Phát huy “địa chỉ đỏ” lan tỏa Di sản văn hóa Hồ Chí Minh

VHO- Hướng tới kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 – 19.5.2023), ngày 11.5, tại thành phố Vinh, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học "Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ - Định hướng phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh". Chiều cùng ngày, Ban Quản lý Quảng Trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ đã tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 11.5, tại thành phố Vinh, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An tổ chức Hội thảo Khoa học Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ - Định hướng phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh. Hội thảo nhằm khẳng định giá trị, tầm vóc của Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ trong chặng đường 20 năm hình thành và phát triển. Đồng thời, tìm giải pháp phát huy giá trị công trình, gắn với bảo tồn, phát huy Di sản Văn hóa Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.

Phát huy “địa chỉ đỏ” lan tỏa Di sản văn hóa Hồ Chí Minh - ảnh 1
Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ là "Địa chỉ đỏ" lan tỏa di sản văn hóa Hồ Chí Minh

Dự Hội thảo có Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long; nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Lê Doãn Hợp; GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương; Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTT& DL Nông Quốc Thành; nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hồ Xuân Hùng cùng đại diện lãnh đạo Bảo tàng Hồ Chí Minh; Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và đại diện các ban, sở, ngành, đơn vị liên quan.
“Địa chỉ đỏ” khi hành hương về thăm quê Bác
Tỉnh Nghệ An hiện có gần 30 di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ nằm ngay trung tâm thành phố Vinh, đây là công trình mang tính biểu tượng văn hóa của tỉnh.

Phát huy “địa chỉ đỏ” lan tỏa Di sản văn hóa Hồ Chí Minh - ảnh 2

Quang cảnh hội thảo

Ngày 19.5.2000, tại trung tâm thành phố Vinh, Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ được khởi công xây dựng. Sau 3 năm thi công, công trình khánh thành vào ngày 19.5.2003, đúng dịp kỷ niệm 113 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổng thể công trình có diện tích gần 12 ha, gồm nhiều hạng mục như: Lễ đài chính, Lễ đài phụ, đường hành lễ, sân hành lễ, hệ thống chiếu sáng, hệ thống đài phun nước… nhưng nổi bật nhất, điểm nhấn của Quảng trường Hồ Chí Minh là Tượng đài Bác Hồ cao 12m gồm 9 thớt, 32 phiến đá ghép lại, bằng đá granite, được đặt trên đế và bệ cao 6m, dựa lưng vào dãy núi Chung.

Tại Hội thảo, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh nhấn mạnh: 20 năm qua, Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ giữa lòng “Thành phố Đỏ” đã từng bước khẳng định vai trò, tầm quan trọng trong tâm thức các tầng lớp nhân dân Nghệ An. Công trình góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho mọi thế hệ, nhất là thế hệ trẻ và bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa Hồ Chí Minh trên quê hương của Người. Tại đây, hàng năm đã đón tiếp hàng trăm đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành và hàng triệu lượt nhân dân, du khách trong nước, quốc tế đến dâng hoa, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với vị trí thuận lợi, diện tích rộng, không gian thoáng đãng, thiết kế các hạng mục phù hợp, Quảng trường Hồ Chí Minh là công trình văn hóa - chính trị có nhiều vai trò, chức năng: vừa là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa - chính trị của tỉnh, thành phố; nơi vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng của người dân, vừa là một địa chỉ, một điểm đến có ý nghĩa của du khách khi hành hương về thăm quê Bác. Từ ý nghĩa, tầm vóc của công trình, Hội thảo "Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ - Định hướng phát huy giá trị Di sản Văn hóa Hồ Chí Minh" nhằm khẳng định giá trị, tầm vóc của Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ trong chặng đường 20 năm hình thành và phát triển. Đồng thời, đánh giá thực tiễn 20 năm bảo tồn, phát huy Di sản Văn hóa Hồ Chí Minh gắn với công trình Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác.

Phát huy “địa chỉ đỏ” lan tỏa Di sản văn hóa Hồ Chí Minh - ảnh 3

GS.TS Hoàng Chí Bảo - chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương trình bày tham luận tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng ban Quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ khẳng định: Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ là địa chỉ trang trọng, linh thiêng để tổ chức buổi sinh hoạt chính trị, dâng hoa, báo công tưởng niệm với tấm lòng thành kính của nhân dân cũng như các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ban ngành Trung ương và bạn bè quốc tế khi hành hương về thăm quê Bác. Trong 20 năm qua, Quảng trường Hồ Chí Minh đã đón tiếp hơn 70 triệu lượt khách đến tham quan, tưởng niệm, vui chơi giải trí. Trung bình mỗi năm đón 3,5 triệu lượt người, hướng dẫn cho hơn 1.000 đoàn khách, tổ chức nghi lễ dâng hoa, tưởng niệm cho gần 500 đoàn.
Nâng tầm vóc phát huy giá trị di sản
Hội thảo là dịp để tỉnh Nghệ An có cơ hội tham vấn ý kiến các nhà khoa học, nhà quản lý, đề xuất ý tưởng, giải pháp khả thi, hiệu quả để gìn giữ, phát huy giá trị công trình, gắn với bảo tồn, phát huy Di sản Văn hóa Hồ Chí Minh trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cuộc vận động học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay. Hội thảo đã ghi nhận 8 tham luận và nhiều ý kiến có giá trị, tâm huyết của các đại biểu. Nội dung xoay quanh các vấn đề liên quan đến Di sản Văn hóa Hồ Chí Minh - những giá trị trường tồn cùng dân tộc và thời đại; Quá trình hình thành, vai trò và thực trạng 20 năm phát huy giá trị công trình Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ; Định hướng, giải pháp phát huy giá trị công trình Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ với việc lan tỏa Di sản Văn hóa Hồ Chí Minh.

Phát huy “địa chỉ đỏ” lan tỏa Di sản văn hóa Hồ Chí Minh - ảnh 4

Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Lê Doãn Hợp phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đình Tuyên

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh cho rằng: Thời gian tới, cần có định hướng cụ thể hơn cho việc tổ chức các hoạt động để những giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh được lan tỏa, phát huy hiệu quả. Để đạt được điều đó, theo bà Trần Thị Mỹ Hạnh, cần tiếp tục tổ chức, lan tỏa hơn nữa hoạt động tri ân, tưởng niệm và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại Quảng trường. Ngoài hoạt động được tổ chức thường xuyên lâu nay, cần nghiên cứu thêm một số hoạt động trải nghiệm tập thể theo chủ đề, buổi nói chuyện chuyên đề về Bác kết hợp dâng hoa, báo công với Bác; tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Quảng trường Hồ Chí Minh, hệ thống di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tỉnh… Những hoạt động này góp phần lan tỏa, nâng tầm giá trị tốt đẹp của văn hóa Hồ Chí Minh đến cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Phát huy “địa chỉ đỏ” lan tỏa Di sản văn hóa Hồ Chí Minh - ảnh 5

Thừa ủy quyền, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Ban Quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ 

Để nâng cao hơn nữa công tác tôn tạo và phát huy giá trị những di sản văn hóa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, TS Vũ Mạnh Hà – Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh mong muốn Ban Quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ cần quan tâm nâng cao chất lượng công tác hướng dẫn thuyết minh cho khách tham quan. Cần không ngừng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên cho đội ngũ cán bộ, đặc biệt là những cán bộ trẻ để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác giáo dục, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị, đặc biệt là về trình độ ngoại ngữ, cập nhật thông tin tư liệu mới về tiểu sử, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời cần xây dựng chiến lược gắn kết các hoạt động tại Quảng trường với hoạt động du lịch; đa dạng hóa các loại hình dịch vụ và sản phẩm văn hóa lưu niệm, quà tặng phục vụ nhu cầu khách tham quan. Ban Quản lý Quảng trường cần phối hợp với các đơn vị quản lý về du lịch và doanh nghiệp du lịch; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, liên kết các điểm di tích liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng một chương trình du lịch chuyên đề hoặc có sự kết hợp giữa các di tích này với các điểm tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng khác trên địa bàn để xây dựng thành một tour du lịch tổng hợp có sức thu hút du khách. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu nhu cầu khách tham quan, tổ chức điều tra thị hiếu du khách, xác định rõ đối tượng để mở rộng thị trường và có kế hoạch xúc tiến du lịch.

Phát huy “địa chỉ đỏ” lan tỏa Di sản văn hóa Hồ Chí Minh - ảnh 6

Bộ VHTTDL trao tặng Bằng khen cho 1 tập thể và 4 cá nhân thuộc Ban Quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ

Thay mặt Ban Tổ chức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long đã trân trọng cảm ơn các nhà nghiên cứu đã đóng góp tâm huyết, trí tuệ gửi bài tham gia Hội thảo. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, để phát huy di sản văn hóa Hồ Chí Minh gắn với công trình Quảng trường và Tượng đài Bác nhân tố con người là yếu tố quan trọng hàng đầu. Vì vậy, phải nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động, cùng với chuyên môn nghiệp vụ cần chú trọng tới kỹ năng ngoại ngữ, công nghệ. Ban Quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh cần nâng cao chất lượng các cuộc trưng bày triển lãm, chương trình, sự kiện chính trị, văn hóa, nghệ thuật tại Quảng trường để lan tỏa các giá trị; ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động và trưng bày triển lãm. Song song đó gắn kết hoạt động du lịch, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, sản phẩm du lịch; đa dạng hóa hình thức giáo dục, tổ chức chương trình giáo dục trải nghiệm cho người dân, đối tượng chú trọng là học sinh, sinh viên; tăng cường sự phối hợp đồng bộ, hỗ trợ lẫn nhau giữa các đơn vị liên quan để bảo vệ và phát huy giá trị công trình.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập và phát triển, chiều 11.5, Ban Quản lý Quảng Trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ  đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có “Thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị công trình Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

Dịp này, UBND tỉnh cũng đã trao tặng cờ thi đua vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2023 cho đơn vị; Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch trao tặng Bằng khen cho 1 tập thể và 4 cá nhân; Cục Di sản trao tặng Giấy khen cho 6 cá nhân; Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An trao tặng Giấy khen cho 7 cá nhân đã có nhiều thành tích trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị công trình.

PHẠM NGÂN

Ý kiến bạn đọc