Khẳng định vị thế văn hoá Việt Nam trong nền văn minh nhân loại
VHO - Ngày 22.5, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì Hội thảo toàn quốc về Đề án đẩy mạnh hội nhập quốc tế về văn hoá.

Cùng dự có Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình.
Hội thảo diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ điểm cầu chính tại Trụ sở Bộ VHTTDL (Hà Nội) với 63 tỉnh, thành trên cả nước với sự tham gia của lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đảng và Nhà nước đã hết sức quan tâm đến lĩnh vực văn hoá. Điểm nổi bật nhất của nhiệm kỳ này là văn hoá đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp uỷ Đảng, các Ban, Bộ, ngành cụ thể hoá thành các chương trình hành động.
Trong đó, khởi đầu là việc dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021 đã diễn ra thành công sau 79 năm, kể từ Hội nghị lần thứ nhất dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh; cùng với đó là các hội thảo về 80 năm Đề cương về văn hoá Việt Nam; hội thảo kiến tạo chính sách, khơi thông điểm nghẽn để văn hoá phát triển…

Đặc biệt, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Cùng với đó, các nghị quyết, nghị định quan trọng của Chính phủ đã tạo cơ hội để ngành văn hoá phát triển.
Bộ trưởng nêu rõ về tổng thể, từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự đồng lòng của nhân dân, trong giai đoạn này, văn hoá đã có bước phát triển. Nhiều hoạt động được tổ chức với sự phong phú về hình thức, nội dung đã bồi đắp, phát huy những giá trị về chân - thiện - mỹ và lan toả sức mạnh mềm của văn hoá Việt Nam.
Cùng với việc kiến tạo về mặt chính sách, Bộ VHTTDL với vai trò cơ quan quản lý nhà nước đã được Bộ Chính trị giao tham mưu để cùng các cơ quan hữu quan tập trung xây dựng văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
“Điều đáng mừng là trong dự thảo văn kiện lần này, văn hoá, con người đã được đưa vào một mục với những nội hàm cụ thể, rõ ràng. Qua đó, chúng ta có cơ sở quán triệt, triển khai thực hiện khi được Đại hội thông qua với nhiều luận điểm mới và cách tiếp cận mới”, Bộ trưởng nêu rõ.

Theo Bộ trưởng, văn hoá Việt Nam có tính hội nhập. Văn hoá Việt Nam là dòng chảy bền bỉ của dân tộc và cũng là “dòng sông”, mở “cửa ngõ” để tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại.
Bộ trưởng cho rằng, lâu nay, khi nói đến đưa văn hoá Việt Nam đi quảng bá với bạn bè quốc tế, nhiều người hay nghĩ đến những sản phẩm văn hoá cụ thể là áo dài, nón lá, ẩm thực… Thế nhưng, phải nghiêm túc suy nghĩ cách tiếp cận này đã đủ chưa, hay phải gồm cả những cách tiếp cận khác để thể hiện rõ nét tinh thần, giá trị, sức sáng tạo của người Việt Nam.
Bộ trưởng khẳng định, trong tiến trình hội nhập quốc tế, văn hóa Việt Nam luôn thể hiện bản sắc riêng đồng thời tiếp thu tinh hoa nhân loại một cách chọn lọc. Hội nhập văn hóa không chỉ là sự lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống và đương đại Việt Nam ra thế giới mà còn là quá trình làm phong phú văn hóa Việt bằng cách tiếp nhận tinh thần nhân văn và tiến bộ từ các nền văn hóa khác. Đây là sự gặp gỡ hài hòa giữa bản sắc dân tộc và tính phổ quát của nhân loại.
Bộ trưởng cho rằng, trong quá trình hội nhập, phải tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hoá nhân loại để làm giàu cho văn hoá Việt Nam. Thế nhưng, đây cũng không phải câu chuyện đơn giản và cần có những giải pháp phù hợp.

Từ thực tiễn, Bộ trưởng mong muốn các cơ quan quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, những người quan tâm đến lĩnh vực văn hoá sẽ cùng làm rõ các thành tố trong nội hàm của hội nhập văn hoá quốc tế. Cùng với đó, đề xuất các giải pháp về cơ chế, chính sách, nguồn lực, phát triển nhân lực…
Chia sẻ từ thực tiễn địa phương, Giám đốc Sở VHTT TP Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai cho biết: Là địa phương có quan hệ hợp tác quốc tế sớm và sâu rộng (hiện kết nghĩa với 26 quốc gia, có giao lưu với hơn 130 nước), Hải Phòng xác định văn hóa là một trong những trụ cột trong định hướng phát triển bền vững, nhất là trong ngoại giao văn hóa.
Thành phố đặt mục tiêu tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO, hướng tới trở thành “thành phố âm nhạc”. Theo bà Trần Thị Hoàng Mai, việc cụ thể hóa các khái niệm và có hướng dẫn thực thi từ Trung ương sẽ là căn cứ quan trọng để các địa phương triển khai hiệu quả hơn trong thực tiễn.
Từ Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chia sẻ, Huế lâu nay được biết đến với thế mạnh ngoại giao văn hóa gắn với di sản, lấy văn hóa làm nền tảng cho phát triển xanh, bền vững.

Ông Nguyễn Thanh Bình đề nghị Bộ VHTTDL có hướng dẫn cụ thể về nội dung, phạm vi, phương thức thực hiện để địa phương có thể vận dụng sát thực tế. Bên cạnh đó, cần quan tâm phát triển nguồn lực con người để đủ sức triển khai các yêu cầu hội nhập văn hóa.
Hội thảo tiếp tục ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp từ các học giả, chuyên gia và đại diện các địa phương, nhằm hoàn thiện Đề án cả về lý luận và thực tiễn. Trong đó, việc định hình rõ khái niệm, xác định đúng vai trò, mối quan hệ giữa văn hóa và đối ngoại, giữa gìn giữ bản sắc và tiếp biến có chọn lọc tinh hoa thế giới được nhấn mạnh như nền tảng để văn hóa Việt Nam hội nhập một cách tự tin, chủ động và hiệu quả.