Để công nghiệp văn hóa Việt Nam thành công
VHO - Công nghiệp văn hóa Việt Nam chỉ có thể thành công nếu các cơ quan, tổ chức, các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này tạo nên được sự khác biệt dựa trên những đặc trưng riêng về truyền thống văn hóa, bản sắc văn hóa.
Nhà thiết kế LÊ SỸ HOÀNG
Để phát triển công nghiệp văn hóa, cần thay đổi nhận thức ngay trong yếu tố đầu vào của văn hóa (sự sáng tạo) đã phải có tư duy thị trường (đáp ứng nhu cầu, giá cả đi đôi với chất lượng, quản lý hiệu quả, có sự đánh giá từ thị trường...).
Phải coi công nghiệp văn hoá là một ngành sản xuất, có khả năng tạo ra các sản phẩm tinh thần cao đẹp, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Khắc phục sự mất cân đối giữa quy hoạch, đầu tư xây dựng văn hóa giữa nông thôn và thành thị, giữa miền núi và miền xuôi. Đẩy mạnh sự phát triển và tăng cường sức cạnh tranh văn hóa. Xây dựng quy hoạch tổng thể và khoa học để tạo ra sự phát triển cân đối công nghiệp văn hóa giữa Trung ương và địa phương.
Thực hiện nghiêm các luật về bản quyền và sở hữu trí tuệ đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật.
Gắn với một yếu tố quan trọng khác là yếu tố quốc tế. Sản xuất các mặt hàng văn hóa bán chạy mang lại lợi nhuận cao để tiêu thụ trong nước mà còn để xuất khẩu ra nước ngoài, nâng cao giá trị của bản thân sản phẩm văn hóa đó và các dạng sản phẩm khác, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia trên thị trường thếgiới. Cho nên, góc độ tiếp cận chính sách công nghiệp văn hóa là góc độ “siêu quốc gia”.
Thực tế cho thấy quảng bá sản phẩm Công nghiệp Văn hóa ở nước ngoài có vai trò rất tích cực về mặt cải thiện hình ảnh đất nước, góp phần vào nâng cao tín nhiệm của đất nước. Chính vì vậy, cần coi công nghiệp văn hóa (đặc biệt là văn hóa giải trí), là phương tiện quan trọng để tiếp cận quan hệ quốc tế từ khi bước vào thế kỷ XXI.
Có chương trình nghiên cứu tổng thể các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cả nước cũng như từng địa phương để phát triển văn hóa du lịch, từ đó xác định một số lĩnh vực đầu tư phát triển trọng điểm. Nghiên cứu các nền văn hóa để quyết định loại sản phẩm “văn hóa Việt” nào phù hợp với từng thị trường. Chính phủ xem đó là mục tiêu số một của quốc gia trong từng thời điểm và bắt tay ngay vào hành động.
Công nghiệp văn hóa trở thành công cụ ngoại giao đầy quyền lực, sinh lãi, đoàn kết nhân dân và tạo ra một sản phẩm xuất khẩu, giúp truyền bá văn hóa Việt ra thế giới.
Bình đẳng giữa hoạt động văn hóa, văn nghệ, nghệ thuật biểu diễn của các tổ chức Nhà nước và xã hội hóa…
Nhà thiết kế LÊ SỸ HOÀNG
Chủ tịch Viện Trang phục Việt