý kịp thời những yếu tố lệch chuẩn về nội dung nghệ thuật.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu kết luận Hội nghị
Thứ trưởng cũng bày tỏ chia sẻ với những khó khăn mà đại diện các địa phương cũng như các đơn vị nghệ thuật trao đổi tại Hội nghị, đồng thời đề nghị, năm 2025, cơ quan quản lý trung ương và địa phương tiếp tục phối hợp tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước để tiếp tục lặp lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên toàn quốc; ngăn chặn, hạn chế tối đa các sai phạm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Tập trung nguồn lực để xây dựng, hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng các đề án làm cơ sở triển khai thực hiện nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước và thúc đẩy sự nghiệp nghệ thuật biểu diễn tiếp tục phát triển.
Thứ trưởng đề nghị Cục Nghệ thuật biểu diễn tiếp tục chỉ đạo và định hướng nghệ thuật đối với các đơn vị nghệ thuật để sáng tạo ra những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng, nội dung, nghệ thuật, phản ánh chân thực những vấn đề nóng của xã hội. Định hướng thẩm mỹ cho khán giả, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân trong thời kỳ mới.
Tăng cường hơn nữa việc giao lưu quan hệ quốc tế trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn để quảng bá các giá trị độc đáo của nghệ thuật truyền thống Việt Nam với bạn bè quốc tế, tiếp thu tinh hoa nghệ thuật của các nước trên thế giới để tiếp tục xây dựng và phát triển nền nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ưu tiên đặc biệt cho các đơn vị nghệ thuật địa phương trong giao lưu nghệ thuật biểu diễn với các nước trong khu vực và thế giới.
Đặc biệt, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục xây dựng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, đề án để các chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập sát hơn với tình hình thực tế, đặc biệt là sẽ xây dựng những đề án để đầu tư nhiều hơn kinh phí cho lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
“Tăng cường hơn nữa công tác đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Có cơ chế ưu đãi đặc thù để khuyến khích thế hệ trẻ theo học các loại hình nghệ thuật truyền thống để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời thu hút các tài năng trẻ có chuyên môn cao và tâm huyết với nghệ nhằm xây dựng và phát triển lực lượng kế thừa trong sáng tác và biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.
Về việc vận hành và phát triển tạo thương hiệu cho các đơn vị nghệ thuật, theo Thứ trưởng, phụ thuộc chính vào vai trò người đứng đầu, lãnh đạo các đơn vị. Vì sao có những đơn vị sau khi sát nhập vẫn phát triển tốt các loại hình nghệ thuật của địa phương. Thứ trưởng mong muốn lãnh đạo các đơn vị cần nâng cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, chủ động sáng tạo để tạo nên sự đoàn kết cũng như dàn dựng những tác phẩm nghệ thuật có quy mô, tầm vóc và giá trị tư tưởng sâu sắc, trường tồn trong lòng công chúng.