Viết tiếp bài "Dự án phục hồi Văn Miếu Vinh nhìn từ ...Hà Tĩnh":
Như thế vẫn còn thấy xa xôi lắm
VHO - Trong hai ngày 29-30.5, chúng tôi tiếp xúc đại diện một số cơ quan chức năng ở TP Vinh (Nghệ An) để tìm câu trả lời cho dự án phục hồi Văn Miếu Vinh trước “sự kiện” Văn Miếu Hà Tĩnh mới đây. Những cuộc tiếp xúc đều cởi mở, nhưng rốt cuộc nhiều câu trả lời khiến chúng tôi nghĩ đến hình ảnh nói thay lời cho dự án là “con đò vẫn chờ, bến sông vẫn đợi”.

Cùng với bài Dự án phục hồi Văn Miếu Vinh nhìn từ… Hà Tĩnh (Văn Hóa số 4042, ra ngày 29.5), chúng tôi “mang” theo chính kiến của nhà văn Đức Ban, nguyên Giám đốc Sở VHTTDL Hà Tĩnh khi ông nhấn mạnh rằng, Văn Miếu Hà Tĩnh tạo một không gian đậm chất văn hóa: “Trong di sản văn hóa của Hà Tĩnh phải kể đến Văn Miếu Hà Tĩnh bởi đây là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng; nơi tôn vinh giá trị văn hóa, giáo dục của vùng đất Hà Tĩnh. Từ ý nghĩa về di sản này và thể theo nguyện vọng của nhân dân, TP Hà Tĩnh đã quyết tâm phục hồi di tích Văn Miếu Hà Tĩnh. Một di tích văn hóa hồi sinh sau gần hai thế kỷ, từng bị phế tích trong chiến tranh nay không dễ phục hồi, tôn tạo nhất là di sản về Văn Miếu. Nhưng ý tưởng không có gì gay cấn và tranh luận nhiều sau năm cuộc họp. Văn Miếu Hà Tĩnh được phục hồi và tạo một không gian văn hóa rất có ý nghĩa khi lễ hội Văn Miếu ra đời với nhiều thể tài văn hóa làm phong phú thêm vẻ đẹp của vùng đất và con người Hà Tĩnh”.
Hầu hết những người chúng tôi tìm gặp đều ghi nhận “sự kiện” phục hồi Văn Miếu Hà Tĩnh với sự trân trọng, cảm mến trong tình cảnh dự án phục hồi di tích Văn Miếu Vinh vẫn “dừng chân” sau đúng 20 năm sau khi UBND tỉnh phê duyệt dự án.
Trở lại…Văn Miếu Vinh xưa
Trong khuôn viên di tích Văn Miếu Vinh xưa vẫn là tiếng máy in xình xịch, tiếng xe ô tô vận chuyển nguyên liệu của Công ty CP In Nghệ An (số 216, đường Trần Phú, phường Hồng Sơn, TP Vinh). Một số nhà xây cũ đang xuống cấp. Còn không khí sản xuất và quang cảnh cây cối, cỏ và rác bề bộn đến nhức mắt vẫn như phản ánh của nhiều bài báo trước đây.
Ông Uông Văn Hiệp, Giám đốc Công ty này cho hay, sau loạt bài về Văn Miếu Vinh trên Văn Hóa từ năm 2020 đến nay, những chi tiết liên quan đến công ty vẫn không có gì chuyển biến đáng kể. Công ty vẫn quản lý 6.700m2 đất được thuê trong khuôn viên di tích Văn Miếu Vinh. Hơn 400m2 phía trước cổng là mặt tiền dọc quốc lộ 1 vẫn cho bốn cửa hàng thuê kinh doanh. Hằng năm, công ty vẫn đều đặn nộp 880 triệu đồng tiền thuế thuê diện tích đất này. Hỏi kỹ về những chuyển biến hiện nay, ông Hiệp lộ vẻ không hào hứng: “Mới có chỉ đạo chung chung là công ty không được xây dựng mới để khi di dời, tỉnh lấy lại đất này phục hồi Văn Miếu Vinh. Khi Văn Miếu Vinh được xây dựng thì phần “nổi” sẽ được đền bù”.
Theo ông Hiệp, phần “nổi” ở đây là một số nhà tầng được các cơ quan in ấn xây dựng từ năm 1958, sau đó sơ tán lên huyện Tân Kỳ do chiến tranh rồi năm 1973 quay trở lại và xây dựng thêm. Riêng nhà hậu cung của Văn Miếu Vinh xưa không còn nguyên gốc và nguyên vị trí cũ. Lý do, hồi chiến tranh, ngôi nhà này đã được di chuyển đến vị trí hiện tại. Sau di chuyển, anh em trong công ty lập ban thờ trước hiên nhà để thắp hương ngày rằm và mồng một hàng tháng. Nhắc đến những chi tiết này, ông Hiệp lộ vẻ mong muốn được ổn định càng sớm càng tốt. Nếu chưa ổn định được cũng cần có kết luận để công ty định hướng cho quy trình sản xuất và xây dựng nhà xưởng, tạo sự phát triển mới của doanh nghiệp.

Cái khó vẫn là… vốn
Trao đổi về khả năng có hay không “tín hiệu” cho việc phục hồi di tích Văn Miếu Vinh, ông Nguyễn Hữu Trung, Trưởng phòng VHTT TP Vinh nói: “Loạt bài trên Văn Hóa năm 2020 tạo được một số chuyển động tích cực cho dự án. Cụ thể, thành phố đưa dự án phục hồi Văn Miếu Vinh vào danh mục thu hút đầu tư và xã hội hóa. Thành phố vẫn xác định đây là dự án trọng điểm, thuộc danh mục số 1. Hiện tại, thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có thành phố Vinh thì dự án phục hồi, tôn tạo Văn Miếu Vinh vẫn được ưu tiên số một. Đây là cơ hội hiếm có, chúng tôi đang quan tâm nhiều đến cơ hội này”.
Điều căn bản của dự án là nguồn vốn gần 200 tỉ đồng. Bàn về chuyện này, ông Trung cho hay, nguồn vốn vẫn được xác định có sự hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh, thành phố và xã hội hóa. “Là người làm công tác văn hóa, chúng tôi thấy rõ, rất rõ việc thực hiện dự án phục hồi Văn Miếu Vinh là khẳng định giá trị của một di tích lịch sử, văn hóa. Đây cũng là một dạng nền tảng giúp các hoạt động văn hóa, giáo dục của thành phố tiến sâu hơn, thuyết phục hơn cho cả hiện tại và tương lai. Không phải dự án kinh tế mới làm ra sản phẩm kinh tế. Dự án về văn hóa thành công thì cũng sẽ tạo ra giá trị về kinh tế ở một tầm khác. Vấn đề cốt lõi, quan trọng nhất là chủ trương, quyết định của cấp có thẩm quyền mới có thể đi tới hành động và tạo sản phẩm”, ông Trung nói tâm huyết như cách đây bốn năm khi bàn về vấn đề này.
Thành phố Vinh đã từng đưa dự án phục hồi, tôn tạo Văn Miếu Vinh vào giai đoạn 2021-2025. Thành ủy rất ủng hộ. Sở VHTT cũng rất ủng hộ. Tôi và Bí thư Tỉnh ủy đi tiếp xúc cử tri cũng được bà con chất vấn nhiều về nội dung này. Đất cho Công ty CP In Nghệ An cũng đã có rồi nhưng nguồn vốn cho giải phóng mặt bằng của 14 hộ dân và phục hồi Văn Miếu vẫn chưa phân khai được.
Quan điểm và tư tưởng của thành phố Vinh là sẽ tìm cách để phục hồi Văn Miếu đúng theo ý nghĩa và vị trí của nó. Khả năng, giai đoạn 2025-2030 thành phố Vinh sẽ đề xuất để tỉnh có chủ trương cho Văn Miếu Vinh, gỡ cái “treo” cho Văn Miếu Vinh.
(Ông TRẦN NGỌC TÚ, Chủ tịch UBND TP Vinh)
Chúng tôi tiếp tục đi tìm những chuyển động của dự án đang bị “treo”. Ông Trần Ngọc Tú, Chủ tịch UBND TP Vinh cho hay, đã biết về Văn Miếu Hà Tĩnh vừa được khôi phục. Ông cũng hứng thú về một số chi tiết sáng giá của Văn Miếu Vinh xưa. Ví như, từ khi có Văn Miếu Vinh, phong trào hiếu học ở Nghệ An phát đạt đến mức trường thi Hương xứ Nghệ trở thành trung tâm khoa bảng rực rỡ nhất trong bảy trung tâm thi Hương của đất nước. Chỉ tính riêng triều Nguyễn, xứ Nghệ đã cung cấp hàng ngàn vị cử nhân, hàng trăm vị đại khoa trong đó có nhiều vị khoa cử nổi tiếng tại các kỳ thi Hội, thi Đình. Tiến sĩ Phan Đình Phùng cùng hàng loạt các vị khoa cử nổi tiếng như Nguyễn Xuân Ôn, Phan Bội Châu, Nguyễn Sinh Sắc, Đặng Nguyên Cẩn, Đặng Thúc Hứa… đã tổ chức nhiều phong trào cách mạng rộng khắp từ những cuộc bình văn, giảng thơ tại Văn Miếu Vinh xưa.
Ông Tú vẻ trầm tư: “Văn Miếu Vinh có ý nghĩa lịch sử, văn hóa đặc biệt, mang đậm dấu ấn về sự học của người Nghệ so với Văn Miếu một số tỉnh thành khác. Thành phố Vinh đã từng đưa dự án phục hồi, tôn tạo Văn Miếu Vinh vào giai đoạn 2021-2025. Thành ủy rất ủng hộ. Sở VHTT cũng rất ủng hộ. Tôi và Bí thư Tỉnh ủy đi tiếp xúc cử tri cũng được bà con chất vấn nhiều về nội dung này. Đất cho Công ty CP In Nghệ An cũng đã có rồi nhưng nguồn vốn cho giải phóng mặt bằng của 14 hộ dân và phục hồi Văn Miếu vẫn chưa phân khai được. Quan điểm và tư tưởng của thành phố Vinh là sẽ tìm cách để phục hồi Văn Miếu đúng theo ý nghĩa và vị trí của nó. Khả năng, giai đoạn 2025-2030 thành phố Vinh sẽ đề xuất để tỉnh có chủ trương cho Văn Miếu Vinh, gỡ cái “treo” cho Văn Miếu Vinh”.