Đà Nẵng:

Nhà thờ Tiền hiền Phong Lệ là Di tích lịch sử cấp thành phố

NGỌC HÀ

VHO - Chiều 23.5, tại Nhà thờ tiền hiền làng Phong Lệ (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng), UBND xã Hòa Châu tổ chức Lễ công bố và đón nhận Bằng xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố đối với Nhà thờ Tiền hiền Phong Lệ.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, với sự thay đổi về tên gọi, chia, tách về địa lý, thay đổi về cư dân, chuyên canh về nông nghiệp, đến nay làng Phong Lệ hình thành nên các khu vực địa lý khác nhau với 4 thôn của xã Hòa Châu là Phong Nam, Tây An, Đông Hòa, Bàu Cầu và 2 phường Hòa Thọ Đông, Hòa Thọ Tây.

Tuy nhiên các tộc họ ở các địa phương vẫn duy trì được những nét văn hóa của các bậc Tiền nhân lưu lại, như thờ các vị tiền hiền, hậu hiền của làng, thờ Thần Nông, bảo ồn giá trị của lễ hội Mục đồng làng Phong Lệ độc nhất vô nhị trên cả nước.

Nhà thờ Tiền hiền Phong Lệ là Di tích lịch sử cấp thành phố - ảnh 1
Ông Lê Đức Hùng - Chủ tịch UBNX xã Hòa Châu phát biểu khai mạc

Sau nhiều lần UBND xã Hòa Châu đề nghị xếp hạng di tích cho Nhà thờ tiền hiền làng Phong Lệ, cùng với sự phối hợp, tạo điều kiện của Sở VHTTDL Đà Nẵng, Bảo tàng Đà Nẵng, ngày 6 tháng 5 năm 2025, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 1447/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.

Chủ tịch UBND xã Hòa Châu - ông Lê Đức Hùng chia sẻ: “Đây là niềm vui mừng và vinh dự lớn lao của nhân dân làng Phong Lệ. Di tích được công nhận góp phần làm đa dạng, phong phú các giá trị văn hóa lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của địa phương, thật tự hào khi trên cùng một địa phương có 2 di tích cấp thành phố được xếp hạng, là Đình Thần Nông và nhà thờ Tiền Hiền Phong Lệ.

Đây sẽ là một trong những điều kiện quan trọng góp phần thực hiện thành công Đề án xây dựng “Làng văn hóa đặc trưng” tại thôn Phong Nam, xã Hòa Châu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nhà thờ Tiền hiền Phong Lệ là Di tích lịch sử cấp thành phố - ảnh 2
Xã Hòa Châu đón nhận Bằng di tích xếp hạng cấp thành phố đối với Nhà thờ tiền hiền Phong Lệ

Theo ông Ngô Tất Hiền - Trưởng làng Phong Lệ: Nhà Thờ Tiền hiền là nơi hội tụ văn hóa của bao thế hệ dân làng, là kết tinh của các giá trị đạo đức truyền thống mà các thế hệ người dân làng Phong Lệ cùng chung tay tạo dựng trải qua mấy trăm năm khai làng lập ấp không hề thay đổi.

Đến nay, nhà thờ làng Phong Lệ không những chỉ có 17 chư phái tộc mà đã lên trên 20 tộc. Qua nghiên cứu khảo sát tất cả các tộc họ đều có quan hệ tình cảm mật thiết gắn bó nhiều đời trong cộng đồng, gia đình và xã hội. Đó là nét đẹp văn hóa, lịch sử từ lâu đã in sâu vào tâm khảm của mỗi con người Việt Nam. 

Nhà thờ chư phái tộc làng Phong Lệ trùng tu, tái thiết nhiều lần, lần cuối cùng di dời và xây dựng đến nay trên khuôn viên có diện tích trên 3000m, diện tích nhà thờ, nhà hội 500m và được xây dựng vào năm 1898. Tại đây, đã từng lưu giữ nhiều bằng sắc, chiếu chỉ, sắc phong... nhưng cát bụi thời gian đã xóa nhòa đi vết tích của cha ông để lại.

Nhà thờ với kiến trúc mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc. Mái ngói âm dương, hình tượng “lưỡng Long chầu nhật”, “ lưỡng Phụng triều nguyệt”, các đường nét chạm trỗ tinh vi trên các thân kèo, cột đã tạo nên một tác phẩm nghệ thuật quý hiếm mà các bậc tiền nhân đã dày công xây dựng.

Nhà thờ Tiền hiền Phong Lệ là Di tích lịch sử cấp thành phố - ảnh 3
Nhà thờ tiền hiền Phong Lệ

Để di tích được bảo vệ, phát huy một cách hiệu quả nhất, đồng thời trở thành nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau, Chủ tịch UBND xã Hòa Châu đề nghị các ngành, các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là các trường học trên địa bàn, tăng cường công tác giáo dục và phát huy truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái.

Cũng tại buổi lễ đón nhận Bằng di tích, UBND xã Hòa Châu đã ra mắt Ban quản lý di tích Nhà thờ tiền hiền làng Phong Lệ. Ban quản lý di tích có trách nhiệm xây dựng kế hoạch quản lý để thiết chế văn hóa hoạt động ngày càng hiệu quả, phát huy tối đa các giá trị mà di tích mang lại.

UBND xã Hòa Châu giao Ban quản lý di tích nhanh chóng hoàn thiện kế hoạch đề xuất UBND xã phối hợp với các Sở, ngành của thành phố hoàn thiện hồ sơ trùng tu di tích, kết hợp với xây dựng Nhà trưng bày nông cụ theo kế hoạch triển khai thực hiện xây dựng “Làng văn hóa đặc trưng” thôn Phong Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được huyện Hòa Vang phê duyệt.