Phát triển bản sắc văn hoá, con người Hải Phòng trong thời kì mới
VHO - Sáng 28.3, Hội thảo Phát huy bản sắc văn hoá, con người Hải Phòng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển thành phố và đất nước đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị TP Hải Phòng. Hội thảo tập trung thảo luận những giải pháp xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Hải Phòng trong bối cảnh mới.

Hội thảo do Sở VHTTDL Hải Phòng chủ trì, phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng tổ chức. Tham dự có đại diện các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương và TP Hải Phòng; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, quản lý cùng đại diện các cơ quan, đơn vị báo chí trên cả nước.
Khơi dậy nguồn sức mạnh nội sinh
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Uỷ viên Thành uỷ, Giám đốc Sở VHTTDL Hải Phòng, TS Trần Thị Hoàng Mai nhấn mạnh: “Ra đời và phát triển trên nền tảng vùng đất có bề dày lịch sử lâu đời, TP Hải Phòng có vị trí chiến lược trong tiến trình lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước, thế hệ người Hải Phòng đã góp phần tôi bồi, toả sáng bản sắc văn hoá Việt Nam, đồng thời, tạo dựng bản sắc riêng của cư dân miền biển phía Đông đồng bằng Bắc Bộ.”

Đó là sự cần cù, sáng tạo trong lao động; dũng mãnh, kiên cường, phóng khoáng, chất phác, giản dị, trọng nghĩa; tinh thần dân chủ cao; tinh thần yêu nước nồng nàn; luôn đi đầu trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta….
Để phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa con người Hải Phòng, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển bền vững của thành phố và đất nước, kết quả Hội thảo sẽ là những luận cứ để tiếp tục nhận diện sâu sắc hơn về hệ giá trị bản sắc văn hóa, con người Hải Phòng với tư cách là nguồn sức mạnh nội sinh, nguồn lực của sự phát triển.
Đồng thời, cung cấp những luận cứ khoa học để thành phố đề ra chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp phát huy bản sắc văn hóa, con người Hải Phòng trong thời gian tới, TS Trần Thị Hoàng Mai khẳng định.
Báo cáo đề dẫn, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng, nhà nghiên cứu Phạm Xuân Thanh cho biết, dù vấn đề nhận diện và phát huy bản sắc văn hóa, con người Hải Phòng đã được đề cập từ nhiều góc độ, nhưng đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu thực sự công phu, toàn diện và chuyên sâu về chủ đề này.
Do đó, Hội thảo kỳ vọng sẽ tiếp nhận những đề xuất thiết thực, góp phần định hướng chiến lược phát triển bền vững cho Hải Phòng.
Hội thảo đã nhận được gần 20 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương và TP Hải Phòng.

Trên cơ sở đó, Hội thảo chia thành 2 chủ đề lớn: những nội dung cơ bản về lịch sử, văn hoá, con người Hải Phòng và thực trạng, giải pháp bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị bản sắc văn hoá, con người Hải Phòng.
Tại Hội thảo, các tham luận tập trung nghiên cứu về những vấn đề lịch sử vùng đất, con người, đặc trưng văn hoá, di sản vật thể và phi vật thể của Hải Phòng. Đồng thời, đề xuất các giải pháp phát huy bản sắc văn hoá, con người Hải Phòng, phục vụ sự nghiệp, phát triển thành phố và đất nước hiện nay.
Tiếp tục phát huy bản sắc văn hoá, con người Hải Phòng
Hải Phòng hội tụ đầy đủ các hình thái địa hình từ đồi núi, sông ngòi, đồng bằng đến biển và hải đảo, đồng thời là nơi giao thoa của cư dân từ nhiều vùng miền. Những yếu tố này đã góp phần quan trọng trong việc hun đúc nên bản sắc văn hóa và phong cách sống đặc trưng của người Hải Phòng.
Không chỉ xứng danh là vùng đất học, nuôi dưỡng hiền tài, Hải Phòng còn sở hữu kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển văn hóa của thành phố.
Tuy nhiên, trước những thách thức và cơ hội của thời đại mới, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội), GS.TS Phạm Hồng Tung cho rằng, Hải Phòng cần xác định rõ chiến lược phát triển văn hóa, xây dựng lối sống đô thị văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng.
Với "căn cước văn hóa" của một cảng thị quan trọng tại Việt Nam và khu vực Đông Á – Đông Nam Á, Hải Phòng tất yếu phải tiến bước trên lộ trình trở thành một cảng thị đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Từ góc nhìn văn hóa và phát triển đô thị bền vững, GS.TS Phạm Hồng Tung khẳng định rằng đặc trưng nhận diện Hải Phòng trong tương lai sẽ được định hình bởi ba yếu tố cốt lõi: cảng thị - đổi mới sáng tạo – kết nối toàn cầu.
“Đây cũng là những yếu tố mang tính định biên, không chỉ quy định đặc điểm văn hóa và lối sống của người Hải Phòng mà còn tạo nên lợi thế cạnh tranh, trở thành sức mạnh mềm của thành phố trong thời gian tới,” GS.TS Phạm Hồng Tung nhấn mạnh.

Được mệnh danh là “thành phố Cảng”, Hải Phòng cần khai thác tối đa tiềm năng sẵn có để xây dựng hệ sinh thái văn hóa bền vững, qua đó nâng tầm vị thế của thành phố.
PGS.TS Đặng Thị Phương Anh (Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, mô hình phát triển phù hợp nhất với Hải Phòng là kết hợp bảo tồn di sản cảng biển với văn hóa nghệ thuật đương đại. Thành phố sở hữu nhiều công trình cảng và kho hàng mang dấu ấn thuộc địa Pháp, có thể cải tạo thành bảo tàng cảng biển, phòng trưng bày lịch sử công nghiệp và không gian sáng tạo nghệ thuật.
Bên cạnh đó, Hải Phòng có thể hình thành các khu nghệ thuật ven sông, ven biển, biến nơi đây thành không gian mở phục vụ triển lãm, biểu diễn đường phố và lễ hội văn hóa. Trên nền tảng này, thành phố còn có thể tận dụng các cảng cũ để phát triển đô thị sáng tạo, vừa bảo tồn di sản vừa kích thích sự đổi mới trong lĩnh vực văn hóa….
Khẳng định tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển bền vững của thành phố, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Hiểu nhấn mạnh: “Muốn tạo dựng nguồn sức mạnh nội sinh của văn hóa, luôn được chuẩn bị, vun trồng từ chính yếu tố con người.”

Thực tế, công tác đào tạo nguồn nhân lực văn hóa tại Hải Phòng vẫn còn nhiều bất cập, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh từ góc độ chính sách. Trước hết, thành phố cần xây dựng quy hoạch và chiến lược tổng thể về phát triển nhân lực văn hóa, xác định rõ nhu cầu nhân lực trong từng lĩnh vực trọng yếu như di sản, nghệ thuật biểu diễn, bảo tàng, thư viện, công nghiệp văn hóa, truyền thông văn hoá số…
Theo ông Nguyễn Văn Hiểu, để đảm bảo sự phát triển bền vững và nâng cao vị thế văn hóa của Hải Phòng, cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, xây dựng chương trình đào tạo sát với thực tiễn, có hướng ứng dụng cao, phù hợp với xu hướng phát triển chung…
Đánh giá cao chất lượng các bài tham luận, Giám đốc Sở VHTTDL Hải Phòng, TS Trần Thị Hoàng Mai bày tỏ: “Những báo cáo tại Hội thảo không chỉ có giá trị khoa học mà còn mang ý nghĩa thực tiễn, góp phần thống nhất nhận thức về bản sắc văn hóa, con người Hải Phòng. Quan trọng hơn, đây là cơ sở để xác định những giải pháp cụ thể nhằm phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa, đưa thành phố phát triển bền vững, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của đất nước.”