Ra mắt Bảo tàng đa dạng sinh học cấp tỉnh đầu tiên

KHÁNH CHI

VHO - Quảng Nam vừa chính thức ra mắt Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh tại số 100 Hùng Vương, TP Tam Kỳ. Đây là công trình bảo tàng đa dạng sinh học cấp tỉnh đầu tiên của cả nước, là kết quả của dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học mà tỉnh Quảng Nam đã thực hiện từ năm 2015-2021.

 Ra mắt Bảo tàng đa dạng sinh học cấp tỉnh đầu tiên - ảnh 1

 Đại biểu tham quan Bảo tàng

Bà Lê Thủy Trinh, Phó Giám đốc Sở TN&MT Quảng Nam cho biết, việc khai trương Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam nhằm tiếp tục triển khai chuỗi các sự kiện của Năm Phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia - Quảng Nam 2024 với chủ đề “Chung sống hài hòa với thiên nhiên”. Đặc biệt hướng đến chào mừng các ngày kỷ niệm quan trọng của cả 2 lĩnh vực Bảo tàng và Đa dạng sinh học: Ngày quốc tế Bảo tàng (18.5) với chủ đề “Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu”; ngày Quốc tế Đa dạng sinh học (22.5) với chủ đề “Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học”.

Đây cũng là công trình bảo tàng đa dạng sinh học cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước, sau một số bảo tàng thiên nhiên và đa dạng sinh học cấp quốc gia và vùng như: Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, các Bảo tàng thiên nhiên vùng Nam Bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc, Duyên hải miền Trung; Bảo tàng Hải dương học Nha Trang, Bảo tàng Hải dương học Đồ Sơn… Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, bảo quản, trưng bày, xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu, tư liệu, mẫu vật về tài nguyên đa dạng sinh học của tỉnh; phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu, giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học. Đồng thời là nơi trình diễn, quảng bá các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, sự phong phú của các loài động, thực vật quýhiếm, đặc hữu, đặc trưng mà thiên nhiên ban tặng; đồng thời góp phần thúc đẩy lối sống có trách nhiệm với thiên nhiên, phục hồi đa dạng sinh học.

 Ra mắt Bảo tàng đa dạng sinh học cấp tỉnh đầu tiên - ảnh 2

Quảng Nam là khu vực có nhiều hệ sinh thái từ rừng đến biển rất đặc trưng, mang lại nhiều giá trị cảnh quan và kinh tế; là nơi phân bố của nhiều loài quý hiếm, đặc hữu như Sao la, Hổ, Voi, Voọc chà vá, Mang Trường Sơn, Sâm Ngọc Linh, san hô, cỏ biển…. Là một trong những tỉnh tiên phong hành động về đa dạng sinh học, Quảng Nam cũng là một trong các địa phương sớm ban hành Chiến lược bảo tồn, kế hoạch hành động về đa dạng sinh học.

Đặc biệt, đã tranh thủ được nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế triển khai nhiều nhiệm vụ bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái, xúc tiến thành lập các Khu bảo tồn, hành lang đa dạng sinh học tỉnh. Từ năm 2015, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở TN&MT thực hiện Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học nhằm mục đích đánh giá, nhìn nhận đầy đủ vai trò, giá trị của đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2021, Bảo tàng cơ bản hoàn thành và trở thành Bảo tàng đa dạng sinh học cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước.

Việc đưa Bảo tàng đa dạng sinh học đi vào hoạt động là điều cần thiết và mang nhiều ý nghĩa. Với hệ thống cơ sở dữ liệu và bộ sưu tập các mẫu vật, tiêu bản hiện có liên quan đến đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam, việc giới thiệu và trưng bày ra mắt giới thiệu Bảo tàng nhằm quảng bá các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, sự phong phú của các loài động thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc trưng của thiên nhiên ban tặng trong không gian sinh tồn trên địa bàn tỉnh. Qua đó, kết nối với các tổ chức, các nhà khoa học nhằm phát triển phong phú thêm về các mẫu vật cho Bảo tàng; góp phần khơi dậy ý thức và trách nhiệm của mỗi cán bộ và người dân, tầng lớp học sinh các cấp trong việc giữ gìn, bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh nhà.

Là bảo tàng đa dạng sinh học cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước nên giai đoạn ban đầu Bảo tàng gặp nhiều lúng túng, khó khăn do chưa có mô hình hoạt động tương tự, về tổ chức, các nguồn lực để hoạt động, đặc biệt là nguồn nhân lực. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh; sự động viên, chia sẻ chuyên môn của các khu bảo tồn và các tổ chức, đơn vị liên quan về đa dạng sinh học; đến nay, Bảo tàng đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Duy trì tốt công tác xử lý, lưu giữ, bảo quản mẫu; bước đầu xây dựng mối hợp tác, chia sẻ chuyên môn với các bảo tàng, đơn vị, chuyên gia có liên quan như Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam; Bảo tàng thiên nhiên Duyên hải miền Trung; Trung tâm Green Việt; WWF...; bổ sung, hoàn thiện các nội dung phục vụ cho công tác tham quan, giáo dục về đa dạng sinh học.

Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cho biết đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2035 sẽ phát triển, nâng tầm Bảo tàng đa dạng sinh học tỉnh Quảng Nam thành Bảo tàng thiên nhiên khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, trực thuộc hệ thống Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam. 

 Bảo tàng được bố trí thành các không gian: Khu vực giới thiệu chung; khu trưng bày ngành thực vật; khu trưng bày ngành động vật; khu vực tương tác; phòng tư liệu; phòng nghiên cứu và khu vực lưu giữ - xử lý - bảo quản mẫu. Hiện nay Bảo tàng đã sưu tập, lưu giữ hơn 3.700 bức ảnh; hơn 1.200 mẫu vật, tiêu bản động, thực vật cùng bộ dữ liệu, tài liệu, bản đồ số, phim ảnh về đa dạng sinh học tỉnh.