Đào tạo chuyên ngành Công nghiệp văn hóa:

Nhiều thách thức cho một chuyên ngành hoàn toàn mới

THÙY TRANG

VHO - Ngày 24.5, Khoa Văn hóa học Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đã tổ chức Tọa đàm “Đào tạo chuyên ngành Công nghiệp văn hóa - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, thu hút nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, đơn vị quản lý, nhà tuyển dụng, doanh nghiệp và sinh viên tham dự.

Nhiều thách thức cho một chuyên ngành hoàn toàn mới - ảnh 1

Toàn cảnh tọa đàm

Toạ đàm là dịp để các bên liên quan đánh giá những vấn đề lý luận và thực tiễn trong đào tạo chuyên ngành Công nghiệp văn hoá từ nhiều góc nhìn khác nhau, từ đó giúp Nhà trường từng bước cải tiến chất lượng chương trình đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội.

Lần đầu tiên, chuyên ngành Công nghiệp văn hoá được đưa vào chương trình giảng dạy

Bà Lê Thị Hồng Quyên, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Văn hóa học, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, Trưởng BTC cho biết, năm 2018, chương trình đào tạo cử nhân Văn hóa học theo định hướng ứng dụng của Trường ĐH Văn hoá TP.HCM được xây dựng dựa trên cơ sở mục tiêu, tầm nhìn, sứ mạng của Nhà trường, phù hợp với Luật Giáo dục ĐH và Khung trình độ Quốc gia Việt Nam với ba chuyên ngành: Văn hóa Việt Nam, Công nghiệp văn hóa và Truyền thông văn hóa.

Lần đầu tiên, chuyên ngành Công nghiệp văn hoá thuộc ngành Văn hoá học được đưa vào chương trình giảng dạy của một trường ĐH ở Việt Nam. Đây là một bước tiến mới, góp phần khẳng định chủ trương đào tạo theo định hướng ứng dụng của Trường ĐH Văn hóa TP.HCM trong việc đào tạo nguồn nhân lực văn hoá nói chung và công nghiệp văn hoá nói riêng.

Từ năm 2018 đến năm 2023, khoa Văn hoá học đã đào tạo được 2 khoá sinh viên tốt nghiệp với gần 300 sinh viên. Qua 6 năm đào tạo, đánh giá bước đầu cho thấy, việc đào tạo nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá đã mang lại những hiệu ứng tích cực từ phía người học và nhà tuyển dụng, bước đầu đáp yêu cầu của thị trường lao động công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hoá trong điều kiện thực tiễn hiện nay.

Nhiều thách thức cho một chuyên ngành hoàn toàn mới - ảnh 2

Bà Lê Thị Hồng Quyên cho biết Nhà trường đang trăn trở trong vấn đề xây dựng chương trình đào tạo vì đây là chuyên ngành hoàn toàn mới

“Thực hiện khảo sát nhanh 2 khoá sinh viên chuyên ngành Công nghiệp văn hoá đã tốt nghiệp, con số mà chúng tôi nhận được là 81% ý kiến hài lòng với công việc hiện tại. Đây là một kết quả đáng khích lệ cho nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá trong những năm qua. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và những kết quả đã đạt được, cũng đặt ra nhiều vấn đề băn khoăn, trăn trở”, bà Hồng Quyên cho biết.

Theo Nhà trường, trăn trở đầu tiên là vấn đề xây dựng chương trình đào tạo. Vì là một chuyên ngành hoàn toàn mới nên việc xây dựng nền tảng cơ sở lý luận và thực tiễn là một thách thức lớn. Ngoài ra, phải cân đối giữa kiến thức cơ sở ngành, kiến thức ngành và kiến thức chuyên ngành để đảm bảo mục tiêu, chuẩn đầu ra cũng như tỉ lệ giữa các khối kiến thức của ngành đào tạo. Với tỉ lệ 30,5% kiến thức chuyên ngành như hiện tại, các học phần chuyên ngành sâu về công nghiệp văn hóa vẫn còn hạn chế.

Việc đào tạo cử nhân chuyên ngành Công nghiệp văn hoá tại Khoa Văn hoá học hiện nay theo mô hình đào tạo diện rộng, chưa xác định cụ thể những lĩnh vực đặc thù trong 12 ngành công nghiệp văn hoá dựa trên thế mạnh của Khoa và Trường cũng như nhu cầu thực tiễn xã hội, dẫn đến sinh viên khi ra trường vẫn ít nhiều gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các công việc cụ thể trong quy trình sáng tạo, sản xuất, phân phối tiêu dùng sản phẩm trong từng lĩnh vực thuộc công nghiệp văn hoá, công nghiệp sáng tạo.

Nhiều thách thức cho một chuyên ngành hoàn toàn mới - ảnh 3

Trong chương trình đào tạo hiện hành của Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, Công nghiệp văn hóa là một chuyên ngành, chưa phải là một ngành

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ cho việc đào tạo, thực hành của sinh viên chuyên ngành Công nghiệp văn hóa vẫn còn thiếu và nhiều hạn chế. Đặc biệt, vì đây là chuyên ngành mới ở Việt Nam, vì vậy, đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy còn thiếu về số lượng, kinh nghiệm cũng như chưa được đào tạo một cách chuyên sâu và bài bản. Hệ thống giáo trình, tài liệu tham khảo còn nhiều khuyết thiếu.

Hiện nay, Công nghiệp văn hóa chưa có tên trong danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học. Trong chương trình đào tạo hiện hành của Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, Công nghiệp văn hóa là một chuyên ngành, chưa phải là một ngành. Sinh viên tốt nghiệp vẫn nhận văn bằng cử nhân Văn hoá học. Nhân toạ đàm này, Khoa Văn hoá học đề xuất đào tạo thí điểm cử nhân ngành Công nghiệp văn hoá và sáng tạo. Việc tiến tới mở ngành Công nghiệp văn hoá là một mục tiêu, định hướng của Khoa và Trường trong thời gian tới.

Tránh việc vì lao vào câu chuyện kiếm tiền mà làm lu mờ giá trị văn hóa truyền thống

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã đánh giá những vấn đề lý luận và thực tiễn trong đào tạo chuyên ngành Công nghiệp văn hoá từ nhiều góc nhìn khác nhau, đánh giá xu hướng, thực trạng phát triển của công nghiệp văn hoá, phát triển nguồn nhân lực công nghiệp văn hoá ở Việt Nam hiện nay…

Nhiều thách thức cho một chuyên ngành hoàn toàn mới - ảnh 4

Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM Nguyễn Xuân Tiên cho rằng Nhà trường có thể xin phép Bộ GD&ĐT cho cơ chế đặc thù để mở ngành

GS.TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM cho rằng: “Việc xây dựng mã ngành riêng đào tạo về Công nghiệp văn hóa là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của trường là chưa có tiến sĩ đầu ngành, vì đây là ngành còn quá mới mẻ, do đó Nhà trường có thể xin phép Bộ GD&ĐT cho cơ chế đặc thù, có những tiến sĩ gần ngành để có thể mở được ngành học này”.

Theo GS Tiên, Công nghiệp văn hóa cũng là lĩnh vực sáng tạo, nghĩa là đi từ cuộc sống, đến nghệ sĩ, tạo ra tác phẩm và đưa đến công chúng. Công chúng thưởng thức tác phẩm tác động trở lại xã hội… Và như vậy, vai trò người phê bình lý luận là hết sức quan trọng, nhằm gắn kết giữa cuộc sống, nghệ sĩ và công chúng.

“Tôi nghĩ rằng cử nhân ngành Công nghiệp văn hóa đóng vai trò giống như nhà lý luận phê bình, kết nối tất cả các bộ phận đó lại. Giữa xã hội với nghệ sĩ và sản phẩm văn hóa…

Chân dung của một cử nhân Công nghiệp văn hóa phải có các kỹ năng về cuộc sống, về sáng tạo nghệ thuật, về marketing, tìm hiểu thị trường, và thậm chí phải biết xây dựng chiến lược phát triển ở từng doanh nghiệp, từng lĩnh vực, để công nghiệp văn hóa đi vào thực tiễn”, GS Nguyễn Xuân Tiên chia sẻ.

Nhiều thách thức cho một chuyên ngành hoàn toàn mới - ảnh 5

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái tại tọa đàm

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, cho rằng muốn đào tạo tốt chuyên ngành Công nghiệp văn hóa, trước hết cần phải xây dựng được một hệ thống thuật ngữ chuẩn xác về văn hóa học, công nghiệp văn hóa và truyền thông văn hóa… Vì văn hóa rất rộng, nếu không có những định hình chặt chẽ, dễ làm biến dạng, lệch chuẩn các giá trị.

Dưới góc độ nhà tuyển dụng, bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài, cho biết trong những năm qua, hoạt động của các bảo tàng - nơi bà công tác trước đây cũng như thời điểm hiện tại, rất cần nguồn nhân lực công nghiệp văn hóa do Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đào tạo để đảm bảo cho các hoạt động của bảo tàng.

Bà Vân mong muốn trong tương lai với những cải tiến từ chương trình đào tạo, Nhà trường sẽ cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực công nghiệp văn hóa chất lượng để nâng cao hơn nữa uy tín và thương hiệu cho nhà trường. 

Liên quan đến việc tạo ra giá trị kinh tế trên nền tảng văn hóa, Giám đốc Bảo tàng Áo dài chia sẻ thêm rằng: “Tôi kỳ vọng trong quá trình đào tạo, Nhà trường giáo dục làm sao cho sinh viên hiểu rằng vừa phải bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, vừa phải kinh doanh hiệu quả. Đây là một việc khó vì tôi đã từng chứng kiến trường hợp, trong quá trình làm kinh doanh ở các bảo tàng, khi quá lao vào câu chuyện kiếm tiền thì dễ làm chệch hướng, biến dạng, lu mờ các giá trị văn hóa truyền thống”. 

Theo các đại biểu, thực tế cho thấy, việc đào tạo chuyên ngành Công nghiệp văn hóa là hết sức cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Việc xây dựng và phát triển lĩnh vực này đang đứng trước cả những thuận lợi, thời cơ và thách thức, trong đó, đào tạo nguồn nhân lực là một trong những bài toán đặt ra, gắn với mục tiêu phát triển công nghiệp văn hoá trong bối cảnh hiện nay.