Đặt tên xã, phường mới sau sắp xếp ở Quảng Nam:
Ngôi làng, dòng sông, di sản... sẽ “sống” mãi cùng người dân
VHO - Sau nhiều lần thảo luận, tham khảo ý kiến cử tri, tỉnh Quảng Nam đã thông qua phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó là phương án tên gọi 78 xã, phường mới sau sắp xếp dựa theo các yếu tố lịch sử, truyền thống, trầm tích văn hoá có tính đại diện của mỗi vùng đất như mong muốn của đa số người dân.
Định danh trên nền tảng văn hóa, di sản cha ông lưu lại
Hầu hết ý kiến người dân ở các địa phương đều đồng tình việc đổi tên, đặt tên mới cho các xã, phường sau sáp nhập là công tác hành chính cần thiết nhưng cần dựa trên nền tảng văn hóa.

Có những địa danh nổi tiếng hàng trăm năm, gắn với giá trị văn hóa, lịch sử - là những di sản, tình cảm, ký ức của cha ông bao thế hệ đã gầy dựng, bảo vệ. Người dân mong muốn việc đặt tên gọi dung hòa, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý, vừa giữ được hồn cốt văn hóa, kết nối, đảm bảo bản sắc văn hóa và giá trị kinh tế chung cho mỗi vùng đất.
Trong phương án đặt tên 78 đơn vị hành chính sau sắp xếp ở Quảng Nam, rất nhiều tên đất, tên làng cổ đã đi vào lịch sử, gắn với tâm thức của bao thế hệ người Quảng Nam, địa danh đẹp, di tích văn hóa- lịch sử của Quảng Nam đã được đặt tên cho các xã mới, phường mới, như: Hương Trà, Bàn Thạch, Quảng Phú (thuộc TP. Tam Kỳ hiện nay); Phú Ninh, Chiên Đàn (huyện Phú Ninh); Hà Nha, Thượng Đức (huyện Đại Lộc),...
Nhiều tên xã mới được đặt gắn liền với tên vùng đất xưa như một cách lưu giữ, tiếp nối giá trị, mạch nguồn lịch sử, văn hóa truyền thống như xã Sơn Cẩm Hà, Tài Đa (huyện Tiên Phước), vùng đất gắn với các di tích tháp Chăm nổi tiếng như xã Chiên Đàn (huyện Phú Ninh), xã Đồng Dương (huyện Thăng Bình), di sản văn hóa thế giới nổi bật như các phường Hội An, Hội An Đông, Hội An Tây (TP Hội An).
Điều này đã nhận được sự đồng tình cao của dư luận. Trên mạng xã hội, trong những cuộc bàn luận trong nhà, ngoài phố, rất nhiều ý kiến của người dân bày tỏ sự hứng khởi, kèm theo lời khen ngợi lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã tiếp thu, lắng nghe ý kiến của cử tri một cách thấu tình đạt lý, bàn luận và đưa ra những quyết định hợp lòng dân.
Định vị “thương hiệu” vùng đất sau sắp xếp
Trong quá trình lấy ý kiến, đề xuất và thống nhất tên gọi các xã mới vừa qua, một điều đáng trân quý là việc đa phần người dân Quảng Nam đồng lòng với những phương án đặt tên mới, không cố chấp khư khư giữ lại tên địa danh cổ, tên xưa mà cân nhắc lựa chọn những tên gọi đặc trưng cho vùng đất, vừa có giá trị định danh hành chính, lại có thể định hình “thương hiệu” địa phương trong tương lai.
Có những tên làng xưa cũ, định danh đẹp, hay, nhưng sau nhiều cân nhắc, tham khảo, lựa chọn, người dân cũng sẵn sàng đồng ý không giữ lại, thay vào đó lựa chọn những định danh tạo nên giá trị mới cho cộng đồng trong tương lai.
"Có rất nhiều tên làng, xã hay, nhưng không thể khư khư đòi hỏi giữ lại được tất cả sau sắp xếp. Chúng ta vẫn có thể giữ tên làng, tên xã, vùng đất của mình trong tình cảm, ký ức của mỗi người. Nhưng trên tất cả, mỗi ý kiến của người dân, mỗi quyết định lựa chọn tên cho một vùng đất không chỉ là nhiệm vụ hành chính mà còn là trách nhiệm văn hóa, theo nguyên tắc tôn trọng lịch sử, hướng đến những giá trị bền vững cho tương lai”, ông Nguyễn Văn Sơn- một doanh nghiệp tại xã Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn chia sẻ.

Như ở Hội An, người dân mong muốn giữ lại tên Hội An trong tên những xã, phường mới và thống nhất với tên 3 phường mới sau sắp xếp là Hội An, Hội An Đông và Hội An Tây.
Việc tham khảo và tôn vinh các tên gọi lịch sử cổ xưa là cần thiết để ghi nhớ cội nguồn, nhưng trong bối cảnh hiện tại của Hội An là DSVHTG và điểm đến du lịch hàng đầu thì việc ưu tiên giữ lại yếu tố "Hội An" trong tên các đơn vị hành chính sau sắp xếp là chiến lược thực tế và hiệu quả hơn để bảo vệ "tài sản" quý báu của địa phương và phục vụ sự phát triển bền vững.
Việc giữ yếu tố "Hội An" trong tên các phường mới giúp duy trì và phát huy ngay lập tức giá trị thương hiệu này, đảm bảo sự nhận diện liên tục và mạnh mẽ đối với du khách và cộng đồng quốc tế.
Cùng chung nỗi niềm, ở các địa phương khác, điều khiến nhiều người dân băn khoăn không phải vì những phương án tên mới không đủ ý nghĩa, mà là sự lo lắng khi tên xã, phường – linh hồn của vùng đất bị đặt một cách cảm tính, qua loa theo kiểu đếm số lượng, đánh số thứ tự.
Không chỉ là định danh hành chính đơn thuần, mỗi tên xã, phường mới trong tương lai là tài sản kinh tế vô hình gắn với sinh kế, bản sắc, định vị thương hiệu cho vùng đất, người dân nơi ấy.

Tại huyện Duy Xuyên, ban đầu, các tên gọi Duy Xuyên 5, tiếp đó là Mỹ Sơn được dự kiến sẽ đặt cho xã mới sau sắp xếp 2 xã Duy Phú và Duy Tân. Tuy nhiên sau đó đã thống nhất chọn tên Thu Bồn đặt cho xã mới sau sắp xếp 4 xã Duy Châu, Duy Hòa, Duy Phú, Duy Tân và người dân cũng đồng lòng ủng hộ.
“Khi sáp nhập các xã, thay vì tên gọi Duy Xuyên 5 khô khan như phương án ban đầu, tất nhiên người dân đều ủng hộ tên gọi mới là xã Thu Bồn. Chỉ cần nghe tên đã hình dung ra vùng đất dọc triền sông Thu Bồn của miền đất Duy Xuyên được bồi đắp trầm tích văn hóa từ ngàn xưa, từ muôn phương đổ về để có một di sản Mỹ Sơn nổi tiếng như hôm nay”, ông Trương Hoàng Linh - một cựu chiến binh quê ở huyện Duy Xuyên hiện đang sinh sống ở TP Đà Nẵng chia sẻ khi tên sông Thu Bồn được chọn.
Từ câu chuyện của những cái tên dòng sông, con suối được đặt lại cho các xã, phường, nhà báo Nguyễn Hữu Đổng- Phó Tổng Biên tập báo Quảng Nam đã có những tự sự, cũng như gợi mở câu chuyện về những dòng sông trong quy hoạch tương lai sáp nhập Quảng Nam và Đà Nẵng:
“Lại thử soi bản đồ hành chính của các tỉnh thành trong xứ Việt đã nhiều lần đổi thay, nhưng định vị 2.360 dòng sông (tính độ dài từ 10km trở lên) mang theo lịch sử văn hóa vẫn miệt mài chảy qua những miền đất.
“Còn Quảng Nam thì còn ở mãi đó văn hóa Vu Gia, Thu Bồn, Trường Giang, mênh mang từ nguồn xuống biển, như “Sông xanh một dải Thu Bồn/ Sông từ chợ Củi đến nguồn Ô Gia”, hay: “Ai về nhớ tháp Chiên Đàn/Nhớ đình Mỹ Thạch, nhớ hàng cau xanh/Quê hương ai vẽ nên tranh/Trường Giang một dải nước xanh bốn mùa”…
Trên nền tảng của “gia tài sông” để lại đó, xác định lợi thế địa kinh tế - văn hóa - chính trị để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Quảng Nam đã tính toán quy hoạch các dòng sông theo mô hình cấu trúc không gian “2 vùng - 2 cụm động lực - 3 hành lang phát triển”, được định hướng trong Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050".
"Vì vậy, khi Quảng Nam và Đà Nẵng hợp nhất, hẳn sẽ phải bổ sung chỉnh sửa sao cho khớp nối quy hoạch 2 địa phương, nhưng cũng phải kế thừa ý tưởng về cấu-trúc- sông, hết sức sống động cho tương lai”, nhà báo Nguyễn Hữu Đổng chia sẻ.