Năm mới, ngành VHTTDL với những kỳ vọng mới

VHO – Nhìn lại một năm 2023 vừa qua, toàn ngành VHTTDL đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để nỗ lực phát triển văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, ngang hàng với kinh tế, chính trị, thực hiện sứ mệnh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” như lời dạy của Bác.

Năm mới, ngành VHTTDL với những kỳ vọng mới - Anh 1

Ngay từ đầu năm, Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp tổ chức thành công chuỗi kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hoá Việt Nam, tạo tiếng vang lớn. Ảnh: Trần Huấn

Phát triển đồng đều, có chiều sâu, tạo sức lan tỏa lớn

Có thể nói, năm 2023, ngành VHTTDL ghi dấu ấn bằng việc tổ chức nhiều sự kiện quan trọng, sôi động và phong phú. Với tinh thần “Quyết liệt, hiệu quả, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm”, ngành đã chủ động nắm chắc thời cơ, tham mưu đúng, trúng và kịp thời triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, cùng với cả nước thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra ở lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc; các nghị quyết tại các phiên họp thường kỳ của Chính phủ.

Nhìn lại một năm qua, điều dễ nhận thấy là, chưa bao giờ lĩnh vực văn hóa nhận được nhiều sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, của Chính phủ và toàn thể Nhân dân như hiện nay. Đó chính là nguồn động lực tạo sự thay đổi rất lớn về nhận thức và hành động của các Cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân và cộng đồng doanh nghiệp về vị trí, vai trò của văn hóa. Năm 2023 là năm ghi nhận sự chuyển động toàn diện và sâu sắc trong xây dựng môi trường văn hóa với mô hình xây dựng làng văn hóa, khu dân cư văn hóa kiểu mẫu, xây dựng văn hóa trong cơ quan báo chí, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân, văn hóa học đường, văn hóa dòng họ, gia đình… Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của toàn dân tộc tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, sự đoàn kết, gắn bó, yêu thương, chia sẻ được nhân rộng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã đi vào thực chất, từng bước khắc phục tính hình thức trong triển khai thực hiện. Ngay từ đầu năm, Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp tổ chức thành công chuỗi kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hoá Việt Nam, tạo tiếng vang lớn

Bộ VHTTDL cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp “từ sớm”, “từ xa” với các địa phương trong công tác quản lý nhà nước, tổ chức các sự kiện lớn của ngành theo hướng tập trung, trọng tâm, trọng điểm, có điểm nhấn và tạo sức lan tỏa lớn, kiên định mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, phát huy tối đa vai trò của nhân dân với tư cách là chủ thể sáng tạo, phát triển văn hóa thông qua việc tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, thể thao và du lịch sôi động và rộng khắp trong cả nước, được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao, được nhân dân đồng tỉnh, ủng hộ.

Tư duy từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa” được hình thành rõ nét. Công tác xây dựng thể chế được chú trọng, thực hiện chủ động, bài bản và có chuyển biến tích cực. Bộ VHTTDL đã chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành, thông qua 1 Nghị quyết và 6 Nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 9 Quyết định; Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành theo thẩm quyền 15 Thông tư. Bộ cũng đã tham mưu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 8 đề án, đang hoàn thiện 5 đề án trong các lĩnh vực hoạt động của Ngành; đang tập trung hoàn thiện dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật Quảng cáo (sửa đổi), báo cáo Chính phủ trình Quốc hội trong năm 2024. Việc xây dựng, rà soát và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa đã góp phần rất quan trọng để ngành VHTTDL thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.

“Biến tư duy thành hành động”, lan tỏa những năng lượng tích cực

Năm 2023 là năm đánh dấu việc “biến tư duy thành hành động” trên lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình. Ngành đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sớm phê duyệt “Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035”; đang tham mưu trình Chính phủ các chính sách ưu tiên đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nhằm thúc đẩy năng lực sáng tạo, sản xuất, phân phối và hưởng thụ sản phẩm văn hóa, đồng thời xây dựng hạ tầng thông tin để đưa các sản phẩm văn hoá Việt Nam tiếp cận với thị trường quốc tế. Lần đầu tiên tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ chủ trì.

Lĩnh vực di sản văn hóa cũng ghi nhận những đột phá rất đáng tự hào. Nhận thức của toàn xã hội về di sản văn hóa, về vai trò của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa từng bước được nâng cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - du lịch, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế bền vững của cộng đồng địa phương có di sản. Sau 11 năm giải trình, vận động vịnh Hạ Long- Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) đã được UNESCO ghi danh là Di sản thiên nhiên thế giới, giúp Việt Nam có 9 di sản thiên nhiên, văn hóa thế giới. Việt Nam trúng cử thành thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027 với số phiếu ủng hộ rất cao, ghi nhận đóng góp thiết thực của Việt Nam trong quan hệ với UNESCO, trong gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở Việt Nam, trên thế giới.

Năm 2023 cũng là năm ghi dấu ấn của văn hóa đối ngoại với việc tổ chức tốt các chương trình văn hóa nghệ thuật trong khuôn khổ các chuyến thăm chính thức của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; phối hợp tổ chức Ngày văn hóa, Tuần văn hóa với hoạt động phong phú, đa dạng, linh hoạt và đặc sắc, phát huy “sức mạnh mềm” của văn hóa trong quảng bá hình ảnh đất nước, lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam đến các quốc gia trên thế giới. Chính văn hóa đã góp phần làm nên sức mạnh, làm cho tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng tăng trên trường quốc tế. Vì vậy, phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, thành động lực, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

Bên cạnh đó, toàn ngành VHTTDL tiếp tục chú trọng hơn trong xây dựng văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nỗ lực đẩy mạnh triển khai các Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng”; đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời” trong các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa.

Trên bình diện quốc gia, nguồn lực đầu tư cho văn hóa lần đầu tiên được Quốc hội phê duyệt 1,8% và đang hướng đến mục tiêu năm sau luôn cao hơn năm trước. Chính phủ đã ưu tiên dành 1.428 t đồng để 17 tỉnh/thành phố triển khai 17 dự án tu bổ, tôn tạo các di tích được UNESCO ghi danh, di tích quốc gia đặc biệt và di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu. Các chỉ tiêu, chỉ số về phát triển văn hóa, gia đình, con người, thể thao, du lịch trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp, trong chương trình phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương chưa bao giờ được đề cập đầy đủ, toàn diện, kỹ lưỡng như trong thời gian qua. Đầu tư cho văn hóa ở các địa phương trong năm 2022, 2023 đạt t lệ trên 2% tổng chi ngân sách địa phương.

Thể thao Việt Nam dựa trên hai trụ cột chính là thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao. Từ thể thao quần chúng phát hiện ra những hạt nhân tiêu biểu, những năng khiếu nổi bật đưa vào tuyển chọn, huấn luyện đào tạo cho thể thao thành tích cao. Về công tác đào tạo, huấn luyện, chúng ta cũng đã bắt đầu tiếp cận theo hướng từ sớm, từ xa, lựa chọn thầy giỏi, huấn luyện viên tốt để có trò giỏi, vận động viên tốt. SEA Games 32 tại Campuchia, Đoàn Thể thao Việt Nam thi đấu xuất sắc vượt chỉ tiêu đề ra đạt thành tích 359 huy chương phá 12 kỷ lục, thiết lập 4 kỷ lục SEA Games, lần đầu tiên giành được vị trí thứ Nhất toàn đoàn tại một kỳ SEA Games tổ chức tại nước bạn, khẳng định hình ảnh, vị thế của Việt Nam trong khu vực. Tại kỳ ASIAD 19 tại Trung Quốc, Đoàn Thể thao Việt Nam xếp vị trí thứ 21/45 tham dự quốc gia tham dự Đại hội. Lần đầu tiên trong lịch sử, đội bóng đá nữ tham dự World Cup tại New Zealand, tạo một cú hích lớn cho bóng đá nữ nói riêng và tạo động lực cho thể thao Việt Nam nói chung.

Du lịch Việt Nam từng bước phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Theo phương pháp đánh giá mới, Chỉ số năng lực phát triển du lịch Việt Nam năm 2019 xếp hạng 60 và năm 2021 xếp hạng 52, tăng 8 bậc. Đây là mức tăng cao thứ 3 thế giới, phản ánh những nỗ lực vượt bậc và thành công của ngành du lịch Việt Nam trong việc ứng phó với đại dịch và phục hồi, tái thiết hoạt động.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; các chính sách liên quan đến thị thực, visa được bổ sung, sửa đổi tạo đà để du lịch phát triển. Lần đầu tiên trong cùng một năm, Bộ VHTTDL đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ chủ trì hai Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch, đó là Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi-Tăng tốc phát triển” và Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước. Du lịch Việt Nam đã cán mốc với những con số rất ấn tượng: Tổng số khách du lịch quốc tế trong năm 2023 ước đạt 12,5 triệu lượt khách, đạt mục tiêu đã điều chỉnh; tổng số khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt khách, vượt 5,8% so với kế hoạch năm 2023; tổng thu từ du lịch ước đạt 672 nghìn tỉ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023. Sự chuyển biến linh hoạt, tư duy sắc bén, một chính sách visa thông thoáng và dài hạn đã nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp Việt Nam hấp dẫn hơn trong mắt khách quốc tế, là đòn bẩy giúp cho du lịch phát triển về đích thần tốc trong năm 2023.

Chào đón mùa xuân mới 2024, với niềm tin vững vàng từ những thành quả đã đạt được, với tinh thần “Tăng tốc về đích”, toàn ngành VHTTDL kỳ vọng sẽ đạt được nhiều thành tựu mới, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hoá Việt Nam trong thời kỳ mới.

ĐỖ MAI TRANG

Ý kiến bạn đọc