Rừng Mường Phăng nhớ dấu chân Đại tướng
VHO - Dạo bước dưới những tán cây rừng xanh mướt ở khu di tích Mường Phăng, nơi đồng bào các dân tộc ở đây vẫn thân thương gọi tên là “rừng Đại tướng”, chúng tôi nghe tiếng người cựu binh già se sẽ hát, những giai điệu thân quen, “giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về…”. Ánh mắt ông lấp lánh vui. Nữ hướng dẫn viên dân tộc Thái thì hân hoan, “rừng Đại tướng” dịp này đông lắm. Cả nước hướng về Điện Biên, về “địa chỉ đỏ” Mường Phăng- trái tim trong chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm về trước.
Nơi hồi ức còn mãi với thời gian
Trời Điện Biên tháng 4 đỏ lửa. Hòa trong dòng người như vô tận từ mọi ngả đổ về tri ân miền đất lịch sử, chúng tôi tới khu di tích Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên). Quãng đường mấy chục cây số từ trung tâm TP. Điện Biên Phủ tới Mường Phăng quanh co cùng những thung lũng nhỏ hẹp, xen lẫn màu xanh mướt của những ruộng lúa đang thì con gái. Cô gái Điện Biên cùng đi nhỏ nhẹ, vào Mường Phăng khi nào cũng vậy, cảm xúc thân thương đến lạ.
Đi dưới tán cây rừng Mường Phăng xanh mát, chúng tôi cùng những vị khách, những cựu chiến binh đến từ Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên… theo bước chân hướng dẫn viên Lò Thị Thủy (Khu Di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ) trở về những khoảnh khắc lịch sử ở Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ- cơ quan đầu não của Chiến dịch trong 105 ngày (từ 31.1- 15.5.1954).
“Nhìn những hình ảnh êm đềm, xanh mát trong “rừng Đại tướng” hôm nay, nhiều du khách không hình dung được chính tại đây 70 năm trước, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công quyết định, làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Mường Phăng được xem như trái tim trong chiến dịch Điện Biên Phủ…”, hướng dẫn viên nói.
Thả bước trên con đường mòn dài 1300 mét để đi đến lán cuối cùng của Sở chỉ huy, cô gái Thái thong thả kể chuyện, Khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ nằm tại khu rừng già dưới chân núi Pú Đồn, thuộc xã Mường Phăng. Trước khi đặt tại Mường Phăng, địa điểm thứ nhất của Sở Chỉ huy đặt tại hang Thẩm Púa (xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo) trong 32 ngày và địa điểm thứ 2 đặt tại bản Huổi He (xã Nà Tấu) trong 13 ngày.
Thủy đưa đoàn khách lần lượt khám phá từng di tích tại Mường Phăng. Đó là trạm gác tiền tiêu, nơi bảo vệ Sở Chỉ huy chiến dịch ở vòng ngoài; là căn lán và hầm làm việc của cơ quan thông tin đảm bảo liên lạc trong chiến dịch, nơi truyền đạt các mệnh lệnh nhanh chóng, chính xác và bảo mật; là lán và hầm làm việc của sĩ quan liên lạc giữa Bộ Chỉ huy chiến dịch với đoàn cố vấn quân sự.
Đi sâu vào trong là đường hầm xuyên núi - công trình vĩ đại tại Mường Phăng với chiều dài 69 mét, nối giữa lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lán của đồng chí Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ. Tiếp đến là lán tác chiến, nơi theo dõi diễn biến chiến sự trên chiến trường của ban tác chiến và ban quân báo; tại đây, vào 15 giờ chiều 7.5.1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận, tiến công vào sở chỉ huy của quân Pháp, bắt sống tướng Đờ-cát cùng toàn bộ bộ tham mưu…
Dừng chân phía trước lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người cựu binh già trong đoàn bần thần nhìn căn lán nhỏ, đơn sơ giản dị và trầm mặc giữa khu rừng Mường Phăng. Người cựu binh nhắc những lời Đại tướng viết trong hồi ức “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” mà ông đã đọc đến thuộc lòng: “…Vật liệu gồm tre, luồng, lá móc, lá gồi kiếm được tại chỗ. Giữa nhà có một chiếc bàn đủ rộng để trải bản đồ. Hai bên là hai ghế dài, mặt ghế ghép bằng những đoạn vầu bổ đôi. Hai đầu có hai chiếc giường lát nứa, một của tôi, một của đồng chí vệ sĩ. Không biết ai là người đầu tiên nghĩ ra kiểu nhà này. Nó đã ổn định tới mức không cần có sự cải tiến nào”.
Hướng dẫn viên Lò Thị Thủy giọng nhỏ nhẹ, ngôi lán đơn sơ này rộng chừng 18m2, một gian là nơi làm việc và nghỉ ngơi của Đại tướng, gian còn lại của đồng chí cận vụ- người chăm lo sức khỏe cho Đại tướng trong Chiến dịch. Khó ai có thể hình dung ngôi lán này là nơi Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã có những quyết định sáng suốt, linh hoạt, ban hành những chỉ thị, mệnh lệnh quan trọng nhất khi chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiếc bàn tre trong căn lán nhỏ là nơi hằng ngày Đại tướng trải rộng tấm bản đồ nghiên cứu tình hình chiến sự.
Căn lán cũng là nơi Đại tướng bao đêm thao thức, trăn trở, đặc biệt khi ông đưa ra quyết định lịch sử thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Sau này, Đại tướng đã chia sẻ, đó là “quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời tôi”. Một quyết định sáng suốt để quân dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Chúng tôi bước vào căn hầm xuyên qua núi bên cạnh lán ở và làm việc của Đại tướng. Đoàn khách nối nhau đi qua căn hầm độ dài 69 mét, chiều rộng 1-3 mét, cao 1,7mét. Khi có máy bay hoặc chiến sự, Đại tướng sẽ xuống hầm để làm việc. Hầm xuyên núi là công trình đồ sộ nhất ở Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, được xây dựng trong gần một tháng.
Giữa đường hầm có một phòng họp rộng 18m2, có lỗ thông hơi lên đỉnh đồi. Dọc theo đường hầm, bộ đội đào hầm thiết kế 5 ngách để đặt máy thông tin liên lạc. 1 máy để nối với Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Hồ Chủ tịch; 4 máy còn lại nối với các đại đoàn chiến đấu ở mặt trận Điện Biên Phủ.
Từ căn hầm chỉ huy đi ra triền núi phía sau, trèo lên đỉnh Pú Huốt, cao nhất trong quần thể núi rừng ở Mường Phăng là đài quan sát. Từ đây có thể nhìn thấy toàn bộ thung lũng Mường Thanh với các cứ điểm đồi Him Lam, Độc Lập, D1, C1, A1, cầu Mường Thanh và hầm Đờ-cát. Mọi động tĩnh của quân Pháp tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đều bị quân ta theo dõi.
Hướng dẫn viên Thủy tiếp tục đưa chúng tôi tới điểm di tích Hội trường- địa điểm phục vụ chỉ huy, điều hành các công tác của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là nơi họp của các cấp trung đoàn do Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch triệu tập. Trong đó, quan trọng nhất là Hội nghị cán bộ ngày 7.2.1954 để quán triệt phương châm tác chiến mới và tiến hành công tác chuẩn bị chiến đấu.
Tại Hội trường này, chiều 7.5.1954, theo các nhân chứng có mặt tại Sở chỉ huy chiến dịch kể lại, đó là một buổi chiều đáng nhớ. Không khí ở khu rừng Mường Phăng vốn âm thầm, lặng lẽ đã trở nên sôi động lạ thường.
Mọi người không kiềm chế nổi niềm vui sung sướng, báo tin chiến thắng và ôm lấy nhau, tiếng cười vang rộn cả núi rừng. Hội trường đơn sơ này còn là nơi nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã sáng tác bài hát “Giải phóng Điện Biên” ngay trong đêm 7.5.1954, ghi dấu “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”.
Nhớ dấu chân, nhớ bóng hình Đại tướng
70 năm đã trôi qua, những điểm di tích tại Khu Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Còn đó lán ngủ điện báo viên, hầm tổng đài điện thoại. Còn đó lán làm việc của Ban Thông tin, nhà tác chiến. Còn đó vẹn nguyên xúc cảm ấm áp, thân thương từ ngôi lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rồi hội trường, bếp Hoàng Cầm.... Mỗi di tích là một ký ức lịch sử còn mãi với thời gian, vẹn nguyên trong trái tim dân tộc.
Ký ức đã lùi xa nhưng tại “địa chỉ đỏ” Mường Phăng, 70 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, các điểm di tích từng bước được đầu tư, tôn tạo, phục vụ du khách trong những hành trình tri ân, về nguồn ý nghĩa. Nhiều hạng mục tại Khu Di tích được quan tâm, đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo như: Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đường tham quan di tích dài 1.300m, 12 ngôi lán ở và làm việc của Bộ chỉ huy chiến dịch, 3 đường hầm trong đó có đường hầm dài 69 mét...
“Các điểm di tích tại Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đều có chất liệu tranh tre nứa lá, dễ bị ảnh hưởng, tác động. Bởi vậy, yêu cầu đặt ra là vừa phải giữ gìn, bảo tồn nguyên vẹn, vừa cần thường xuyên tu bổ để phát huy giá trị, trở thành điểm đến ý nghĩa của đông đảo người dân và du khách.
Không chỉ lưu dấu những ký ức lịch sử vô giá, đồng bào các dân tộc nơi đây luôn gìn giữ, bảo vệ Mường Phăng như khu rừng thiêng, có vị trí đặc biệt trong mỗi trái tim, mỗi khối óc ở nơi này...”, lãnh đạo UBND xã Mường Phăng cho biết.
Trong ánh mắt, nụ cười và những câu chuyện chúng tôi được nghe dọc con đường trong cánh rừng Mường Phăng, cảm xúc trào dâng mãnh liệt là nỗi nhớ thương dấu chân và bóng hình Đại tướng. Gặp chúng tôi ở phía cuối đường, nơi người dân địa phương bày bán nhiều sản vật, bà Lò Thị Thanh (xã Mường Phăng) kể, người dân ở đây còn có cách gọi trìu mến riêng dành cho Đại tướng là “ải pú” (ông nội), hay “ải pú Giáp” (ông nội Giáp).
Khu rừng vì thế cũng còn được nhiều người gọi là “rừng ông nội”. Những câu chuyện gần gũi về Đại tướng luôn được người dân Mường Phăng lưu giữ, trân trọng. Một điều dễ dàng cảm nhận là dù lượng du khách đến Mường Phăng ngày càng đông, nhưng không gian xanh mát dưới tán rừng già vẫn luôn giữ được dáng vẻ bình yên, tĩnh lặng, như nhiều thập kỷ qua vẫn vậy.
“Theo những bậc cao niên ở Mường Phăng kể lại, sau Chiến thắng lịch sử năm 1954, có nhiều dịp Đại tướng về thăm lại chiến trường Điện Biên, thăm lại Sở Chỉ huy ở Mường Phăng và căn lán năm xưa. Lần cuối Đại tướng về thăm Mường Phăng vào năm 2004, khi đó tôi còn là một học sinh. Nghe tin Đại tướng sẽ về thăm, cả Mường Phăng thao thức, ai cũng dậy thật sớm, đến thật sớm để chọn vị trí có thể được nhìn thấy Đại tướng gần nhất…”, nữ hướng dẫn viên hồi tưởng.
Không còn nhớ đã thuyết minh, giới thiệu về các điểm di tích cho bao nhiêu đoàn khách, nhưng với cô gái Thái này, mỗi vị khách đến với Mường Phăng đều mang đến nhiều cảm xúc khác nhau: “Dịp này, chúng tôi đón nhiều cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, trong đó có những người trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Qua dòng hồi ức vô giá, các cựu binh đã kể lại nhiều câu chuyện cảm động, đó là những bài học giá trị cho thế hệ trẻ”.
Địa danh Mường Phăng đã đi vào thơ ca, nhạc họa, trở thành niềm tự hào vĩnh cửu của nhiều thế hệ người dân nơi đây. Chia tay chúng tôi trong bóng chiều tà ẩn dưới tán cây rừng xanh mướt, Lò Thị Thủy bộc bạch: “Những dấu chân kiên cường, dũng cảm của cha ông ngày ấy chính là động lực thôi thúc người dân ở Mường Phăng hôm nay, nhất là thế hệ trẻ không ngừng cố gắng. Chúng tôi luôn tâm niệm phải sống và cống hiến cho xứng đáng với lịch sử vĩ đại, lẫy lừng mà cha ông đã hi sinh máu xương, tuổi trẻ để tạc dựng”.