Nâng tầm giá trị di sản nghề chằm nón ngựa Phú Gia
VHO - Nghề chằm nón ngựa Phú Gia ở xã Cát Tường, huyện Phù Cát (Bình Định) có truyền thống lịch sử hơn 300 năm, vừa được Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng ký Quyết định số 956/QĐ-BVHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Việc trở thành di sản phi vật thể quốc gia như tiếp sức thêm trong công tác bảo tồn các giá trị văn hóa cổ truyền và đặc trưng của làng nghề chằm nón nơi đây.
Trao đổi với chúng tôi, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Văn Ngọc cho biết, nón ngựa Phú Gia là sản phẩm thủ công truyền thống độc đáo của “miền đất Võ” Bình Định, và đó là sự cầu kỳ, tỉ mỉ và tài hoa trong từng đường nét của chiếc nón này. Để sản xuất ra nón ngựa, người làm nón Phú Gia ngoài yếu tố kinh tế còn bắt nguồn từ tình yêu nghề truyền thống của ông cha và đặc biệt có những giây phút sáng tạo trong thực hành di sản. Ở làng Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, hơn 300 năm qua, người dân nơi đây đã gắn liền với nghề làm nón ngựa. Hiện ở làng Phú Gia có khoảng 300 hộ tham gia sản xuất nón ngựa.
“Nón ngựa Phú Gia được xem là “kiệt tác” của nón lá. Gọi là nón ngựa bởi chiếc nón có được sự dẻo dai, bền bỉ và gắn với một số nhà chức trách đương thời dùng đội khi cưỡi ngựa, một thời là kỷ vật quyền uy cho người đội khi cưỡi ngựa”, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Văn Ngọc chia sẻ và nói, xưa, nón ngựa chỉ dành cho giới quan lại và cho những người thuộc tầng lớp địa chủ, dân thường không ai dám đội. Một phần là vì loại nón này có giá cao ngút, vượt quá khả năng túi tiền của thường dân nên chẳng ai dám mua đội. Sau này, ở làng Phú Gia cũng như các địa phương khác chỉ có nhà giàu mới dám sắm nón ngựa cho cô dâu, chú rể đội mừng hỷ. Điểm đặc biệt của nón ngựa là bền, chắc, dẻo dai, thích hợp cho những người cưỡi ngựa. Một chiếc nón ngựa có thời gian sử dụng đến cả trăm năm không hư.
Theo hồ sơ di tích, trải qua những thăng trầm của lịch sử, nón ngựa giờ đây dần đi vào đời sống của nhân dân và du khách thập phương. Vượt lên chức năng che nắng, che mưa, nón ngựa Phú Gia trở thành đồ trang sức, nên duyên cho người phụ nữ. Dưới những bàn tay đang nắm giữ bí quyết của làng nghề và còn phải gắn bó với ruộng nương, đồng áng, nghệ nhân làng nón Phú Gia vẫn miệt mài, nỗ lực lưu giữ và truyền lại cho thế hệ tiếp theo. Mỗi thế hệ gia đình làm nghề chằm nón ngựa Phú Gia đều cố gắng giữ lại ít nhất một cặp nón ngựa (gồm nón nam và nón nữ) để làm kỷ vật. Trong đó, gia đình nghệ nhân Đỗ Văn Lan vẫn còn giữ 4 cặp nón ngựa có tuổi đời từ 100 - 200 năm. Nghệ nhân ông Đỗ Văn Lan, một người gắn bó gần 60 năm nay với nghề chằm nón ngựa Phú Gia, cho hay: Nguyên liệu dùng làm nón ngựa là cây giang làm sườn, lá kè (cọ) làm lá lợp nón, cây dứa (thơm tàu) thì chải ra làm chỉ. Dụng cụ để sản xuất gồm lồng tre (để sấy khô lá kè), kéo chuyên dụng (cắt lá kè), dao vuốt (chẻ) nang sườn, bàn chốt nang (có những lỗ tròn nhiều kích cỡ khác nhau để tướt nang tròn đều), kim chuyên dụng chằm nón, khuôn nón mẫu. Ngày nay chỉ được thay thế bằng cước mịn, còn giang, cọ thông thường thì được lấy từ vùng núi Vân Canh, Tây Sơn, An Nhơn. Để có một sản phẩm chiếc nón ngựa đẹp thường phải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ gồm: Đan mê, rập luông sườn, thắt nang sườn, thêu hoa văn trên sườn và lợp lá chằm chỉ.
Để nâng tầm giá trị nón ngựa Phú Gia, những năm gần đây, chính quyền địa phương chú trọng đầu tư, quảng bá hình ảnh làng nghề nên nón ngựa Phú Gia có thêm nhiều người biết đến. Trong gần 10 năm qua, đơn đặt hàng ở làng nón ngựa Phú Gia liên tục tăng. Chỉ tính từ năm 2008 đến nay, không những khách du lịch mà các đoàn tham quan cũng tìm đến nghiên cứu làng nghề nón ngựa Phú Gia ngày càng tăng. Hiện nay, ngoài những chiếc nón ngựa truyền thống, làng nghề Phú Gia đã chế tác ra nhiều loại nón cách tân hơn. Một số hộ gia đình làm nón ngựa Phú Gia đã cách tân chiếc nón ngựa truyền thống thành một sản phẩm dễ làm, ít tốn thời gian, nguyên vật liệu dễ tìm hơn để phù hợp với xu hướng thị trường.
Nón ngựa Phú Gia có các mức giá khác nhau. Chiếc nón làm theo nguyên mẫu truyền thống có giá từ 300.000 - 500.000 đồng/chiếc. Đối với loại nón ngựa làm bắt mắt hơn, trên đỉnh nón được gắn chụp bạc hoặc đồi mồi có chạm trổ long, lân, quy, phụng thì có giá khoảng 2,5 triệu đồng/chiếc. Để khôi phục và gìn giữ những giá trị văn hóa làng nghề, thời gian qua UBND huyện Phù Cát đã triển khai nhiều giải pháp để làng nghề nón ngựa Phú Gia trở thành điểm du lịch cộng đồng. Ông Phạm Dũng Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho biết: Hiện nay, các cấp, các ngành phối hợp tạo mọi điều kiện thuận lợi, đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như quảng bá hình ảnh, quảng bá các sản phẩm, xây dựng các cửa hàng trưng bày sản phẩm, nhất là sản phẩm nón ngựa Phú Gia. Qua đó, để người dân và du khách trong cũng như nước ngoài biết đến nón ngựa.
“Huyện đã có chính sách hỗ trợ đào tạo những người có tay nghề xuất sắc để giữ gìn làng nghề nón ngựa Phú Gia ở xã Cát Tường”, ông Luận cho biết thêm. Hiện làng nghề nón ngựa Phú Gia đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận là làng nghề truyền thống và được chọn xây dựng mô hình Làng văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.