Sáng tác tranh về nơi Bác Hồ sống 15 năm cuối của cuộc đời
VHO - Những tác phẩm hội họa được sáng tác với tình yêu và lòng kính trọng, biết ơn của các em học sinh với Bác Hồ được kỳ vọng sẽ là thành quả của hoạt động Sáng tác tranh với chủ đề “Chúng con vẽ về nơi Bác Hồ ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch”, được khai mạc sáng nay 29.3 tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Lễ khai mạc hoạt động sáng tác tranh “Chúng con vẽ về nơi Bác Hồ ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch” do Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch phối hợp với nhiều trường học, CLB Mỹ thuật các tỉnh phía Bắc.
Diễn ra tại một không gian đặc biệt, nơi mà từng góc nhỏ vẫn vẹn nguyên hơi ấm và hình ảnh của vị cha già dân tộc, nơi Người đã sống và làm việc 15 năm cuối của cuộc đời, hoạt động sáng tác tranh dành cho các em học sinh đã mang đến nhiều cảm xúc sâu sắc.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Giám đốc Khu Di tịch Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Lê Thị Phượng nhấn mạnh ý nghĩa của sự kiện, khi các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các em học sinh cùng hội tụ về Khu di tích, lan tỏa tình yêu thương, lòng biết ơn, sự kính trọng tri ân dâng lên Bác.

“Nơi đây, ngay sau khi Bác qua đời đã được Đảng, Nhà nước quyết định gìn giữ nguyên trạng như khi Bác vẫn sống và việc. Mỗi năm, Khu di tích đón khoảng 3 triệu lượt khách trong nước và quốc tế.
Nơi đây, là địa chỉ đỏ, là trường học chính trị thực tiễn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhà sàn Bác Hồ đã mang tính biểu tượng quốc gia, dân tộc; biểu tượng của tình đoàn kết quốc tế.
Và nơi đây cũng là điểm đến ấn tượng trong quan hệ ngoại giao cấp cao của Đảng, Nhà nước”, bà Lê Thị Phượng chia sẻ.
Cũng theo bà Phượng, với ý nghĩa và tầm vóc đó, hoạt động sáng tác tranh với chủ đề “Chúng con vẽ về nơi Bác Hồ ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch” là một hoạt động rất ý nghĩa, trước hết, tạo cơ hội để các em học sinh tham gia trải nghiệm hoạt động trong không gian di sản văn hóa Hồ Chí Minh.
Tạo cơ hội để các em được thực tế ngắm nhìn ngôi nhà Bác đã ở, nơi Bác đã làm việc, Ao cá Bác nuôi, vườn cây Bác trồng và chăm sóc…
Những điều thiêng liêng đó lâu nay các em chỉ có thể thấy thông qua những trang sách, những câu chuyện kể hay trên những thước phim, trang ảnh.

Hoạt động cũng tạo cơ hội cho các em học sinh được giao lưu, học hỏi, cùng nhau thể hiện sáng tạo, năng khiếu trong lĩnh vực hội họa. Càng có ý nghĩa thiêng liêng hơn khi hoạt động được diễn ra bắt nguồn từ chính những mơ ước, mong muốn, nguyện vọng của các em với tình cảm hướng về Bác.
“Thật xúc động khi biết rằng hoạt động được tổ chức là sự kết nối tốt đẹp của các thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh từ nhiều CLB Mỹ thuật các tỉnh khu vực miền Bắc với Khu di tích. Điều này thể hiện một tinh thần nhiệt huyết, sự quyết tâm cao để hoạt động được tổ chức thành công với chất lượng và hiệu quả”, bà Lê Thị Phượng khẳng định.
Lãnh đạo Khu Di tích bày tỏ: “Mong rằng Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là điểm đến khơi nguồn cảm xúc nghệ thuật, sáng tạo của các em học sinh, để sáng tác những tác phẩm chân thật sinh động, mộc mạc như chính cuộc sống đời thường, bình dị của Bác Hồ kính yêu trong 15 năm cuối cùng đã gắn bó tại nơi đây”.

Những tác phẩm của các em học sinh tham gia tại hoạt động này sẽ được lưu giữ làm tư liệu tuyên truyền nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1.6.2025.
Đại diện các CLB Mỹ thuật phát biểu tại buổi lễ, cô giáo, Chủ nhiệm CLB Mỹ thuật phát triển Trí Tuệ Phan Thị Kim Thùy bày tỏ, được về Khu Di tích, một địa chỉ đỏ thiêng liêng để tham gia hoạt động vô cùng ý nghĩa này chính là niềm vinh dự và hạnh phúc của các cô, trò.
“Được về nơi ở và làm việc 15 năm cuối cùng của Bác là điều vô cùng quý giá, là một kỷ niệm để mỗi học sinh có mặt ở đây sẽ nhớ mãi trong tuổi thơ của mình. Đây cũng là một sân chơi, một dịp để tất cả các em học sinh cùng được giao lưu, học tập một cách thiết thực, bổ ích…”, cô giáo Kim Thùy chia sẻ.

Đại diện học sinh tham gia hoạt động vẽ tranh, Nguyễn Ngọc Bảo Anh, học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình) bộc bạch: “Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, Bác đã dành cả cuộc đời để cống hiến cho đất nước. Những nơi Bác từng ở và làm việc không chỉ là những di tích lịch sử quý giá mà còn là biểu tượng của lối sống giản dị, thanh cao, hết lòng hi sinh vì dân vì nước.
Thông qua những bức tranh vẽ trong trại sáng tác lần này, chúng em không chỉ có cơ hội thể hiện sự sáng tạo, tình yêu nghệ thuật mà còn bày tỏ lòng kính yêu đối với Bác Hồ. Mỗi nét vẽ đều chứa đựng sự tôn kính, niềm tự hào và sự biết ơn sâu sắc đối với Bác Hồ kính yêu”.
Một tác phẩm đặc biệt được sáng tác trong hoạt động này là tác phẩm "Ao cá Bác Hồ trong Khu Phủ Chủ tịch" do em Lê Minh Hà Anh, lớp 8B Trường THCS Thụy Lương (Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình) thực hiện dưới sự hướng dẫn hỗ trợ của phụ huynh Lê Hữu Hoàn.
Tác phẩm được thực hiên với chất liệu Keo Resin Epoxy 3D, gỗ, màu tổng hợp. Mộc mạc và chân thành, tác phẩm đã tạo được ấn tượng từ ý tưởng, được học sinh và phụ huynh gắng sức hoàn thiện đến 90% trước giờ khai mạc và kịp mang ra Hà Nội trao tặng Khu Di tích.

Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là nơi Bác Hồ muôn vàn kính yêu đã sống và làm việc lâu nhất – 15 năm cuối cùng của cuộc đời. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, nơi ở và làm việc của Người được Đảng và Nhà nước quyết định gìn giữ lâu dài nhằm bảo tồn và phát huy di sản Hồ Chí Minh.
Hơn 55 năm qua, nơi đây vẫn được bảo tồn và giữ gìn nguyên trạng như lúc Bác sinh thời và đã trở thành địa chỉ đỏ hội tụ tình cảm mọi người dân Việt Nam, kiều bào và bạn bè tiến bộ trên thế giới.
Đúng như cố Tổng Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá: “Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một địa chỉ hết sức thiêng liêng. Đây là nơi mọi người dân trong nước và bạn bè quốc tế đến để tưởng nhớ, hiểu biết về công lao to lớn của Bác và đặc biệt là nơi học tập, làm theo tấm gương vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến đây, mỗi người đều lắng đọng suy ngẫm về bản thân để tu dưỡng, rèn luyện và làm việc xứng đáng với Bác”.