Mô hình “Sách đi tìm người” tại TP.HCM:  Để thư viện không đơn thuần là một kho chứa sách

VHO - Nói đến phong trào văn hóa đọc từ tủ sách, thư viện ở cộng đồng dân cư trên địa bàn Quận 6, TP.HCM, những người làm công tác văn hóa cơ sở đều nhắc đến hiệu quả từ các mô hình mà Thư viện Quận đã xây dựng và thực hiện thành công nhiều năm qua. Cho đến nay, mô hình “Sách đi tìm người” đã đến với nhiều đối tượng người dân.

Mô hình “Sách đi tìm người” tại TP.HCM:  Để thư viện không đơn thuần là một kho chứa sách - Anh 1

Học sinh Trường THPT Bình Phú đọc sách từ mô hình “Sách đi tìm người” của Thư viện Quận 6

Ông Trần Văn Hồng, Đội trưởng Đội tuyên truyền lưu động của Trung tâm Văn hóa Quận 6, người có thâm niên công tác ngành thư viện 30 năm, kể với chúng tôi: Từ đầu năm 2015, nhận thấy lượng bạn đọc đến thư viện vắng dần, nhiều người cho rằng có thể người dân tìm sách qua thư viện điện tử. Tuy nhiên trên thực tế khi xem lượng truy cập của bạn đọc qua kênh này thấy chỉ có 30-40 lượt/ngày... Mỗi năm thư viện chỉ cấp được 70 thẻ bạn đọc, con số này chỉ bằng 1/10 số thẻ được cấp so với cùng kỳ những năm  trước đó.

“Lúc này nọi người mới bàn với nhau phải thay đổi hình thức tiếp cận để thu hút bạn đọc đến với sách, thế là mô hình “Sách đi tìm người” của Thư viện Quận 6 được hình thành. Chúng tôi mang sách phục vụ bạn đọc tại Công viên Phú Lâm vào thứ ba và thứ năm hằng tuần từ 6h đến 9h sáng. Lúc này, rất đông người dân đi tập thể dục, họ đã nán lại để đọc sách. Mô hình mang sách đến công viên của Thư viện Quận 6 thu hút từ 300 đến 500 lượt bạn đọc mỗi ngày”.

Cán bộ thư viện cho biết, mô hình thành công bước đầu khiến mọi người phấn khởi và tiếp tục mở rộng, đối tượng hướng đến là học sinh. Theo đó, chương trình tuần lễ phục vụ sách lưu động với đa dạng các thể loại, có sự phối hợp cùng Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM để mang sách đến với các em. 

Mô hình “Sách đi tìm người” tại TP.HCM:  Để thư viện không đơn thuần là một kho chứa sách - Anh 2

Học sinh Trường Tiểu học Lam Sơn tham gia Ngày hội “Vui học cùng sách - Ô cửa tri thức” do Thư viện Quận 6 phối hợp Nhà trường tổ chức

Vào các buổi chào cờ đầu tuần, Thư viện Quận 6 đã chọn những tác phẩm văn học nổi tiếng, đang thịnh hành để giới thiệu, nhằm khơi dậy tinh thần yêu sách cho học sinh. Mô hình đã thu hút đông đảo giáo viên và học sinh tìm đến đọc sách.  Cùng với việc phục vụ đọc sách, Thư viện còn tổ chức thêm các sân chơi, tìm hiểu kiến thức trong các quyển sách đã đọc, tổ chức giao lưu, mời các nhà văn, tác giả viết truyện thiếu nhi, sách văn học thiếu nhi… để khuyến khích học sinh thêm yêu sách. 

Mô hình thứ ba, cũng hướng tới việc mang sách đến cho bạn đọc là phục vụ tại quán cà phê. Mô hình thực hiện có sự kết hợp với bộ phận Văn hóa - Thông tin của UBND Phường, xây dựng từ 2016. Mô hình này đến nay đã xây dựng được 14 điểm, được bạn đọc đón nhận khá tốt. “Trước khi mở tủ sách tại quán, cán bộ thư viện đã khảo sát kỹ lưỡng, chọn quán đông khách và có không gian thuận lợi cho việc đọc sách. Cứ 2 tháng thay đổi một lần, 100 đầu sách đa dạng thể loại, trong đó đa số về văn học, tâm lý học được mang đến tủ sách này”, cán bộ thư viện Quận 6 cho biết. 

Năm 2017 thư viện cũng đã tham mưu cho UBND Quận 6 ký ban hành kế hoạch xây dựng và nâng cao chất lượng phòng đọc sách cơ sở. Lúc này trên địa bàn Quận 6, ở mỗi phường đang tồn tại 3 tủ sách (tủ sách pháp luật do phòng tư pháp quản lý, tủ sách chính trị do Đảng ủy quản lý, tủ sách văn hóa xã hội do Văn hóa thông tin phường quản lý). Qua khảo sát 3 tủ sách này hoạt động không hiệu quả. Cụ thể, hai tủ sách về pháp luật và chính trị thì người dân rất khó tiếp cận vì thường được đặt ở tầng trên, không cùng khu vực với người dân khi đến phường chờ giải quyết hồ sơ, thậm chí các tủ sách cũng khóa lại. Chỉ còn có tủ sách về văn hóa, nhưng lại rất nghèo nàn đầu sách…

Nhận thấy bất cập này, cán bộ Thư viện Quận 6 đã tư vấn với phường, sáp nhập 3 tủ sách lại và phải được đặt tại nơi phục vụ tiếp dân và mở cửa vào các giờ tiếp dân, để mọi người có thể lấy sách ra đọc trong lúc chờ đợi. Tất cả phòng đọc của các phường đều là phòng đọc sách không tường, được xử lý nghiệp vụ bài bản và sắp xếp theo chủ đề. Toàn bộ tài liệu được hướng dẫn bằng các tiêu đề để bạn đọc tự do chọn sách, sau khi đọc xong bỏ vào vị trí. Cuối giờ làm việc, cán bộ Văn hóa thông tin sẽ sắp xếp lại. Đồng thời, để tủ sách đa dạng, mỗi năm các phường phải lên Thư viện Quận 6 luân chuyển sách 4 lần, mỗi lần không dưới 200 cuốn. Mô hình này đến nay đã có 14/14 phường đưa vào hoạt dộng. Đây là mô hình phòng đọc sách không tường đầu tiên của TP.HCM.

Mô hình “Sách đi tìm người” tại TP.HCM:  Để thư viện không đơn thuần là một kho chứa sách - Anh 3

Công nhân Công ty TNHH May thêu Thuận Phương đọc sách tại tủ sách do Thư viện Quận 6 xây dựng

Mô hình gần đây nhất là đem sách tiếp cận công nhân lao động. “Chúng tôi xác định đây là đối tượng ít có điều kiện giải trí, nâng cao kiến thức, kỹ năng nên cần được đặc biệt quan tâm. Lúc này chúng tôi xây dựng một số tủ sách khu lưu trú công nhân, mở các thư viện nhỏ để công nhân đến lấy sách đọc. 

Trước đó, khi đi xuống khu công nhân, thấy rằng có những tờ rơi tuyên truyền, tờ báo cũ mà họ chuyền tay nhau đọc rách nát hết…Vì thế mà chúng tôi cho rằng việc xây dựng các tủ sách nơi đây là vô cùng cần thiết. Tính đến nay, Thư viện Quận 6 đã xây dựng được 4 tủ sách tại 4 khu lưu trú công nhân”, ông Trần Văn Hồng phấn khởi cho biết. 

Có thể nói, mô hình “Sách đi tìm người” tại Thư viện Quận 6, TP.HCM với đa dạng cách thực hiện, nhằm phát triển văn hóa đọc đã và đang thực hiện rất hiệu quả. Qua đó, cho thấy được sự chuyên nghiệp, đi đúng hướng và nhất là tâm huyết của đội ngũ cán bộ làm công tác thư viện nơi đây… Tuy nhiên, để công tác này phát triển bền vững, rất cần sự chung tay hỗ trợ của các ngành, các cấp và đơn vị liên quan, đồng thời, có giải pháp nhân rộng mô hình tại nhiều địa phương khác. 

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc