Tái hiện không gian diễn xướng dân ca Ví, Giặm tại Quảng trường Hồ Chí Minh
VHO - Tối 30.11, tại Quảng trường Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An tổ chức chương trình sơ kết giai đoạn I, khai trương Không gian diễn xướng dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh giai đoạn II, đồng thời tổng kết và trao giải Cuộc thi sáng tác, soạn lời dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh năm 2024.
Dân ca Ví, Giặm hình thành trong lao động và gắn liền với nghề nghiệp lao động của người dân xứ Nghệ từ bao đời nay. Mỗi một nghề lại có những câu hát, làn điệu riêng gắn với từng ngữ cảnh khác nhau. Bởi vậy không gian diễn xướng ví, giặm xứ Nghệ rất phong phú như không gian đồng ruộng có ví phường cấy, ví đồng ruộng; không gian rừng núi có ví trèo non, không gian lao động sông nước lại có hò trên sông, ví đò đưa,…
Đặc sắc của dân ca Ví, Giặm chính bởi sự gắn bó chặt chẽ với không gian, môi trường lao động của nhân dân, nhịp điệu của hò, Ví, Giặm cũng đa phần là nhịp điệu lao động (hò kéo gỗ, hò đầm đất đắp đê, hò trên sông…). Chính vì vậy, người nghe không chỉ cảm nhận cái hay của câu hát, giọng hát, mà còn thấy được trong đó cả một nền văn hoá xuất phát từ trong lao động sản xuất của cha ông ta.
Trong công tác bảo tồn, phát huy di sản dân ca, Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, bên cạnh bảo tồn các làn điệu, lời hát cổ thì không gian diễn xướng được xác định là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng góp phần gắn kết bảo lưu và phát huy giá trị các làn điệu, bởi vì đó chính là môi trường để dân ca Ví, Giặm được phát triển và hồi sinh.
Việc xây dựng, phục hồi không gian diễn xướng để tạo môi trường cho di sản có thể tồn tại và phát triển một cách tự nhiên và dần đưa dân ca ví, giặm về với cộng đồng dân cư là phù hợp với mục tiêu bảo tồn dân ca - đúng như tiêu chí mà UNESCO đặt ra cho dân ca Ví, Giặm sau khi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nhằm tuyên truyền, quảng bá những giá trị trường tồn và độc đáo của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh cũng như đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật truyền thống của người dân xứ Nghệ, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Ban Quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ xây dựng Không gian diễn xướng dân ca Ví, Giặm tại Quảng trường Hồ Chí Minh.
Không gian diễn xướng và giao lưu dân ca Ví, giặm tại Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ được tái hiện bởi những hình ảnh gần gũi với làng quê xứ Nghệ như cây đa, bến nước, sân đình, khung cửu, xe tơ,....
Đến với không gian diễn xướng dân ca Ví, Giặm vào những dịp cuối tuần tại phố đi bộ thành phố Vinh du khách và người dân vừa được thưởng thức những làn điệu dân ca mộc mạc, sâu lắng do các nghệ nhân ưu tú, các CLB dân ca ví, giặm thể hiện, được giao lưu trải nghiệm hát dân ca và thưởng thức các đặc sản của quê hương.
Sau 3 năm hoạt động (2021- 2024), không gian diễn xướng đã tổ chức 42 đêm diễn, mỗi đêm có sự tham gia của khoảng 35 - 40 nghệ sĩ, 35 - 40 nghệ nhân, 3-5 thầy gà, thầy bày và 2-3 câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm. Các đêm diễn đã phục vụ tổng cộng hơn 20.000 khán giả trong giai đoạn đầu. Không gian này đã thực sự trở thành món ăn tinh thần vào dịp cuối tuần cho người dân thành phố Vinh, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ.
Để ghi nhận, khích lệ và tôn vinh những tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực vào sự thành công của không gian diễn xướng, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An đã tặng Giấy khen cho 4 tập thể và 8 cá nhân.
Cũng trong chương trình, Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức trao thưởng cho 3 tác phẩm đoạt giải A, 6 tác phẩm đoạt giải B và 15 tác phẩm đoạt giải C trong cuộc thi sáng tác, soạn lời dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh năm 2024.
Dịp này, Sở Văn hóa và Thể thao cũng phát động phong trào lan tỏa dân ca Ví, Giặm trong đoàn viên thanh niên ngành Văn hóa và Thể thao, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của vùng đất Nghệ Tĩnh.