Hướng tới kỉ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025):
Một thời “tiếng hát át tiếng bom”
VHO - Giữa mưa bom bão đạn, vẫn có những người nghệ sĩ khoác trên vai đạo cụ, mang lời ca tiếng hát vượt qua rừng núi hiểm nguy, tiếp lửa cho cách mạng. Họ không chỉ biểu diễn - họ chiến đấu bằng giai điệu và khát vọng.
Tiếng hát ấy, từ những sân khấu dã chiến, ánh đèn măng xông leo lét, đã trở thành vũ khí tinh thần, lay động trái tim bao chiến sĩ, nhân dân và cả những người lính bên kia chiến tuyến.
Một thời gian khổ hào hùng giờ đây vẫn sống động trong ký ức của các “chiến sĩ văn công” - những người đã hát bằng cả trái tim giữa thời khắc sống còn của dân tộc.
Ký ức về những năm tháng ác liệt, hành trình đưa tiếng hát, lời ca phục vụ các chiến sĩ nơi tiền tuyến vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của những nghệ sĩ Đoàn quân Giải phóng.

Tiếng hát bay xa đến từng mặt trận
Những ngày tháng 4 lịch sử, trong lòng ông Đào Ngọc Chúng (85 tuổi, thôn Xuân Đình, xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) lại dâng trào bao cảm xúc. Ông nhớ về những năm tháng khói lửa, khi tiếng hát của mình và đồng đội vang lên giữa bom đạn, tiếp thêm lòng yêu nước cho bao người.
Ông Chúng chia sẻ, sinh ra tại cái nôi văn hóa dân gian, lớn lên trong gia đình cách mạng, ông sớm say mê Bài chòi và nhận ra sức mạnh lay động lòng người của văn hóa, văn nghệ.
Năm 1966, ông tình nguyện tham gia Đội Văn công nghiệp dư, thuộc Đội Vũ trang tuyên truyền huyện Nghĩa Hành. Ông cùng 12 thành viên rong ruổi khắp nơi, từ vùng giải phóng đến vùng địch tạm chiếm, mang theo những lời ca, giai điệu hào hùng phục vụ nhân dân, chiến sĩ.
Đạo cụ oằn trên đôi vai gầy, trước mắt là những con đường hiểm nguy, đói rét bủa vây, nhưng khi ánh đèn măng xông bừng sáng, tiếng hát, tiếng đàn, nhịp phách lại vang lên, tinh thần cách mạng lại được thêm hun đúc.
Ông Chúng bồi hồi nhớ về những buổi biểu diễn mang lại niềm hân hoan cho cán bộ, chiến sĩ và bà con, song cũng đối mặt với vô vàn gian khó. Ngày đó, chỉ có một số xã của huyện Nghĩa Hành như Hành Tín (nay là xã Hành Tín Đông và Hành Tín Tây), Hành Thịnh, Hành Thiện… được giải phóng, nhiều nơi vẫn còn là vùng địch tạm chiếm.
Cuộc chiến ác liệt, có lần đi biểu diễn ở vùng địch tạm chiếm, khi câu hát còn dang dở, bom đạn bất ngờ dội xuống. “Loa đổ, đèn vỡ, có người mãi mãi nằm lại, tôi và một số anh em phải trốn trong rừng suốt một tuần, chịu đói khát và giá lạnh, chẳng có gì ngoài mật khẩu truyền tai, phòng khi lạc nhau trong đêm tối.
Dẫu đối mặt với sinh tử, nhưng không ai bỏ cuộc. Chúng tôi hiểu rằng, nghệ thuật không chỉ là lời ca, tiếng hát, mà còn là ngọn lửa tiếp thêm sức mạnh cho cuộc chiến giành độc lập, tự do cho dân tộc”, ông Chúng xúc động.
Những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, sau chiến thắng vang dội của cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, phong trào cách mạng ở Quảng Ngãi lan rộng khắp nơi. Trước tình hình đó, Mỹ - ngụy đẩy mạnh kế hoạch “bình định nông thôn”, lập “ấp chiến lược” kiểm soát dân.
Nhận thấy vai trò quan trọng của văn nghệ trong công tác vận động quần chúng, tháng 4.1964, Tỉnh ủy Quảng Ngãi thành lập Đoàn Văn công Quân Giải phóng Quảng Ngãi.
Ngày 8.6.1964, Đoàn ra mắt tại Suối Chí, xã Hành Tín (nay là xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành), quy tụ nhiều ca sĩ, diễn viên, nhạc sĩ tài năng, mang trong mình lý tưởng cách mạng sâu sắc.
Tháng 8.1965, đoàn chuyển về Tỉnh ủy, do Ban Tuyên huấn chỉ đạo trực tiếp, đổi tên thành Đoàn Văn công Giải phóng Quảng Ngãi.

Vũ khí trên mặt trận tư tưởng
Ông Trương Quang Tuấn (76 tuổi), nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa thị xã Quảng Ngãi, hiện là Trưởng ban Liên lạc Đoàn Văn công Giải phóng Quảng Ngãi nhớ lại, 2 năm sau ngày Đoàn thành lập, tôi vinh dự được tham gia.
Khi ấy, tôi cùng những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi phơi phới cất vang lời ca, tiếng hát, mang những vở diễn đặc sắc ra chiến trường, thắp lên khát vọng hòa bình, niềm tin tất thắng.
Đến nay, những buổi biểu diễn năm xưa vẫn vang vọng trong tôi, như khúc hoài niệm về một thời tuổi trẻ rực lửa, đầy nhiệt huyết và khát khao cống hiến cho cách mạng.
Những vở diễn như Trước giờ xuất kích, Bà mẹ cầm súng, Cẩm Thành nổi dậy hay song tấu Kể chuyện du kích diệt tăng... vang lên như những hồi kèn xung trận, cổ vũ quân dân ta xông lên chiến đấu.
Độc tấu vui Trở về sản xuất khéo léo vận động nhân dân rời vùng địch kiểm soát, trở lại đồng quê tăng gia sản xuất.
Giữa khói lửa chiến tranh, mỗi tiết mục không đơn thuần là một màn biểu diễn, mà còn là lời hiệu triệu, khơi dậy ý chí quật cường, cổ vũ tinh thần chiến đấu trong nhân dân; là ngọn lửa niềm tin, thắp sáng con đường cách mạng; len lỏi vào tâm tư, tình cảm binh lính đối phương, thức tỉnh họ về lòng yêu nước và căm thù giặc Mỹ xâm lược cùng bè lũ tay sai.
“Với sức ảnh hưởng mạnh mẽ, mỗi khi đoàn văn công xuất hiện, địch lập tức truy lùng ráo riết. Chúng xem anh em trong đoàn không chỉ là những nghệ sĩ đơn thuần, mà là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng. Chính vì thế, kẻ địch từng tuyên bố: Xóa sổ được đoàn văn công thì coi như xóa sổ được một tiểu đoàn quân chủ lực Việt cộng. Đó là nỗi ám ảnh khiến địch không ngừng lùng sục chúng tôi”, ông Tuấn tự hào kể.
Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi, bà Huỳnh Thị Sương chia sẻ, thời điểm từ cuối 1955-1960, Quảng Ngãi chưa có cơ quan chuyên trách về văn hóa, thông tin, nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và cấp ủy ở các địa phương, những hình thức thông tin văn hóa được triển khai linh hoạt, vừa đấu tranh với kẻ thù, vừa củng cố niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp cách mạng.
Đến năm 1964, Đoàn Văn công Quân Giải phóng Quảng Ngãi được thành lập, góp phần cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân, thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng giai đoạn này phát triển mạnh mẽ.
Năm 1973, tỉnh tiếp tục hình thành “Hội Văn nghệ”. Mùa hè 1974, Đài Phát thanh Giải phóng Quảng Ngãi được thành lập và chính thức hoạt động.
“Những dấu ấn đó đã tiếp thêm sức mạnh cho cuộc kháng chiến, đưa thông tin, văn hóa trở thành vũ khí quan trọng trên mặt trận tư tưởng, góp phần giải phóng tỉnh Quảng Ngãi, làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước”, bà Huỳnh Thị Sương nhấn mạnh.