Làng gốm Thanh Hà (Quảng Nam):

Rộn ràng giỗ Tổ nghề truyền thống

KHÁNH CHI

VHO - Làng gốm Thanh Hà, TP Hội An (Quảng Nam) vừa tưng bừng tổ chức lễ hội Giỗ Tổ nghề gốm Nam Diêu. Người dân, du khách nô nức đổ về trẩy hội và tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống cùng cư dân làng nghề…

Rộn ràng giỗ Tổ nghề truyền thống - ảnh 1
Giỗ Tổ nghề gốm Nam Diêu - Thanh Hà 2024

Tri ân công đức các bậc tiền hiền

Lễ hội Giỗ Tổ nghề gốm được người dân làng Nam Diêu tổ chức thường niên vào trung tuần tháng 7 âm lịch hằng năm, nhằm tri ân công đức các bậc tiền hiền đã có công gây cơ dựng nghiệp, đồng thời giáo dục con cháu, thế hệ trẻ của làng về cội nguồn, lịch sử, cũng như ý thức bảo tồn nghề truyền thống mà tổ tiên truyền lại.

Năm 2024, lễ giỗ Tổ được tổ chức theo nghi thức cổ truyền như cúng lễ túc, lễ rước kiệu Tổ nghề, lễ tế chính. Phần tế lễ được những bậc cao niên, các hộ sản xuất gốm thực hiện với các phần xướng tế, hành tế, phân hiến Đông - Tây, cổ nhạc, độc chúc… Ngoài ra còn có các hoạt động đặc sắc được tổ chức trong phần hội, với sự tham gia của đông đảo người dân cùng du khách như: Đua thuyền trên sông Thu Bồn, các trò chơi dân gian, tổ chức không gian kết nối và chế tác sản phẩm gốm, trình diễn chuốt gốm, nặn con thổi, ẩm thực…

Làng gốm Nam Diêu, Thanh Hà được hình thành vào khoảng thế kỷ XVI-XVII, do một số thợ thủ công Thanh Hóa, Nghệ An vào dựng làng ở rồi mang theo nghề. Làng gốm hưng thịnh nhất vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIX, được triều đình Nguyễn ghi vào sách Đại Nam nhất thống chí, phần Thổ sản Quảng Nam. Với tuổi đời hơn 500 năm, nơi đây hiện còn bảo lưu nguyên vẹn quy trình chế tác gốm thủ công truyền thống cùng nhiều giá trị tri thức dân gian gắn liền quá trình hình thành làng xã, phát triển đô thị Thương cảng Hội An. Làng có khoảng 320 hộ, khoảng 1.000 dân cư, trong đó có 105 hộ hiện đang làm gốm.

Tại khu vực trung tâm làng gốm có 10 di tích đã được xếp hạng và đưa vào danh mục bảo vệ. Gắn liền với di sản văn hóa vật thể là một khối lượng lớn di sản văn hóa phi vật thể như tri thức sản xuất gốm (truyền thống và mỹ nghệ), sành, gạch, ngói, làm tượng Táo quân, nung vôi và phân công, tổ chức sản xuất.

Đời sống văn hóa tín ngưỡng, lễ hội như lễ Tế xuân khởi đầu một năm sản xuất; Tế thu kết thúc một năm sản xuất được tổ chức thường niên để tri ân Trời Đất, Thần linh, Tổ nghề tại khu Miếu Tổ Nam Diêu. Với những giá trị văn hóa đặc sắc, bề dày lịch sử được bảo tồn và phát huy, tháng 8.2019, “Nghề gốm Thanh Hà” đã được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Rộn ràng giỗ Tổ nghề truyền thống - ảnh 2
Không gian kết nối và chế tác sản phẩm gốm tại Lễ hội

Hiệu quả mô hình du lịch làng gốm Thanh Hà

Từ năm 2001, TP Hội An đầu tư khai thác tuyến tham quan du lịch tại làng gốm Thanh Hà. Thời điểm ấy, nơi đây chỉ còn 8 cơ sở với 24 lao động hoạt động, trở thành hạt nhân trong công tác bảo tồn và phát triển làng nghề.

Năm 2004, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt dự án khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống Thanh Hà gắn với hoạt động du lịch giai đoạn 2004-2007. Từ khi mở cửa tham quan đến nay, làng gốm luôn là điểm đến hấp dẫn, thu hút khá đông du khách, trở thành một trong những mô hình du lịch làng nghề hiệu quả nhất hiện nay, không chỉ của Quảng Nam mà trong cả nước.

Du khách tham quan làng gốm thích thú khi được trực tiếp trải nghiệm quy trình sản xuất thủ công, cùng tham gia chế tác với người dân để tự tay làm sản phẩm cho mình, được tặng những con tò he bằng gốm mang về làm lưu niệm. Những năm gần đây, làng nghề chú trọng công tác bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải, hướng đến du lịch xanh.

Theo ông Võ Phùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, bên cạnh bề dày văn hóa lịch sử hơn 500 năm, giá trị tạo nên sức hút làng gốm Thanh Hà còn là nét nguyên sơ và lòng mến khách của cộng đồng. “Điều hấp dẫn trước hết chính ở cách thức sản xuất, không gian làng nghề đảm bảo các tiêu chí như cây đa, bến nước, sân đình, nhà cổ, nghề truyền thống. Ngoài ra, còn có nếp sống, phong tục, người dân hiền hòa, nghĩa tình, yêu nghề, yêu làng…”, ông Phùng chia sẻ.

Nghề gốm Thanh Hà đã được xác định là thành tố quan trọng của Hội An khi gia nhập mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO. Trong bối cảnh mới, người làng gốm, nghề gốm luôn sáng tạo không ngừng để tồn tại và phát triển. Từ chỗ chỉ còn vài lò gốm đỏ lửa, cư dân làng Nam Diêu đã khéo léo sáng tạo nên những sản phẩm con thổi với biểu tượng 12 con giáp, gốm mỹ nghệ bằng khuôn đúc, mặt nạ gốm, tượng gốm, tượng Táo quân để phục vụ du lịch và thị trường.

Năm 2023, làng gốm đón gần 600 nghìn lượt khách tham quan, trong đó có đến 93% là khách quốc tế. Lượng khách ghé thăm làng gốm đứng thứ 3 trong số các điểm đến ở Hội An, chỉ sau khu phố cổ và rừng dừa Bảy Mẫu.

Hiện nay làng có 32 cơ sở sản xuất, 68 lao động trực tiếp cùng tham gia vào hoạt động du lịch của làng. Mức hỗ trợ chia thành mức A (nghệ nhân), B (thợ lành nghề), C (thợ học việc) tương ứng số tiền 3 - 4,2 - 6 triệu đồng/ tháng, được trích lại từ vé tham quan. Cách làm này sẽ tạo thêm thu nhập cho người dân, đồng thời thông qua du lịch thúc đẩy các cơ sở tạo ra sản phẩm mới phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách, góp phần bảo tồn làng nghề.

Địa phương cũng đầu tư hạ tầng, phát triển các sản phẩm dịch vụ mới để điểm đến làng gốm hoàn thiện, phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm. Những năm gần đây, bên cạnh phần lễ giỗ Tổ nghề gốm được tổ chức trang nghiêm, thành kính theo nghi lễ truyền thống, TP Hội An cũng đầu tư vào tổ chức phần hội với nhiều hoạt động sáng tạo, hấp dẫn. Không còn bó hẹp khuôn khổ làng, Lễ hội Giỗ Tổ nghề gốm Nam Diêu đã được đầu tư, nâng cấp thành quy mô cấp thành phố. Qua đó, góp phần đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu hình ảnh làng nghề với du khách; nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, giúp họ yên tâm gắn bó, đẩy mạnh đào tạo nghề cho thế hệ trẻ, góp phần phát triển nghề gốm truyền thống.