Sắp xếp lại tư duy cồng kềnh
VHO - Một cựu lãnh đạo thành phố Đà Nẵng tâm sự, qua diễn biến dư luận, có thể thấy nỗi tâm tư của nhiều người, nhất là các bậc trí thức, chí sĩ địa phương trước việc sáp nhập liệu còn có những địa danh lịch sử, thậm chí là những địa chỉ đã đi vào tâm thức cộng đồng.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào trách nhiệm lịch sử đang đặt ra, quốc gia cần cải tổ hệ thống quản lý hành chính, tinh gọn bộ máy nhà nước để hiệu quả và tiết kiệm, thì việc tổ chức sáp nhập là rất cần thiết.
Mấu chốt của cuộc cách mạng hành chính này là phải thay đổi tư duy quản lý phân cấp phân quyền thứ bậc sang tư duy quản trị xã hội tận “tế bào” là con người.
Cuộc cách mạng công nghệ số hiện nay đã cho phép năng lực quản trị điều hành xã hội nắm chắc đến từng cá nhân, qua hệ thống dữ liệu quốc gia với căn cước công dân, thì đâu cần những tầng nấc trung gian nữa.
Khi cơ quan chức năng chỉ cần gõ mã số công dân là truy nhập được đúng ngay cá nhân đó, thì những thông tin địa danh lưu trú, năm sinh tháng đẻ không cần khai báo nữa. Việc quản lý xã hội sẽ đơn giản hóa rất nhiều và người dân không cần phải khai báo, chứng thực rườm rà về thủ tục hành chính nữa.
Với góc độ quản lý “từ Trung ương thẳng đến cá nhân” như vậy, những phân cấp trung gian trở nên dư thừa. Bộ máy hành chính sẽ thực sự phục vụ người dân chứ không chỉ quản lý, ban hành quy định nữa. Hiệu quả quản lý nhà nước sẽ gia tăng lên gấp nhiều lần trong khi chi phí giảm triệt để.
Ngược lại, trong quan hệ cộng đồng, các đơn vị cấp cơ sở (xã hoặc phường) chỉ còn là định danh hành chính, và sẽ tùy thuộc người dân sở tại quy ước để tiện sinh hoạt, làm việc.
Người dân có quyền gọi nhắc những tên hương thôn làng xã theo ý nguyện, xây dựng củng cố lại những giá trị văn hóa lịch sử để đảm bảo các tiêu chí tâm lý xã hội của mình. Với truyền thống phương Đông, việc bảo vệ những giá trị văn hóa cố hữu là cần thiết và khi vấn đề này thuộc do chính người dân đề xuất, duy trì, chắc chắn mọi vấn đề phát sinh sẽ thuận lợi, không nảy sinh lực cản nào.
Theo đó, việc quản lý hành chính càng giản tiện hơn, và người dân chỉ cần một mã số căn cước để giao tiếp hành chính với cơ quan Nhà nước, rất cụ thể, và rất rõ ràng!
Theo các chuyên gia tư vấn, quản trị xã hội hướng đến cá thể hóa như vậy sẽ giản lược mọi tầng nấc trung gian và đảm bảo nguyện vọng, đề đạt của người dân được đáp ứng, phục vụ tốt nhất.
Quy mô quản lý hành chính theo đó sẽ không còn bị giới hạn trong phạm vi một làng xã mà còn vượt khỏi chỉ giới tỉnh thành, hướng đến những vùng quản lý kinh tế xã hội.
Người dân làm ăn sinh sống trong vùng quản lý đó, được đảm bảo các quyền lợi công bằng hơn, hưởng nhiều lợi ích xã hội hóa hơn, đi đôi với trách nhiệm bản thân rõ ràng hơn, trong từng hành vi, lựa chọn của mình.
Theo đó, xã hội sẽ đi đến thực hiện quyền lợi công dân được đăng ký, thực hiện những việc làm, hành vi cho phép. Người dân được đăng ký làm ăn, tổ chức đầu tư kinh doanh bằng căn cước cá nhân, không còn phải xin phép về việc thành lập tổ chức hay doanh nghiệp, bãi bỏ mọi giấy phép, đơn xin… vì người dân sẽ tự chịu trách nhiệm hoàn toàn về những điều đó, thay vì đợi có phép từ cơ quan quản lý hành chính nhà nước.
Như thế, người dân có thể sinh sống, làm việc ở bất cứ nơi đâu thấy thuận tiện, không còn tốn công làm các thủ tục đăng ký, chứng thực, phải đi lại xác nhận một loại giấy tờ nào đó ở từng địa phương cụ thể.
Chính các cơ quan hành chính, với hạ tầng dữ liệu đã nối mạng thống nhất, sẽ xác thực, kiểm tra những giấy tờ, văn bản hỗ trợ cho người dân, giám sát những đăng ký, thỏa thuận của người dân, đôn đốc việc chấp hành các quy định an toàn, an ninh, phúc lợi cho người dân, đảm bảo các chế độ kê khai thuế và quyền lợi cho người dân được đầy đủ, minh bạch.
Hiệu quả quản lý nhà nước về mặt hành chính sẽ tăng lên gấp nhiều lần và minh bạch, rõ ràng với mọi công dân. Ngược lại, bất cứ hành vi phạm pháp, vi phạm các quy định và thỏa ước của người dân đều sẽ được làm rõ, với trách nhiệm phải tuân thủ tương xứng và mức xử phạt đồng bộ.
Như vậy một trật tự xã hội mới được thiết lập và vai trò, trách nhiệm của người công dân được đẩy lên ở mức cao nhất. Việc sáp nhập các tỉnh thành, hay điều chỉnh sắp xếp lại các bộ ngành, là để phục vụ cho mục tiêu này, thực hiện đúng một bộ máy hành pháp giản tiện và công chính.
Người dân trong phạm vi điều chỉnh sắp xếp hành chính như vậy, có toàn quyền kiến nghị và thực hiện những quyền lợi, nghĩa vụ của mình, và hoàn toàn không mâu thuẫn những vấn đề liên quan giá trị lịch sử, văn hóa, tôn giáo tâm linh… Sắp xếp lại hệ thống quản lý hành chính của cả nước, là hướng đến tiêu chí quan trọng và tôn trọng các giá trị bền vững!