Mở cửa đón khách tham quan Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Huế
VHO- Chiều ngày 2.7, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã chính thức khánh thành và mở cửa phục vụ du khách tham quan ở địa chỉ số 144 Đặng Thái Thân, TP.Huế. Đây là thiết chế bảo tàng ngoài công lập thứ 4 tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tên khai sinh là Nguyễn Vịnh, sinh năm 1914, trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông tham gia cách mạng từ năm 1934, đến năm 1937 thì được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông là một trong hai vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam (cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp).
Các đại biểu tham quan không gian trưng bày tại Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Hơn 30 năm hoạt động cách mạng liên tục và vô cùng sôi nổi, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã được Đảng giao nhiều chức vụ, trọng trách quan trọng: Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, Bí thư Phân khu ủy Bình Trị Thiên, Bí thư Liên khu ủy Khu IV, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Quân ủy Miền - Chính ủy quân giải phóng miền Nam, Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phó Bí thư Tổng Quân ủy Trung ương, Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị. Ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn kiên quyết, năng động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đồng thời, có những quyết sách đúng đắn trong những thời điểm khó khăn nhất của cách mạng.
Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Huế được gia đình tổ chức khánh thành và mở cửa đón khách tham quan nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày mất của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (6.7.1967 - 6.7.2022). Bảo tàng có nội dung trưng bày phong phú, khoa học, hiện đại, hứa hẹn sẽ là một điểm tham quan, học tập, nghiên cứu hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Không gian trưng bày của bảo tàng sẽ tập trung ở 6 chủ đề với tổng số tài liệu, hiện vật, hình ảnh trưng bày là 395. Bảo tàng sẽ mở cửa đón khách tham quan vào các ngày trong tuần (trừ Thứ Hai), trong đó: từ Thứ Ba đến Thứ Năm sẽ đón khách từ 9h-11h30 và từ 14h đến 16h10; từ Thứ Sáu đến Chủ Nhật đón khách từ 9h đến 11h30 và từ 14h đến 20h.
Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có nội dung trưng bày phong phú, khoa học hứa hẹn hấp dẫn khách tham quan
Bức tượng khắc hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đang bàn chiến lược
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đi vào hoạt động, cùng với hệ thống di tích lưu niệm liên quan đến Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Thừa Thiên Huế sẽ trở thành những địa chỉ để tham quan, du lịch hấp dẫn, là nơi giáo dục truyền thống, nâng cao lòng yêu nước và tinh thần cách mạng cho mọi thế hệ; đồng thời cụ thể hóa quan điểm xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường và thông minh định hướng Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Trước đó, vào sáng cùng ngày, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với cách mạng Thừa Thiên Huế (1937-1949)”. Hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng- Văn hóa Trung ương; Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cùng gần 100 đại biểu đến từ nhiều cơ quan từ Trung ương và địa phương, các nhân chứng lịch sử...
Hội thảo khoa học "Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với cách mạng Thừa Thiên Huế 1937- 1949"
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh (1914-1967), tên khai sinh là Nguyễn Vịnh, sinh ra trong một gia đình nghèo tại thôn Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 20 tuổi, đồng chí Nguyễn Chí Thanh bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Tháng 7.1937, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau đó, Xứ ủy giới thiệu đồng chí Nguyễn Chí Thanh tham gia Tỉnh ủy Thừa Thiên, đến tháng 3 năm 1938, đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên.
Từ năm 1937-1949 với vai trò là Bí thư Xứ ủy, Bí thư Phân khu ủy, Liên khu ủy, Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có nhiều đóng góp quan trọng với phong trào cách mạng Thừa Thiên Huế.
Hội thảo lần này đã nhận được 26 tham luận của 32 tác giả ở Trung ương và địa phương. Đây là những tài liệu quan trọng, đóng góp, nhằm làm rõ thêm về thân thế và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ thêm các nội dung, như: quá trình hoạt động và những đóng góp của đồng chí Nguyễn Chí Thanh với cách mạng Thừa Thiên Huế trong giai đoạn 1937-1949; những đóng góp của đồng chí Nguyễn Chí Thanh trên các lĩnh vực và vận dụng bài học trong sự nghiệp cách mạng hiện nay; phát huy giá trị di sản về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trên quê hương Thừa Thiên Huế... H<>< span="">ội thảo lần này là cơ sở quan trọng, mang nhiều ý nghĩa, bổ sung thêm những tài liệu giá trị về Đại tướng cho Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Thừa Thiên Huế.<>
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, khẳng định: Trong thời gian hoạt động cách mạng tại tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất; phấn đấu trọn đời cho lý tưởng của Đảng; một lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đồng chí đã tỏ rõ phẩm chất của một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo gương mẫu, giàu nghị lực và bản lĩnh; một tấm gương sáng ngời của người cộng sản kiên trung. Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế luôn tự hào về đồng chí Nguyễn Chí Thanh, người chiến sĩ kiên trung trọn đời vì dân vì nước, một con người đạo đức “sáng trong như ngọc”. Những năm hoạt động tại quê hương, đồng chí đã cống hiến và để lại những tình cảm sâu đậm.
Hội thảo cũng là một trong những sự kiện nhân kỷ niệm 55 năm ngày mất của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Hội thảo là một sự kiện có ý nghĩa nhân kỷ niệm 75 năm Hội nghị Tỉnh ủy tổ chức tại làng Nam Dương, nay thuộc xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền (1947-2022), là hội nghị có tính chất quyết định với cách mạng Thừa Thiên Huế; kỷ niệm 55 năm ngày mất của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (6.7.1967- 6.7.2022) và nhân khai trương Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Huế...
TS.Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, có nhiều di tích liên quan đến Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Huế là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Có thể kể đến di tích cấp quốc gia Nhà lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền; di tích quốc gia cơ quan Xứ ủy Trung kỳ 1938-1939 tại đường Phan Đăng Lưu, phường Đông Ba, TP.Huế; Nhà lao Thừa Phủ tại đường Lê Lai, phường Vĩnh Ninh, TP.Huế; di tích địa điểm Hội nghị Nam Dương tại xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền...
“Chính quyền địa phương cần phối hợp cùng nhà trường lựa chọn những di tích liên quan đến Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở Huế có tầm quan trọng và mang nhiều ý nghĩa lịch sử cách mạng để đưa vào chương trình phong trào “Nhà trường tích cực, học sinh thân thiện”, tổ chức các đợt tham quan thực tế, sinh hoạt ngoại khóa...góp phần giáo dục tư tưởng, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, và niềm tự hào truyền thống cách mạng dân tộc trong thế hệ trẻ. Đồng thời, qua đó cũng tạo môi trường cho học sinh sinh viên tìm hiểu, học tập và góp phần tham gia bảo vệ di tích”, ông Phan Thanh Hải nêu ý kiến.
Bài, ảnh: SƠN THÙY