Người giữ thanh âm bản làng

NGỌC DIÊN

VHO - Đến thôn Groi Wet, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai hỏi thăm nghệ nhân ưu tú (NNƯT) A Lip (dân tộc Ba Na) thì người nào cũng biết. Bởi Alip ngoài việc biết đánh chiêng, làm đàn, tạc (đẽo) tượng gỗ và chỉnh chiêng ông còn có tấm lòng nhân hậu, biết yêu thương đùm bọc người khó khăn và đau đáu muốn gìn giữ tiếng đàn, tiếng cồng chiêng, điệu múa của buôn làng. Ông đã biến ngôi nhà của mình làm nơi ươm mầm và tiếp lửa cho thế hệ trẻ đến với âm vang Tây nguyên.

Chăm chỉ và nhân hậu

Theo chân chị Đinh Thị Lan, viên chức Trung tâm Văn hóa huyện Đak Đoa đến nhà của NNƯT A Lip giữa trưa nắng nóng trên dưới bốn mươi độ. Chẳng may ông A Lip và gia đình đi rẫy nên vắng nhà. Mùa này nhà nhà ở Đak Đoa đều túc trực ở ruộng lúa, rẫy cà phê để bơm nước chống hạn.

Người giữ thanh âm bản làng - ảnh 1
Nghệ nhân A Lip (trái ảnh) và nghệ nhân Tư đang chỉnh chiêng

Tiếp cận với A Lip tại rẫy cà phê cách nhà khoảng 2 cây số. Ông đang bơm nước tưới cà phê. Miệng nở nụ cười và đon đả đón khách: “Nắng hạn từ trước Tết đến giờ nên đất háo nước, từ tờ mờ sáng đến giữa buổi chiều mà tôi mới tưới khắp khoảng 1 ha cà phê”. Tại nương rẫy của A Lip còn trồng chen một số cây bơ, điều, chuối, mía… đủ cho nhu cầu tiêu dùng quanh năm.

Cách đó không xa, dưới thấp hơn, gần suối nước, bà Nhoi vợ A Lip và Treg (con út nuôi) đang làm cỏ ruộng lúa gần 1 ha của gia đình mình. Nhờ chăm bón tốt nên hàng năm ruộng lúa luôn bội thu. Ngoài ra, A Lip còn chăn nuôi 4 con bò, một đàn heo để có điều kiện sẻ chia, giúp đỡ được nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn và có thêm tiền để mua chiêng, dạy chiêng cho trẻ nhỏ. Xong việc tưới nước, A Lip ngang qua hái vài trái bơ chín và lấy rựa chặt một buồng chuối đang chín tới chất lên xe máy, luôn tiện ông đèo bó tre nứa đã phơi khô từ trước để về làm chiêng gỗ.

Khuôn viên nhà của vợ chồng A Lip khá rộng rãi, gần 700 m2, ngay ngã tư đường. Ngoài khu nhà chính, nhà dưới, nhà sàn, bếp, còn có kho, nhà xe công nông, chuồng heo, chuồng bò và đặc biệt là khoảng sân rộng chừng 300 m2 dùng để các đội tập cồng chiêng và múa; ngày mùa dùng phơi nông sản.

Vợ chồng Nghệ nhân A Lip còn là những người có trái tim nhân hậu. Trong một dịp vào xã Hà Đông, một xã đặc biệt khó khăn của huyện Đak Đoa, thấy hai anh em Đuc và Nhid ở làng Kon Sơnglok, xã Hà Đông có hoàn cảnh khó khăn do mồ côi cha, mẹ có chồng khác, ông A Lip đã nhận 2 anh em về làm con nuôi, hiện nay Đuc đã lập gia đình, ông giúp đỡ sửa lại nhà và cho vốn làm ăn. Nhid đã lớn, đã có của riêng và được ông mua cho xe máy đi lại. Hiện tại còn Treg (em cùng mẹ khác cha của Đuc và Nhid) cũng đã 19 tuổi, được vợ chồng ông A Lip nuôi dưỡng, chăm sóc thương yêu như con đẻ.

Hàng năm, A Lip giúp đỡ cho các hộ khó khăn trong làng, các trường hợp nghèo khó khác chừng 15 bao lúa, 5 bao gạo, 5 con heo giống và cho nuôi rẽ 5 con bò, đó là trợ cấp thường xuyên của gia đình ông cho chòm xóm.

Miệt mài thắp sáng thanh âm đại ngàn

Ở ruộng rẫy vợ chồng A Lip bận rộn bao công việc, về đến nhà vừa tiếp chúng tôi, vừa làm bao nhiêu việc nhà. NNƯT A Lip tiếp chúng tôi ở gian nhà sàn, nơi ông chỉ chưng bày bộ cồng chiêng, các loại đàn do ông tự tay làm, trên tường treo các loại hình ảnh, bằng khen, giấy khen các loại.

Người giữ thanh âm bản làng - ảnh 2
Hằng ngày các em nhỏ trong làng thường đến nhà A Lip để tập đánh chiêng gỗ, múa 

Ông say sưa nói về tình yêu của ông với cồng chiêng và khát khao lưu truyền, gìn giữ cồng chiêng trong cộng đồng dân tộc ở địa phương. Nghệ nhân A Lip sinh ra trong một gia đình có cái nôi của văn hóa truyền thống Ba Na, cả gia đình ông đều biết đánh chiêng, chỉnh chiêng. Từ thuở lên 6, cha truyền lại cho A Lip cách đánh chiêng, thẩm âm. Nhờ vậy, lên 11 tuổi, A Lip đã chơi thành thạo các bài chiêng truyền thống của người Ba Na như Lễ mừng lúa mới, Lễ cúng nước giọt, Lễ bỏ mả… 

“Âm nhạc cồng chiêng ngấm vào hơi thở, mạch máu mình tự khi nào, thiếu nó mình không chịu được đâu”,nghệ nhân A Lip thổ lộ.

Ông kể, ngày trước khi cha mẹ ông còn sống, nhà ông có nhiều chiêng lắm. Sau này cha chết, ông có tâm nguyện chôn theo những bộ chiêng đó cho cha. Có chút vốn liếng cha để lại, ông trồng lúa, nuôi bò để bán kiếm tiền lại mua chiêng. A Lip, nói: “Mình sưu tập được 10 bộ chiêng quý, nhưng có mang đi tặng và một số bộ bị thất lạc, nên đến nay, nhà mình còn 3 bộ chiêng hoàn chỉnh thôi. Mình dùng nó khi có lễ hội, đi giao lưu văn hóa và để dạy cho các cháu nhỏ ở trong làng”.

Không chỉ giỏi đánh chiêng, A Lip còn miệt mài học cách chỉnh chiêng, học đánh đàn t’rưng, gong kní, làm các loại đàn khác từ tre, trúc và tạc tượng gỗ của người Ba Na. Tại Lễ hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai lần thứ III, từ ngày 12-14.4.2024, Đoàn huyện Đak Đoa, mà chủ yếu là xã Glar, NNƯT A Lip và nghệ nhân Tư đã trình diễn xuất sắc các các tiết mục đánh cồng chiêng và chỉnh chiêng, thu hút hàng ngàn lượt người xem; trong đó có nhiều người, nhiều bạn trẻ tìm hiểu nghề chỉnh chiêng và làm chiêng bằng tre nứa.

 Giữ lửa văn hóa truyền thống

Đã hẹn trước với nghệ nhân Tư đến nhà cùng ông chỉnh lại bộ chiêng bị lạc âm. Hai người thẩm âm, dùng búa chuyên dụng đập, gò nắng lại âm thanh từng cặp chiêng một cách tỉ mỉ và chuyên nghiệp.

Xong việc chỉnh chiêng, NNƯT A Lip và nghệ nhân Tư bắt đầu làm chiêng nứa. Những ống tre nứa A Lip chở trong rẫy về được lấy ra đẽo, gọt và thẩm âm, chỉnh âm khá thành thạo. Những chiêng tre này dành cho người tập đánh chiêng. Bên cạnh nơi sản xuất chiêng, nhiều đàn t’rưng, đàn bầu và các nguyên liệu làm nhạc cụ truyền thống Tây nguyên còn đang làm dở.

Người giữ thanh âm bản làng - ảnh 3
Đội cồng chiêng và múa Đăk Đoa biểu diễn tại các lễ hội địa phương

Ngày nay, âm nhạc hiện đại có nguy cơ làm cho âm thanh cồng chiêng mai một dần trong cộng đồng dân tộc. A Lip đi vận động người dân học đánh chiêng. Ông thành lập các lớp chiêng lớn, nhỏ trong làng. Đến nay, làng Groi Vet có 2 đội chiêng, ông chia thành 2 đội lớn, nhỏ khoảng 40 người từ 6 đến 70 tuổi. Hiện đội chiêng của làng thường được mời đi biểu diễn trong các dịp lễ hội, sự kiện quan trọng của khu vực Tây Nguyên và toàn quốc. Ngoài ra, nghệ nhân A Líp còn phối hợp với Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Đak Đoa dạy cho hơn 100 học sinh biết đánh chiêng trên địa bàn xã Glar và các xã lân cận như Ia Pêt, A Dơk.

Chiếu đến tầm 17 giờ trở đi, các em trong làng đi làm, đi học về là đến nhà A Lip sinh hoạt coi như nhà của mình. Các em nam lấy đàn T’rưng, chiêng tre ra bày ngoài sân rộng. Các em nữ cũng xếp hàng dài chờ cho tiếng đàn, tiếng cồng chiêng vang lên là bắt đầu khơi nhịp. Phụ trách đội múa và cồng chiêng là nghệ nhân Tư, ông nắn sửa từng động tác múa, từng nhịp gõ chiêng cho đến khi ổn mới nghỉ ngơi.

Người giữ thanh âm bản làng - ảnh 4
Những lúc rỗi việc Ngệ nhân A Lip làm các nhạc cụ dân tộc

Với những đóng góp của mình, nhiều năm qua, nghệ nhân A Lip đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp từ Trung ương đến địa phương. Năm 2011, ông được Sở VHTTDL tỉnh Gia Lai cấp Bằng chứng nhận là nghệ nhân chỉnh chiêng, tạc tượng dân tộc Jrai, Ba Na. Tháng 3.2019, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NNƯT trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian.