Lâm Đồng:
Ra mắt bản đồ du lịch nghệ thuật Đà Lạt
VHO - Sáng 29.8, tại TP Đà Lạt, UBND TP Đà Lạt phối hợp Sở VHTTDL, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) trong lĩnh vực âm nhạc tổ chức Lễ ra mắt bản đồ du lịch nghệ thuật Đà Lạt.
Theo đó, Ban tổ chức Bản đồ du lịch nghệ thuật Đà Lạt gồm 52 điểm, trong đó có 5 điểm không gian công cộng; 8 điểm không gian lịch sử và di sản; 4 điểm không gian bảo tàng; 4 điểm không gian nghiên cứu và giáo dục; 9 điểm không gian tín ngưỡng tôn giáo; 6 điểm không gian thắng cảnh thiên nhiên, 7 điểm đến tham du lịch; 9 điểm không gian nghệ thuật và giải trí…
Phát biểu tại buổi lễ ông Đặng Văn Tú, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt cho biết: Đà Lạt vốn được biết đến với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu ôn hòa và nền văn hóa đặc sắc. Bên cạnh đó, Đà Lạt còn là nơi hội tụ của những tài năng nghệ thuật phong phú trong nhiều ngành - lĩnh vực, là nơi gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống cũng như những sáng tạo mới mẻ.
Ngày 31.10.2023, TP Đà Lạt chính thức là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc.
Để hiện thực hóa các nội dung đã cam kết khi gia nhập và góp phần đạt được mục tiêu của mạng lưới. Hôm nay, UBND TP Đà Lạt phối hợp Sở VHTTDL, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam và Công ty TNHH Nghệ thuật số Bảy tổ chức Lễ ra mắt bản đồ du lịch nghệ thuật Đà Lạt.
Việc xây dựng Bản đồ du lịch nghệ thuật Đà Lạt là một trong ba sáng kiến cấp địa phương nhằm thúc đẩy vai trò của văn hóa và sáng tạo trong phát triển bền vững của thành phố; với mục tiêu kết nối và giới thiệu những điểm đến nghệ thuật đặc sắc, các điểm biểu diễn văn hóa, âm nhạc, các danh lam thắng cảnh đặc trưng của thành phố.
Sản phẩm này không chỉ đơn thuần là một công cụ dẫn đường, mà còn là cầu nối giữa các nghệ sĩ, các cơ sở nghệ thuật và cộng đồng; giúp mở ra những câu chuyện thú vị về lịch sử, văn hóa và sáng tạo, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch, nghệ thuật gắn với thành phố âm nhạc.
Trong thời gian tới, UBND TP Đà Lạt sẽ phối hợp các đơn vị tiếp tục hoàn thiện, phát triển và mở rộng bản đồ này để cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin về những điểm đến nghệ thuật mới, các sự kiện văn hóa đặc sắc của địa phương.
UBND TP Đà Lạt rất mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và đồng hành từ các cơ quan, tổ chức, cộng đồng sáng tạo và các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật để bản đồ này đánh dấu chặng đường phấn đấu, nỗ lực của thành phố sáng tạo âm nhạc và trở thành món quà không thể thiếu trong hành trình khám phá Đà Lạt của mỗi du khách.
Phát biểu tại đây, ông Jonathan Bake, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết: Tôi vinh dự được thay mặt UNESCO tham dự sự kiện và gửi lời chúc mừng TP Đà Lạt, các đối tác, các đơn vị đã giúp làm nên sự kiện của chúng ta hôm nay.
"Hiện nay, UNESCO đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương để xây dựng đề án hỗ trợ các thành phố sáng tạo đã được UNESCO ghi danh cũng như các thành phố đang trong tiến trình chuẩn bị hồ sơ nhằm thực hiện cam kết, chiến lược cũng như là chương trình hành động khi tham gia Mạng lưới. Đà Lạt cũng là một trong số những thành phố mà chúng tôi hỗ trợ", ông Jonathan Bake nói.
Từ khi tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc, Đà Lạt vừa tích cực tham gia các sự kiện cấp quốc tế và cấp khu vực của Mạng lưới, vừa xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện những cam kết của thành phố với Mạng lưới này.
"UNESCO rất vui được đồng hành và hỗ trợ Đà Lạt xây dựng Bản đồ Du lịch – một bản đồ có thể xác định và phân loại các không gian sáng tạo công cộng của thành phố cũng như các điểm đến du lịch ở đây", cũng theo ông Jonathan Bake.
Sáng kiến này sẽ góp phần định hình hệ sinh thái văn hóa và sáng tạo của Thành phố và sẽ là một công cụ hữu ích để khách tham quan có thể di chuyển tốt trong thành phố, đồng thời, có thể hỗ trợ các cơ quan Nhà nước quản lý và phát huy di sản và các không gian sáng tạo tốt hơn.
Lễ ra mắt hôm nay vừa giới thiệu một Bản đồ du lịch Đà Lạt, vừa cho chúng ta thăm một triển lãm được thiết kế rất công phu nhằm quảng bá các điểm du lịch tại thành phố Đà Lạt này. Tôi cho rằng lễ ra mắt được thực hiện tại ga xe lửa Đà Lạt – một trong những biểu tượng của thành phố được đưa vào bản đồ du lịch – minh họa cho tất cả chúng ta thấy được sự giao thoa giữa di sản và sáng tạo.
Đà Lạt có tiềm năng to lớn trong việc tận dụng các nguồn lực văn hóa của mình cho các chiến lược phát triển bền vững bởi Đà Lạt có một bề dày truyền thống văn hóa do cộng đồng 20 dân tộc thiểu số tạo nên.
Vì vậy, việc hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, đề cao các giá trị kinh tế từ sự sáng tạo của văn hóa và nghệ thuật và chú trọng tới sự đa dạng trong sự sáng tạo của mỗi cá nhân, tập thể, hay cộng đồng sẽ không chỉ thúc đẩy kinh tế của thành phố mà còn là để bảo tồn di sản.
UNESCO là cơ quan chuyên môn duy nhất của Liên Hợp Quốc có sứ mệnh trong lĩnh vực văn hóa, chúng tôi cam kết thúc đẩy các ngành sáng tạo, kinh tế sáng tạo và phát triển bền vững.
Hiện nay, UNESCO đang hợp tác với thành phố Hà Nội, Hội An và Đà Lạt và một số thành phố tiềm năng về văn hóa và sáng tạo khác nhằm khuyến khích hợp tác giữa các thành phố ngay tại Việt Nam và với bạn bè quốc tế, hướng tới những thực hành bền vững.
Tôi hy vọng sẽ có nhiều sáng kiến tương tự trong thời gian tới để quảng bá Đà Lạt - một thành phố âm nhạc UNESCO nhằm mang lại lợi ích cho công dân và khách du lịch của thành phố cũng như truyền cảm hứng cho các thành phố khác cùng tham gia Mạng lưới.