Nhân rộng những tấm gương điển hình tiên tiến:

Nỗ lực bảo tồn văn hóa truyền thống nơi vùng cao Tây Bắc

PHƯƠNG DINH

VHO - Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La được thành lập ngày 12.7.1952, tiền thân là “Đội Văn công tuyên truyền tỉnh Sơn La”, là địa chỉ mang lời ca, tiếng hát đến với đông đảo công chúng, đồng thời là nơi gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Nỗ lực bảo tồn văn hóa truyền thống nơi vùng cao Tây Bắc  - ảnh 1
Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La, NSƯT Đoàn Thế Hùng

Nhà hát  cũng là nơi nuôi dưỡng tâm hồn nhiều nghệ sĩ, ca sĩ, trong đó phải kể đến Giám đốc, NSƯT Đoàn Thế Hùng. 

Sau hơn 70 năm xây dựng và phát triển, Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La đã cho ra mắt hàng ngàn chương trình biểu diễn, phục vụ hàng triệu người xem. 

Có được những thành tích đó là sự quyết tâm, đoàn kết và đồng lòng của đội ngũ lãnh đạo Nhà hát, trong đó có sự đóng góp của Giám đốc, NSƯT Đoàn Thế Hùng, với phương pháp quản lý, xây dựng, tổ chức biểu diễn các chương trình thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như đáp ứng yêu cầu hưởng thụ nghệ thuật của khán giả địa phương. 

NSƯT Thế Hùng sinh ra và lớn lên ở thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu. Tình yêu  âm nhạc đã được khơi dậy trong ông từ nhỏ, sau mỗi lần được xem các chú công nhân trong khu tập thể đàn guitar, ca hát trên thảo nguyên mỗi đêm trăng sáng. 

Sau 2 năm đào tạo tại Trường VHNT Sơn La và Trường VHNT Quân đội, năm 1988, ông về công tác tại Đoàn Ca múa nhạc tỉnh Sơn La (nay là Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh). Năm 1999, nghệ sĩ Đoàn Thế Hùng giành giải nhất Sao Mai toàn tỉnh và lọt vào vòng chung kết Sao Mai toàn quốc. Tên tuổi của ông từ đó cũng được nhiều người biết đến. Đến năm 2004, ông thi đỗ và theo học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. 

Nhắc đến NSƯT Thế Hùng là nhắc tới giọng ca đặc biệt, là ca sĩ đầu tiên thể hiện nhiều ca khúc về Sơn La đã làm ấm lòng bao trái tim người yêu âm nhạc. 

Công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La, nghệ sĩ nhanh chóng trở thành giọng ca chính, đặc biệt trong các chương trình âm nhạc do Nhà hát dàn dựng biểu diễn phục vụ các sự kiện lớn của đất nước, của tỉnh và các liên hoan, hội diễn, hội thi nghệ thuật toàn quốc, khu vực.

 Ông đã giành nhiều huy chương các loại, góp phần vào thành tích chung của Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La. 

Năm 2009, ông được bổ nhiệm Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La, phụ trách chuyên môn. Năm 2023, ông chính thức trở thành Giám đốc nhà hát, cùng tập thể Ban Giám đốc, các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát đã tạo nên những chuyển mình mạnh mẽ, khẳng định chất lượng nghệ thuật của Nhà hát Sơn La. 

Để có thể sưu tầm, sáng tác các tác phẩm, chỉnh lý nâng cao và xây dựng các chương trình nghệ thuật, hằng năm tập thể Ban giám đốc, Hội đồng nghệ thuật và đội ngũ đạo diễn, nhạc sĩ, biên đạo của đơn vị đã  dày công tìm đến các bản làng  của đồng bào các dân tộc để nghiên cứu, sưu tầm về các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ truyền thống, đặc sắc của mỗi dân tộc. 

Qua đó, lưu trữ, gìn giữ giá trị các làn điệu cổ dân ca, dân nhạc, các điệu múa cổ, các lễ hội đặc trưng của từng dân tộc. Đồng thời, Nhà hát mời các nghệ nhân tiêu biểu của từng dân tộc để tổ chức truyền dạy cho đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên kỹ thuật, kỹ năng trình diễn dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống các dân tộc để vận dụng trong sáng tác, xây dựng, và biểu diễn. 

Hằng năm, Nhà hát luôn dành khoảng thời gian trung bình từ 60 - 70 ngày/ năm, không quản ngại khó khăn, gian khổ để tổ chức các đợt lưu diễn phục vụ khán giả ở các huyện, xã, bản trong toàn tỉnh, đặc biệt chú trọng địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng di dân tái định cư, vùng cao biên giới; góp phần không nhỏ trong cải thiện đời sống tinh thần, nâng cao dân trí cho đồng bào các dân tộc.

Nhà hát luôn năng động, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, Nhà hát cũng đã phát huy tốt những kết quả đạt được trong tổ chức biểu diễn phục vụ các sự kiện quốc tế lớn được tổ chức tại Việt Nam hay các đoàn đại biểu, đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại tỉnh.  

Đặc biệt trong những năm gần đây, với chương trình nghệ thuật Trầm tích Đà Giang tham gia Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc năm 2021 (Đợt 1) tại TP. Hải Phòng, Nhà hát đã đạt Huy chương Bạc cho cả chương trình; 2 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng cho các tiết mục; giải Xuất sắc đối với tập thể Đội múa và 1 giải Nhạc sĩ Xuất sắc. 

Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Thanh âm bản xa” tham gia Cuộc thi Độc tấu - Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2023 tại thành phố Hòa Bình đạt 1 giải Nhì về Độc tấu và 1 giải Nhì về Hòa tấu…

Với những cố gắng, nỗ lực cống hiến của đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ, Nhà hát Ca Múa Nhạc tỉnh Sơn La đã được Nhà nước, tỉnh Sơn La, Bộ VHTTDL ghi nhận bằng nhiều Huân, Huy chương, danh hiệu cao quý, gần đây nhất là Huân chương Lao động Hạng Nhất năm 2022 do Chủ tịch nước trao tặng.

Những thành công có được của Nhà hát không thể không nhắc đến vai trò của NSƯT Thế Hùng. Năm 2023, ông Hùng vinh dự được Bộ trưởng Bộ VHTTDL tuyên dương là một trong 78 gương điển hình tiên tiến của ngành văn hóa. Đây chính là sự ghi nhận những nỗ lực của ông trong hành trình phát triển và xây dựng Nhà hát vững mạnh, trở thành một trong những đơn vị nghệ thuật chất lượng trong cả nước. 

(Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện)

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc