Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024:
Những ý tưởng đột phá trên “Giao lộ sáng tạo”
VHO - Bước sang kỳ thứ 4, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 có chủ đề “Giao lộ sáng tạo” diễn ra từ ngày 9- 17.11.2024, tiếp tục tập trung vào 3 trụ cột chính: Thiết kế, Cộng đồng và Sáng tạo. Nhiều ý tưởng đột phá hứa hẹn mang đến trải nghiệm độc đáo cho công chúng, đặc biệt là giới trẻ và cộng đồng yêu thích sáng tạo.
Đó là thông tin được BTC Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024 cung cấp tại cuộc họp báo chiều 30.10 tại Hà Nội.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 do Sở VHTT, Tạp chí Kiến trúc tổ chức, cùng sự đồng hành của Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, VPBank, Thành đoàn Hà Nội, UBND Quận Hoàn Kiếm, các Sở, ban, ngành cùng các doanh nghiệp, nhóm cộng đồng, các chuyên gia và tài năng sáng tạo...
Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh, Lễ hội Thiết kế sáng tạo là một trong những hoạt động nổi bật của TP. Hà Nội cam kết tổ chức hoạt động trong mạng lưới sáng tạo UNESCO năm 2024 -2025.
Lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội khẳng định, Lễ hội năm 2024 với chủ đề “Giao lộ Sáng tạo” là một bứt phá, mang đến nhiều điều thú vị mới, khơi dậy hơn nữa tinh thần sáng tạo, nhất là thế hệ trẻ.
Ở đó, có những sáng kiến, ý tưởng sáng tạo mới nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế sáng tạo của thành phố, kết nối các giá trị văn hóa truyền thống trong phát triển ngành Công nghiệp Văn hóa sáng tạo.
“Lễ hội tiếp tục thúc đẩy quá trình phát triển mạng lưới nhà thiết kế sáng tạo trẻ, hỗ trợ các không gian sáng tạo và việc ra mắt Trung tâm Điều phối hoạt động Sáng tạo của thành phố tại Bảo tàng Hà Nội trong tháng 11. 2024”, bà Trần Thị Vân Anh cho biết.
Đặc biệt, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2024 tiếp tục định vị thương hiệu “Hà Nội - Thành phố Sáng tạo” trong Mạng lưới các thành phố Sáng tạo của UNESCO. Qua đó, tạo nên sự cộng hưởng và nguồn cảm hứng sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, với khát vọng xây dựng Thủ đô và đất nước trong kỷ nguyên mới- kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
KTS. Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam bày tỏ, lần thứ 4 được tổ chức, Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2024 sẽ có nhiều thành công, đổi mới và đột phá hơn nữa, đặc biệt trong tinh thần sáng tạo.
“Đây là một sân chơi để tất cả chúng ta, những nghệ sĩ, cộng đồng sáng tạo cùng nhau thể hiện sức sáng tạo, thông qua sự kết nối và chuyển tải những thông điệp sáng tạo đến cộng đồng một cách hiệu quả và nhiều cảm xúc”, KTS Phan Đăng Sơn nhấn mạnh.
Lần đầu tiên, “Giao lộ sáng tạo” được thí điểm hình thành dọc theo 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu của Hà Nội, với hơn 100 hoạt động sáng tạo sôi nổi thuộc 12 ngành công nghiệp văn hoá, tiêu biểu như kiến trúc, thiết kế, mỹ thuật, trình diễn, điện ảnh, quảng cáo,...
“Giao lộ sáng tạo” không chỉ thí điểm một tuyến trải nghiệm về kinh tế sáng tạo cho thành phố trong tương lai, mà còn là nơi thể hiện tiềm năng sáng tạo, góp phần cộng hưởng, kết nối và thu hút các nguồn lực, đánh thức tinh thần sáng tạo của các thế hệ người Hà Nội.
Các hoạt động sáng tạo sẽ là cuộc đối thoại giữa công trình hiện hữu, gắn ký ức cộng đồng với những ý tưởng sáng tạo mới để nhấn mạnh vai trò của giới trẻ tiếp nối, phát huy các giá trị của dân tộc trong phát triển ngành công nghiệp sáng tạo, thúc đẩy Thủ đô phát triển, thực sự xứng tầm là trung tâm sáng tạo của cả nước.
Cùng với đó, tinh thần sáng tạo cũng được lan toả tại khắp các không gian di sản văn hóa, không gian sáng tạo, các làng nghề truyền thống. BTC lễ hội cũng kêu gọi các tổ chức, cá nhân, cơ quan, cơ sở kinh doanh trên địa bàn cùng cộng hưởng sáng tạo, trưng bày tại chỗ các “sáng kiến sáng tạo” của mình.
Khu vực chính diễn ra Lễ hội là Quảng trường Cách mạng tháng Tám, kết nối trục “Tinh hoa di sản” (phố Lý Thái Tổ - Lê Thánh Tông) và trục “Kinh tế sáng tạo” (dốc Bác Cổ - phố Tràng Tiền), gồm các công trình kiến trúc nổi bật như: Cung Thiếu nhi Hà Nội, Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ Phủ), Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Đại học Tự nhiên (Đại học Tổng hợp cũ),... và 5 vườn hoa Lý Thái Tổ, Diên Hồng, Cổ Tân, 19/8, Tao Đàn.
Lễ Khai mạc diễn ra tối 9.11.2024 tại Quảng trường Cách mạng tháng Tám. Điểm nhấn tại Lễ hội là 3 công trình biểu tượng (Pavilion): “Hành lang thơ ngây” tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, “Dòng” ở Vườn hoa Diên Hồng và Bắc Bộ Phủ, “Rồng rắn lên mây” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Các công trình biểu tượng được sắp đặt ở vị trí tương tác với di sản, thay vì đứng độc lập, tạo ra cuộc đối thoại với di sản và tạo sức sống cho chính các di sản. Thông qua đó, các nhà sáng tạo muốn viết tiếp câu chuyện sáng tạo kết nối với quá khứ, nhằm tạo ra thể thống nhất giữa truyền thống và hiện đại, có sự kế thừa và phát triển, đồng thời cũng tạo ra cuộc đối thoại liên thế hệ.
Chuỗi hoạt động văn hoá nghệ thuật, trưng bày, triển lãm thu hút sự tham gia của lực lượng sáng tạo trẻ với nhiều tác phẩm đặc sắc, trong đó nhiều tác phẩm dựa trên ý tưởng, chất liệu của các nghệ sĩ tiền bối, được các nghệ sĩ trẻ tiếp thu, phát triển mang hơi thở đương đại. Nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm cũng được thực hiện ngay trong các không gian di sản, tạo ra các tổ hợp triển lãm độc đáo.
Trong đó, Cung Thiếu nhi Hà Nội được định vị như “trái tim” của tuyến Lễ hội với chủ đề “Cung Thiếu Nhi Hà Nội: Hoài niệm cho tương lai”. Tại đây sẽ diễn ra hơn 30 hoạt động trưng bày, giới thiệu, chiếu phim, sắp đặt kiến trúc, nghệ thuật biểu diễn, workshop, hành trình trải nghiệm, toạ đàm…
Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Tổng hợp cũ) là nơi trưng bày Tổ hợp triển lãm nghệ thuật tương tác “Cảm thức Đông Dương”, gợi mở những cảm thức xưa cũ về kiến trúc và mỹ thuật Đông Dương trong cảm quan đa dạng của những kiến trúc sư, họa sĩ và nghệ sĩ hiện tại. Đây là một điểm nhấn rung cảm về kiến trúc, nghệ thuật, hình ảnh, âm thanh.
Điểm khởi đầu của “Trục Kinh tế Sáng tạo” Tràng Tiền là Triển lãm Ý tưởng Thiết kế Sáng tạo, diễn ra tại Trung tâm Triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm.
Các hoạt động đường phố như biểu diễn xiếc, nghệ thuật, âm nhạc, thời trang, sắp đặt nghệ thuật, không gian vui chơi… diễn ra tại khuôn viên vườn trong Bắc Bộ phủ và các vườn hoa Lý Thái Tổ, Diên Hồng, Cổ Tân, 19/8, Tao Đàn trên tuyến Lễ hội.
Trong khuôn khổ Lễ hội còn diễn ra hơn 20 hội thảo, toạ đàm về các lĩnh vực thiết kế, nghệ thuật, điện ảnh, nhiếp ảnh, thời trang, công nghệ, xuất bản… cùng các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Các hội thảo, tọa đàm nội dung phong phú, gợi những điểm nhìn mang tính hệ thống từ các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc… góp phần tạo ra một cộng đồng tri thức mới, đặc biệt tác động tới thế hệ trẻ.
Các đơn vị lữ hành cũng tham gia hình thành các tour du lịch văn hoá và du lịch sáng tạo kết hợp trong các hoạt động của Lễ hội, đưa khách tham quan đến gần hơn với di sản, giới thiệu về giá trị văn hoá, lịch sử, kiến trúc kết hợp với thưởng thức nghệ thuật truyền thống…
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024 là nơi gặp gỡ của gần 500 nhà sáng tạo, nhà thiết kế, kiến trúc sư, nghệ sĩ đương đại, nghệ sĩ biểu diễn, chuyên gia, những nhà nghiên cứu văn hóa - nghệ thuật tâm huyết. Chuỗi hoạt động lan tỏa vẻ đẹp của nỗ lực sáng tạo, khuyến khích sự thực hành sáng tạo để thúc đẩy Công nghiệp văn hóa của Hà Nội - Thành phố Sáng tạo.
Đại diện đơn vị đồng hành cùng chương trình, bà Nguyễn Thùy Dương (Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tiếp thị, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng VPBank) cho biết, khởi đầu Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, VPBank đã tổ chức giải chạy VPBank Hanoi International Marathon và thu hút sự tham dự của 11.000 vận động viên, đặc biệt là người trẻ tham gia trải nghiệm cung đường chạy với lộ trình giao thoa cùng "Giao lộ sáng tạo", được hình thành theo tuyến lễ hội Thiết kế sáng tạo.
Bên cạnh đó, VPBank cũng tự hào đồng hành cùng chương trình “Hanoi Fashion Journey 2024”, nhằm tôn vinh tài năng thiết kế thời trang trong cộng đồng sinh viên và hợp tác cùng doanh nghiệp xã hội Tò He, từ đó để kiến tạo nên “Giao lộ ký ức” – một sân chơi thể nghiệm sáng tạo đa thế hệ, nơi mở ra không gian để người lớn được trở về với những ký ức tuổi thơ và trẻ thơ thỏa được sức bay bổng trong những giấc mơ sáng tạo.
“Chúng tôi tin tưởng rằng sự gắn kết đa thế hệ sẽ là nền tảng cho thế hệ trẻ tạo ra ý tưởng đột phá, xây dựng cộng đồng sáng tạo thịnh vượng bền vững trong tương lai. Năm nay, VPBank sẽ tiếp tục trao tặng 300 triệu đồng cho quỹ Thúc đẩy Sáng tạo Vì Một Việt Nam Thịnh Vượng nhằm động viên thúc đẩy tinh thần sáng tạo cho thế hệ trẻ”, bà Nguyễn Thùy Dương chia sẻ.