Tháo gỡ điểm nghẽn về bảo vệ quyền tác giả:
“Chìa khóa” để phát triển công nghiệp văn hóa
VHO - Trong kỷ nguyên chuyển đổi số và toàn cầu hóa mạnh mẽ, quyền tác giả ngày càng khẳng định vai trò trụ cột đối với sự phát triển lâu dài của ngành công nghiệp văn hóa và kinh tế sáng tạo.

Việc gìn giữ quyền lợi hợp pháp cho người làm sáng tạo không chỉ đảm bảo sự công bằng và khuyến khích đổi mới, mà còn góp phần xây dựng hình ảnh một quốc gia đề cao tri thức, từng bước nâng tầm vị thế trên trường quốc tế.
Trước yêu cầu hội nhập sâu rộng, đặc biệt khi tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, Việt Nam đứng trước thách thức và cơ hội song hành: Khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế thực thi về sở hữu trí tuệ. Trong đó, quyền tác giả trong các lĩnh vực sáng tác, ghi âm, ghi hình cần được quan tâm đặc biệt.
Những con số đáng báo động
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, tình trạng vi phạm quyền tác giả vẫn diễn ra phổ biến, thậm chí công khai, gây thiệt hại lớn cho cá nhân và tổ chức sáng tạo. Đồng thời, làm suy giảm niềm tin vào hiệu lực của pháp luật.
Những vụ việc cụ thể thời gian qua càng cho thấy, các điểm nghẽn cần được tháo gỡ để bảo vệ quyền tác giả một cách hiệu quả và thực chất.
Việt Nam là quốc gia có “đời sống” âm nhạc, điện ảnh, truyền hình và xuất bản sôi động. Tuy nhiên, sự sôi động ấy lại chính là “mảnh đất màu mỡ” để kẻ xấu thu lợi bất chính dựa trên sức sáng tạo của người khác.
Theo báo cáo của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), năm 2024 có hơn 79 vụ kiện liên quan đến quyền tác giả được tiến hành, chủ yếu trong lĩnh vực biểu diễn và khai thác âm nhạc qua nền tảng số.
Đặc biệt, hệ thống truyền hình trả tiền K+ cũng ghi nhận tới 66.433 trường hợp vi phạm bản quyền phim truyện trên mạng, trong đó phần lớn là tái phát sóng trái phép trên các website không được cấp phép.
Đáng lưu ý, không chỉ các cá nhân mà nhiều đơn vị tổ chức sự kiện, nhà hàng, trung tâm tiệc cưới, thậm chí một số cơ quan truyền thông địa phương cũng đã từng bị khiếu nại hoặc xử lý vì sử dụng tác phẩm không xin phép.
Tại TP.HCM, một trung tâm hội nghị đã sử dụng hàng chục bài hát trong buổi tiệc tri ân doanh nghiệp mà không thông qua bất kỳ thỏa thuận bản quyền nào - dẫn đến tranh chấp kéo dài suốt nhiều tháng.
Nguyên nhân của những vi phạm trên, đầu tiên nằm ở nhận thức xã hội. Nhiều người vẫn xem tác phẩm trên mạng là “hàng dùng chung”, không cần xin phép hay trả tiền. Tâm lý “làm trước - xin sau”, hoặc “người khác cũng làm thì tôi cũng làm” đang phổ biến, dẫn đến hành vi xâm phạm bản quyền trở nên bình thường hóa.
Cùng với đó, các quy định hiện hành còn thiếu sức răn đe. Dù Luật Sở hữu trí tuệ đã được sửa đổi bổ sung năm 2022 và được hướng dẫn bởi Nghị định 17/2023/NĐ-CP, nhưng mức xử phạt vi phạm hành chính hiện nay còn khá thấp (chỉ 5-30 triệu đồng), trong khi thiệt hại thực tế có thể gấp hàng chục lần. Việc khởi kiện dân sự thì kéo dài, khó xác định giá trị bồi thường, còn xử lý hình sự hầu như không áp dụng vì chưa đủ yếu tố cấu thành.
Hơn nữa, tổ chức đại diện quyền tác giả còn phân mảnh, thiếu liên thông dữ liệu và chưa ứng dụng công nghệ cao. Việc cấp phép, thu phí và phân phối tiền bản quyền vẫn dựa chủ yếu vào thống kê thủ công, thiếu cơ chế kiểm soát minh bạch.
Thách thức từ tốc độ phát triển của công nghệ cũng là một trong những vấn đề Việt Nam phải đối mặt. Trong khi các quốc gia tiên tiến đã ứng dụng hệ thống nhận diện nội dung tự động (Content ID), trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain để giám sát, xác thực và tự động thanh toán tiền bản quyền, thì Việt Nam vẫn chủ yếu theo dõi thủ công, thiếu công cụ phát hiện vi phạm trên không gian mạng. Điều này khiến nhiều vụ vi phạm diễn ra công khai mà không bị ngăn chặn kịp thời.
Nguy cơ khó thu hút đầu tư, phát triển kinh tế sáng tạo
Các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP và EVFTA đặt ra yêu cầu rất cao đối với bảo hộ quyền tác giả. Cụ thể, CPTPP yêu cầu kéo dài thời hạn bảo hộ quyền tác giả lên 70 năm sau khi tác giả qua đời, trong khi EVFTA quy định phải ngăn chặn hành vi gỡ bỏ trái phép công nghệ mã hóa nội dung bảo hộ.
Việc thực hiện các cam kết này không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn là yếu tố quyết định khả năng hội nhập của Việt Nam với các ngành công nghiệp văn hóa toàn cầu.
Nếu không đáp ứng kịp thời, Việt Nam sẽ gặp khó trong thu hút đầu tư quốc tế vào lĩnh vực giải trí, truyền thông và sản xuất nội dung, đồng thời có nguy cơ bị khởi kiện hoặc mất uy tín trong các thỏa thuận thương mại song phương và đa phương.
Để bảo vệ quyền tác giả một cách hiệu quả và bền vững, cần một hệ thống giải pháp đồng bộ và dài hạn. Cụ thể, cần tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật theo hướng nâng mức xử phạt vi phạm hành chính, mở rộng căn cứ xử lý hình sự đối với hành vi có tổ chức, gây thiệt hại lớn hoặc tái phạm. Đồng thời, khuyến khích tòa án xây dựng và công bố án lệ về tranh chấp bản quyền, tạo tiền lệ pháp lý rõ ràng.
Cơ quan quản lý cần thống nhất cơ chế quản lý bản quyền thông qua xây dựng Trung tâm quản lý tập thể quyền tác giả cấp quốc gia, tích hợp dữ liệu từ các tổ chức nghề nghiệp và ứng dụng công nghệ theo thời gian thực. Đây là mô hình đã được triển khai hiệu quả tại Hàn Quốc và nhiều nước châu Âu.
Ngoài ra, tăng cường tổ chức các chiến dịch truyền thông quốc gia để nâng cao nhận thức cộng đồng, đồng thời đưa nội dung về quyền sở hữu trí tuệ vào chương trình giáo dục phổ thông, đại học và đào tạo cán bộ ngành văn hóa, tư pháp, công an kinh tế; tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các nền tảng số như YouTube, Facebook, Spotify... để tích hợp công cụ nhận diện nội dung, chia sẻ dữ liệu và xử lý vi phạm xuyên biên giới.
Đồng thời, chuẩn bị sửa đổi pháp luật để xử lý các tác phẩm do trí tuệ nhân tạo tạo ra - xu hướng đã được Trung Quốc và EU bắt đầu áp dụng.
Quyền tác giả không đơn thuần là vấn đề cá nhân của người sáng tạo mà là vấn đề của pháp luật, của văn hóa và sự phát triển bền vững. Trong kỷ nguyên số, khi sáng tạo là tài sản quý giá thì việc bảo vệ người sáng tạo chính là bảo vệ tương lai văn hóa quốc gia.
Đã đến lúc Việt Nam cần một bước tiến thực chất về chính sách, pháp luật và hành động cụ thể để bảo vệ quyền tác giả một cách nghiêm minh, công bằng và hiệu quả - qua đó khẳng định vị thế văn hóa, pháp lý và hội nhập trên trường quốc tế.