Dự án phục hồi Văn Miếu Vinh nhìn từ… Hà Tĩnh

VŨ TOÀN

VHO - Trong những du khách thập phương viếng thăm và dự Lễ hội Văn Miếu Hà Tĩnh, chắc hẳn không ít người trầm tư trước một di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh mới được phục dựng sau gần hai thế kỷ hoang phế. Trầm tư là bởi họ đang nghĩ về di tích Văn Miếu Vinh từng được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch phục hồi, tôn tạo đã 20 năm nay, nhưng hiện vẫn “nằm im” trên giấy. Văn Hóa đã có loạt bài về vấn đề này.

Dự án phục hồi Văn Miếu Vinh nhìn từ… Hà Tĩnh - ảnh 1
Bằng sự quyết tâm cao, Văn Miếu Hà Tĩnh đã được hồi sinh sau gần hai thế kỷ hoang phế

 Và, chúng tôi đã trở lại Văn Miếu Hà Tĩnh để tìm câu trả lời: “Vì sao Văn Miếu Hà Tĩnh được phục hồi, tôn tạo ngoạn mục, làm nức lòng dân đến thế?”.

Bí quyết trong tầm tay

Ngày 27.5, trên đường vào TP Hà Tĩnh, chúng tôi dễ dàng nhận ra đường vào Văn Miếu Hà Tĩnh bởi hai tấm biển chỉ đường lịch lãm trên quốc lộ 1. Tấm biển thứ nhất hiện khiêm tốn trên nền xanh, nổi bật giữa dải phân cách của tuyến đường hai chiều thuộc địa phận phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh. Tấm biển thứ hai to, rộng hơn hiện trên nền vàng bên bờ cây, chỉ đường vào Văn Miếu.

Theo con đường thảm nhựa khoảng dăm chục mét, chúng tôi phải dừng lại để chụp hình tấm pano in dòng chữ “Lễ hội Văn Miếu Hà Tĩnh năm 2024”. Đang nóng lòng nhìn thấy Văn Miếu Hà Tĩnh nhưng phải dừng lại chụp hình là bởi lần đầu tiên chúng tôi đọc tên một lễ hội mới lạ và đậm chất văn hóa. Tấm pano ghi lễ hội diễn ra từ ngày 23.3 đến 25.3 (14.2 đến 16.2 âm lịch) với bảy nội dung... Đi thêm khoảng 50 mét, Văn Miếu Hà Tĩnh xuất hiện, níu giữ mọi ánh nhìn. Chúng tôi đứng lặng yên, dõi theo toàn cảnh Văn Miếu trên 1,672 ha với cổng chính, tam quan, nhà Đại bái, Tả vu, Hữu vu, nhà Bia, lầu chuông, lầu trống, Văn Miếu môn… Quang cảnh một Văn Miếu mới với tường xây, ngói đỏ giữa cánh đồng khoai lúa như buộc tâm trí chúng tôi hình dung về một Văn Miếu xưa được xây dựng vào năm Minh Mệnh thứ 14 (1833) ở làng Hoàn, xã Đông Lỗ, huyện Thạch Hà, nay thuộc phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh với những ý nghĩa thanh cao của nó.

Trong lầu bia bên trái có tấm Bia phục dựng Văn Miếu Hà Tĩnh bằng đá. Tấm bia in những dòng chữ: “Việt Nam là nước văn hiến, từ xa xưa đã có truyền thống tôn sư, trọng đạo… Hà Tĩnh có truyền thống hiếu học, nhiều người đỗ đạt, thành danh. Văn Miếu Hà Tĩnh (trước gọi là Thạch Hà Văn Miếu)… Trải qua thăng trầm thời gian đã xuống cấp và bị hủy hoại. Năm 2011, trên nền dấu tích cũ, Văn Miếu Hà Tĩnh được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Năm 2014, UBND TP Hà Tĩnh triển khai dự án phục hồi và phát huy giá trị di tích Văn Miếu Hà Tĩnh. Năm 2023, dự án hoàn thành. Các hạng mục được phục hồi theo kiến trúc trước đây, dựng thêm bia đề danh Tiến sĩ. Cùng với ngân sách tỉnh và TP Hà Tĩnh, công trình có sự hỗ trợ của Tập đoàn Vingroup và các nhà hảo tâm trên mọi miền Tổ quốc... Đây mãi là nơi tôn vinh, lưu danh các bậc hiền tài của một vùng địa linh nhân kiệt”.

Đối diện bên phải là lầu bia đề danh Trạng nguyên, Thái học sinh. Tấm bia giúp người xem nhớ đến Trạng nguyên Đào Tiêu, Đặng Bá Tĩnh, Sử Hy Nhan, Sử Đức Huy và Thái học sinh Nguyễn Biểu. Phía sau hai lầu bia này là hai dãy nhà bia đứng trầm mặc, ghi danh những Tiến sĩ, Phó bảng người Hà Tĩnh qua các khoa thi.… Lần theo những tư liệu quý trên, chúng tôi tìm gặp TS Nguyễn Tùng Lĩnh, Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VHTTDL Hà Tĩnh). Tại cuộc gặp, chúng tôi được biết thêm nhiều tài liệu quý khác về Văn Miếu Hà Tĩnh và Văn thánh tại Hà Tĩnh. Những tài liệu này đã được TS Lĩnh tích góp sau hơn 10 năm dày công tìm đọc, sưu tầm và biên soạn thành hai cuốn sách chuyên khảo “Văn Miếu, Văn thánh Hà Tĩnh” và “Bia quan thượng” (Bia trị thủy) do Nhà xuất bản Đại học Vinh ấn hành, tháng 3.2024. Trao đổi về bí quyết phục hồi, tôn tạo Văn Miếu Hà Tĩnh, TS Lĩnh tâm sự một số chi tiết tâm đắc rồi nói một câu ngắn gọn với vẻ đăm chiêu: “Cái khó nhất là việc phục hồi, tôn tạo Văn Miếu có được lãnh đạo ngành và tỉnh quan tâm sâu sắc hay không”.

Trước đó, tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất TP Hà Tĩnh, ông Nguyễn Chí Công (cán bộ của Ban, trực tiếp phụ trách dự án phục hồi và phát huy giá trị di tích Văn Miếu Hà Tĩnh) cho hay: Dự án được UBND TP Hà Tĩnh đề xuất. UBND tỉnh phê duyệt năm 2010. Tổng mức đầu tư gần 75 tỉ đồng. Ba gói thầu của 11 hạng mục (nhà Đại bái, nhà Tả vu, nhà Hữu vu, hai nhà bia, lầu trống, lầu chuông, Văn Miếu môn, cổng tứ trụ, nhà đại tiết, hồ bán nguyệt, cổng phụ). Nguồn vốn từ ngân sách tỉnh là 13 tỉ đồng. Tập đoàn Vingroup hỗ trợ 13 tỉ đồng. Một Việt kiều Nga hưng công 3 tỉ đồng. Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Hà Nội 1 tỉ đồng. Còn lại được trích từ ngân sách TP Hà Tĩnh. Ban chỉ đạo thực hiện dự án do UBND tỉnh thành lập. Dự án khởi công năm 2014, hoàn thành năm 2023. Trong quá trình thi công, hạng mục nào hoàn thành thì được đưa vào hoạt động hạng mục đó. “Vất vả nhất là ba năm đi tìm nhà tài trợ trước mốc khởi công (2010-2013)”, ông Công nhấn mạnh thêm một bí quyết.

Dự án phục hồi Văn Miếu Vinh nhìn từ… Hà Tĩnh - ảnh 2
Nhà hậu cung của Văn Miếu Vinh còn sót lại, đang bị Công ty CP In Nghệ An biến thành nhà kho

Độc đáo lễ hội Văn Miếu

Ông Hồ Quốc Tuấn, Trưởng phòng VHTT, TP Hà Tĩnh cho hay, ý tưởng về Lễ hội Văn Miếu Hà Tĩnh có từ năm 2021. Bắt đầu từ “mối cơ duyên” giữa ông Trần Hậu Tuấn (Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Tĩnh) với một nữ Việt kiều Pháp là Nguyễn Sông Hương. Bà Hương sưu tầm, lưu giữ nhiều tấm ảnh quý về các đường làng, dãy phố và thành Hà Tĩnh xưa, trong đó có ảnh Văn Miếu Hà Tĩnh.

Cùng với những tấm ảnh này là một số bài báo về Văn Miếu Hà Tĩnh. Đặc biệt nhất là bài báo viết về lễ tế Văn Miếu vào ngày Đinh đầu tiên của tháng 2 âm lịch (lễ tế Xuân đinh). Sau lễ tế này là lễ tế Thu đinh vào ngày Đinh cuối tháng 8 âm lịch, tức là ngày lễ tế Nho thánh và các vị tiên hiền. Lễ tế do các quan đầu tỉnh và các bô lão chủ trì lúc 1, 2 giờ sáng. Hội Tư văn (tổ chức của giới nho sĩ, gồm các nhà khoa bảng, văn thân tiêu biểu trong tỉnh) đảm nhiệm việc tế. Từ gợi ý này, TP Hà Tĩnh xây dựng lễ hội Văn Miếu thành Sen. Theo TS Nguyễn Tùng Lĩnh, trước lễ tế, quan viên địa phương, bô lão chít khăn đóng, mặc áo dài làm lễ. Sau tế, có cuộc hội ẩm của quan chức, văn thân hàng tỉnh. Những người đậu đạt cao, trước khi nhận ấn tín, mũ áo vua ban, thường đến Văn Miếu lễ bái để tỏ lòng biết ơn các vị Nho thánh đã ban ân đức, học hành đỗ đạt, làm rạng rỡ cho các sĩ tử vùng đất Hà Tĩnh. Ngoài lễ tế, Văn Miếu còn là nơi tổ chức các kỳ thi sát hạch học trò toàn tỉnh, chọn người giỏi để đi thi Hương.

Bây giờ, tính chất của Lễ hội Văn Miếu Hà Tĩnh được biến đổi linh hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của người dân; phát huy truyền thống tôn sư, trọng đạo; tôn thờ đạo học; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa địa phương. Riêng lễ rước Văn phòng tứ bảo, cầu linh ứng gồm bốn món bút - giấy - mực - ng­hiên do đội nam thanh niên chưa xây dựng gia đình đội lên đầu để rước lễ. Kết thúc phần lễ, Văn phòng tứ bảo được chuyển đến các thầy đồ viết chữ thư pháp, viết tặng người dân theo sở thích. Trong các giáo viên, học sinh viết chữ đẹp toàn thành phố đã thi trong lễ hội sẽ chọn ra người xuất sắc nhất đến viết, chấm tại Văn Miếu và trao thưởng ngay tại Văn Miếu để báo công và tri ân các vị khai nguồn đạo học…

Càng ngưỡng vọng về công trình phục hồi Văn Miếu Hà Tĩnh bao nhiêu thì lại càng suy tư bấy nhiêu về dự án phục hồi, tôn tạo di tích Văn Miếu Vinh, bởi dự án này đã được khởi động cách nay hơn hai thập kỷ nhưng vẫn đang dừng lại ở con dấu, chữ ký, còn trên thực địa dấu tích xưa là những công trình cấp bốn… 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc