Đà Nẵng:
Nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn tại Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn
VHO - Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng năm 2025 được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, tôn giáo hấp dẫn và thu hút.
Theo đó, nghi lễ chính thức của lễ hội là lễ khai mạc diễn ra lúc 17 giờ 30 ngày 16.3 (nhằm ngày 17.2 âm lịch).
Lễ vía Đức Bồ Tát Quán Thế Âm diễn ra lúc 7 giờ ngày 18.3 (nhằm ngày 19.2 âm lịch).
Trong đó, lễ vía được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng phục vụ người dân thành phố và các tỉnh, thành phố trong cả nước theo dõi.
Điểm đặc biệt là năm nay lễ hội sẽ diễn ra chương trình đi bộ vì hòa bình với đại diện hơn 300 cơ quan, tổ chức của thành phố, các lãnh sự quán nước ngoài tại Đà Nẵng do Ủy ban Hòa bình thành phố đăng cai.

Tọa đàm “Ảnh hưởng của Phật giáo trong di sản tư liệu Ma Nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn”.
Lễ hội cũng sẽ diễn ra trưng bày, tổng kết và trao giải cuộc thi ảnh nghệ thuật với chủ đề “Quan Âm - Mùa lễ hội”.
Cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi và trình diễn trực họa, ký họa về Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn.
Khai mạc cuộc thi hùng biện sách “Văn học với Phật giáo”, khai mạc triển lãm mỹ thuật tranh sen vẽ bằng chất liệu sơn dầu của họa sĩ Kim Chi Hoàng.
Triển lãm các tranh ảnh, đá, thư pháp, thư họa… và ra mắt đặc san Diệu Âm lễ hội Quán Thế Âm năm 2025.
Diễu hành xe hoa trên các tuyến đường của thành phố để tuyên truyền cho lễ hội và chào mừng 50 năm ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29.3.1975 – 29.3.2025).
Song song đó là những chương trình nghệ thuật đặc sắc như “Tỏa sáng đài sen ngọc” (Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng).

Biểu diễn các tác phẩm đặc san Diệu Âm và nghệ thuật múa Thái Lan do chùa Quán Thế Âm và Hội nghệ sĩ phật tử Đà Nẵng thực hiện.
Chương trình nghệ thuật do Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật thành phố biểu diễn, tổ chức hô hát bài chòi, các góc trà thư pháp kết hợp biểu diễn âm nhạc dân tộc.
Triển lãm ảnh về danh thắng Ngũ Hành Sơn và ma nhai Ngũ Hành Sơn, triển lãm mỹ thuật, hội họa, tranh ảnh, thư pháp.
Trưng bày và biểu diễn chế tác nghệ thuật đá mỹ nghệ Non Nước; múa lân sư rồng, nhảy sạp, không gian “Ẩm thực chay Việt”… của các đơn vị trong và ngoài nước thực hiện.
Hoạt động thể thao bao gồm lễ hội đua thuyền truyền thống, hội cờ làng…
Thực hiện tổ chức lễ hội văn minh, an toàn, ban tổ chức lễ hội cho biết công tác bảo đảm an ninh trật tự trong các chương trình được diễn ra chặt chẽ.
Đảm bảo môi trường lễ hội không có trộm, cướp và tệ nạn xã hội, không có lang thang xin ăn - xin ăn biến tướng, không xả rác, không vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Không chèo kéo khách, nâng giá, ép giá, không phóng sinh và các hoạt động mê tín dị đoan.