Hành trình nghệ thuật qua những miền đất gốm

THÙY TRANG

VHO - Ngày 3.8, tại Nhà trưng bày triển lãm TP.HCM đã khai mạc Triển lãm chủ đề “Duyên” của họa sĩ Lê Thiết Cương. Triển lãm giới thiệu 34 tác phẩm, trong đó có 22 tranh và 12 tượng mỹ thuật ứng dụng, tái hiện các làng nghề truyền thống của Việt Nam.

Hành trình nghệ thuật qua những miền đất gốm - ảnh 1

Họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ về các tác phẩm với người xem

Các tác phẩm được họa sĩ Lê Thiết Cương thực hiện từ năm 2003 đến 2024 trên nhiều chất liệu, mang nét đặc trưng của anh như: tranh sơn dầu, sơn mài, bột màu vải màn bồi giấy dó, mực trên giấy dó, gốm mosaic… 

Đặc biệt, trong triển lãm “Duyên” còn trưng bày nhiều hiện vật, tái hiện các làng nghề truyền thống như bình gốm Bát Tràng, gốm Hương Canh hay các sản phẩm làm từ sắt, composite, đá, kính… 

Triển lãm kể lại hành trình họa sĩ Lê Thiết Cương đến với nghệ thuật tối giản, làng nghề và tạo nên các tác phẩm gốm kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Đồng thời, đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng.

Hành trình nghệ thuật qua những miền đất gốm - ảnh 2

Góc nhìn sáng tạo của họa sĩ cho thấy tiềm năng to lớn trong việc kết nối quá khứ và hiện tại để tạo nên giá trị nghệ thuật mới 

Lê Thiết Cương là một trong những họa sĩ đương đại nổi tiếng của Việt Nam. Anh đã tạo nên cầu nối độc đáo giữa nghệ thuật hiện đại và di sản văn hóa lâu đời thông qua các tác phẩm của mình.

Anh cho biết, không gian hoài cổ của ngôi nhà 3 tầng đầy những hoành phi, câu đối, đồ gỗ và gốm từ thời Lý, Trần, Lê, Mạc của ông bà nội đã khơi nguồn, nuôi dưỡng đam mê nghệ thuật và chất liệu truyền thống trong họa sĩ Lê Thiết Cương từ thuở nhỏ.

Chính bởi tình yêu nghệ thuật sâu sắc, họa sĩ Lê Thiết Cương bắt đầu hành trình khám phá những miền đất gốm và tìm cảm hứng sáng tạo nghệ thuật từ làng nghề truyền thống.

Nơi đầu tiên Lê Thiết Cương đặt chân đến là làng gốm Phù Lãng (Bắc Ninh). Phù Lãng có lịch sử lâu đời, ra đời vào khoảng thế kỷ XIII-XIV, nằm bên bờ sông Cầu gần Lục Đầu giang.

Hành trình nghệ thuật qua những miền đất gốm - ảnh 3

Vợ chồng nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn xem triền lãm

Anh đã được chứng kiến sự tồn tại của một trung tâm sản xuất gốm lâu đời và đặc biệt ấn tượng với kỹ thuật tạo men da lươn độc đáo, cùng sự tận tụy của các nghệ nhân trong việc gìn giữ và phát triển nghề truyền thống.

Hoặc khi đến với làng gốm Hương Canh (Vĩnh Phúc), Lê Thiết Cương bị cuốn hút bởi vẻ đẹp mộc mạc và khỏe khoắn của gốm sành không men. Tại đây, anh đã có cơ hội tìm hiểu về quá trình sản xuất độc đáo, sử dụng đất sét xanh và đất sét móng trâu cùng kỹ thuật nung truyền thống tạo nên những sản phẩm gốm có màu sắc và kết cấu đặc trưng.

Hành trình nghệ thuật qua những miền đất gốm - ảnh 4

Tác phẩm “Phật sinh bất nhị”, chất liệu gốm Bát Tràng

Trong khi đó, Làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí Lê Thiết Cương với lịch sử nghìn năm cùng sự đa dạng trong kiểu dáng, men và họa tiết.

Cuối cùng, tại làng gốm Thanh Hà (Quảng Nam), Lê Thiết Cương khám phá ra vẻ đẹp độc đáo của gốm đất nung nhờ thành phần cát tự nhiên trong đất sét địa phương.

Hành trình đi qua các làng gốm không chỉ giúp Lê Thiết Cương mở rộng kiến thức và trải nghiệm, mà còn trở thành cảm hứng cho những sáng tạo nghệ thuật độc đáo trong tác phẩm của anh.

Hành trình nghệ thuật qua những miền đất gốm - ảnh 5

Không gian triển lãm “Duyên” tại Nhà triển lãm TP.HCM

Trong đó, Lê Thiết Cương đã sáng tạo ra tác phẩm gốm độc đáo bằng cách kết hợp nghệ thuật gốm truyền thống với thư pháp.

Anh chọn những câu kinh Phật và thơ Thiền ngắn gọn nhưng sâu sắc, viết lên lọ, đĩa gốm kèm theo minh họa, tạo nên tác phẩm vừa mang tính thẩm mỹ cao, vừa chứa đựng triết lý sâu sắc…

Có thể nói, hành trình khám phá những làng gốm của Lê Thiết Cương không chỉ là câu chuyện của một nghệ sĩ đi tìm cảm hứng, mà còn là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của các làng nghề Việt Nam.

Qua góc nhìn sáng tạo của họa sĩ đã cho thấy tiềm năng to lớn trong việc kết nối quá khứ và hiện tại để tạo nên giá trị nghệ thuật mới mẻ, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị làng gốm truyền thống.

Triển lãm diễn ra ngày 3-12.8.2024.