Miếu Tiên cô, chuyện lạ có thật ở Nghệ An
VHO - Trên núi Mộ Dạ bên quốc lộ 1 thuộc địa phận xã Diễn An, huyện Diễn Châu (Nghệ An) xuất hiện ngôi miếu có tên Tiên cô. Nhưng ngôi miếu này ai làm, từ lúc nào và thờ ai… là những câu hỏi khiến nhiều người quan tâm. Chúng tôi lên núi Mộ Dạ, mới hay ngôi miếu đang được “khoác” vào mình những ảo ảnh kỳ dị.
Ngày 18.9, chúng tôi tiếp cận ngôi miếu. Ngôi miếu cao gần 3m so với mặt đường hiện tại, chiều ngang hơn 1,5m nổi bật với màu sơn vàng, ngói đỏ, mực đen.
Dưới mái ngói hình lòng thuyền, mặt trước ngôi miếu đề chữ: Miếu Tiên cô. Phía dưới là cửa miếu trống. Hai bên có đôi câu đối: Vạn cổ anh linh phù quốc thịnh, Ức niên hách trạc hộ dân an. Bức bình phong trước miếu gắn hình con hổ vẻ mặt hung dữ. Bên trái miếu là lò gạch hóa vàng mã.
Phía dưới ghi bốn lời cảnh báo giúp người dân khi hóa vàng mã thận trọng, phòng chống cháy rừng. Cuối cùng là thông tin: “Ban quản lý Đền Cuông cùng thầy S., số điện thoại 0975xxxxx”.
“Sự tích” miếu Tiên cô
Chúng tôi ngạc nhiên nhìn thấy tấm bia đá màu xám trang trọng “đứng” im lìm trong lòng miếu. Mặt bia khắc kín chữ Hán. Bên hàng chữ to có những hàng chữ nhỏ. Trước tấm bia có tượng Phật, bát hương, chai nước khoáng và tấm “Linh miếu” trên đó ghi tên 19 tín chủ phát tâm công đức miếu Tiên cô.
Chúng tôi tìm cách liên lạc với người có trách nhiệm để tìm hiểu “sự tích” ngôi miếu mới, lạ này. Số điện thoại của thầy S. là “chìa khóa” đầu tiên.
Khi chúng tôi gọi, thầy S. nói “các anh sắm lễ, thầy từ ngã ba Diễn Châu vào giúp làm lễ”. Khoảng 30 phút sau, chúng tôi trở lại miếu, thấy thầy S. vừa đến trong bộ quần áo thầy cúng.
Sau nén nhang thơm, chúng tôi ngỏ ý muốn thầy S. cho biết sự xuất hiện của tấm bia đá. Thầy S. nói: “Trước đây, bia đá nằm cạnh chân núi Mộ Dạ, nay là tim đường quốc lộ 1.
Năm 2016, chủ thầu tên Minh thi công mở rộng đoạn đường này. Thợ của ông Minh lái máy ủi đến gần tấm bia đá thì bị sững lại, không hoạt động được.
Đoán biết bia đá thiêng nên ông Minh báo cáo chính quyền địa phương, xin đất trên núi Mộ Dạ để di chuyển tấm bia lên vị trí đang tại vị hôm nay. Sau khi tấm bia di chuyển, Công ty giao thông 470 làm công đức, xây 45 bậc xi măng và ba bức tường bao quanh tấm bia, gọi là “nhà” bảo vệ tấm bia”.
“Năm 2018, tôi sơn, sửa lại và đề chữ “Miếu Tiên cô” và viết đôi câu đối”, thầy S. nói. “Dựa vào cơ sở nào để thầy đề tên “Miếu Tiên cô”? Chúng tôi tiếp tục gặng hỏi. “Tất cả chuyện nằm trong tấm bia đá này”, thầy S. chỉ bia đá, khẳng định.
Tấm văn bia Ngự chế
Theo thầy S., nội dung trong tấm bia đá này do vua Thiệu Trị viết khi đi qua Nghệ An. Nội dung chủ yếu nói về một “huý thị” (ngày giỗ của người con gái) quê huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
Người con gái này có nhiều công trạng với triều đại, giờ an nghỉ tại đây nên được vua Thiệu Trị ghi công. Trong bia đá còn có nhiều chuyện bí hiểm khác.
Ví như chuyện cô gái chết, hóa thành đá thiêng đến mức quan quân ngoài Bắc vào Nam đánh trận phải đi xe ngựa qua đây thắp hương mộ bà, cầu đánh đâu thắng đó. Các nhà tư sản muốn giàu có cũng đi xe ngựa vào đây thắp hương mộ bà.
Trong bia cũng nói rõ chuyện Cao Biền đời nhà Đường nghe tin mộ bà thiêng nên bay bằng con diều giấy sang đây yểm cho bà mất thiêng. Một thời gian, thiên lôi đánh trúng mộ bà…
Thầy S. nói trong tấm bia đá ghi lại sự tích của bà ở Hưng Nguyên nhưng do lâu đời rồi nên bà hóa thành cô tiên. Cô tiên thì phải có miếu. Thời gian của câu chuyện trên diễn ra khoảng 30 phút, chúng tôi hỏi nhiều lần rằng, “trong bia đá này, vua Thiệu Trị có viết bài thơ Thiết Cảng không”.
Thầy S. nói: “Có thơ gì đâu…Thiết là sắt”. Nói đoạn, thầy S. giải thích qua loa: “Cảng là nước, là cảng biển”. Chúng tôi quay về thành phố Vinh mang theo nhiều hoài nghi lời thầy S. về sự tích ngôi miếu mới, lạ này.
Bởi lẽ, qua tìm hiểu ban đầu, chúng tôi đinh ninh nội dung chính do vua Thiệu Trị soạn và khắc trên bia đá là bài thơ mang tên “Thiết Cảng”. Nội dung này không hề nghe thầy S. nhắc đến khi nói về sự tích Miếu Tiên cô.
Chúng tôi tìm “chìa khóa” thứ hai là nhà nghiên cứu Trần Mạnh Cường, nghiên cứu viên thuộc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn (Sở KH&CN Nghệ An).
Sau khi nghe chúng tôi kể lại câu chuyện về thầy S, anh Trần Mạnh Cường đưa ra bài viết “Văn bia Ngự chế của vua Thiệu Trị tại Nghệ An”, đăng báo Nghệ An, năm 2012.
Bài báo thông tin, cuối năm 1842, sau khi hoàn thành lễ thụ phong tại Hà Nội, vua Thiệu Trị (1807-1847) cùng quần thần trở về kinh đô Huế. Khi đi qua kênh Sắt, nhà vua nhớ lại huyền tích năm nào liền ngự chế bài thơ “Thiết Cảng” (Kênh Sắt), ca ngợi phong cảnh cũng như nhắc lại sự tích kì bí, cho khắc lên bia đá, đặt tại bờ Đông kênh Sắt tại xã Tập Phúc, huyện Đông Thành, nay là xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Tấm bia khổ 63 x 106cm. Trán bia hình bán nguyệt, họa khắc hình đầu rồng. Xung quanh chạm các đám mây vân vũ, hoa lá trông rất uyển chuyển, thanh thoát.
Đế bia hình chữ nhật bằng phẳng. Tất cả đều mang dấu ấn đậm nét của văn bia thời Nguyễn. Lòng bia khắc bài thơ “Thiết Cảng”, thể thơ Đường luật; xen lẫn các chú thích về các sự kiện liên quan.
Phần cuối, ghi thời gian lập văn bia vào ngày tốt tháng Chạp, niên hiệu Thiệu Trị thứ 2 (Thiệu Trị nhị niên thập nhị nguyệt cát nhật) và câu chú cho biết văn bia do chính tay vua Thiệu Trị soạn (ngự chế thi nhất thủ). Tất cả văn bia gồm 14 dòng, 286 chữ.
Sau đây là nội dung bài thơ “Thiết Cảng”:
Phiên âm: Thiết cảng: Oanh hồi tiểu giản vạn phong trung/Văn đạo tiền nhân tạ hóa công/ Thiết Huyệt sơn yêu lưu lạn thạch/Thiên Uy càng khẩu thiển lưu thông/Huyền vi mạc trạng thần cơ dị/Bình thản vưu trưng thế đạo long/ Lũng Thục, Hào Hàm vô nhị tỷ/Ban sừ Triệu, Sở diệu hà cùng.
Dịch nghĩa: Kênh Sắt: Khe nhỏ chảy quanh giữa muôn ngàn ngọn núi/Nghe nói rằng người xưa mượn công của tạo hóa/Eo núi giữa huyệt Sắt vẫn còn đá nhỏ vương vãi/Cảng Thiên Uy vì thế mà kém lưu thông/ Lẽ trời thì khó biết, thần cơ thì lạ lẫm/Nhưng nay đất đai bằng phẳng, càng minh chứng cho đạo đời hưng thịnh/Vùng Lũng Thục, vùng Hào Hàm (ở bên Tàu) cũng không so sánh với đây được/ Nếu dời chỗ này sang nước Triệu, nước Sở thì cảnh đẹp vô cùng (Trần Mạnh Cường phiên âm, dịch nghĩa).
Dịch thơ: Kênh Sắt: Khe nước chảy, muôn ngàn ngọn núi/ Người xưa hay tạo hóa tạc nên/Ở nơi huyệt Sắt, eo còn đá/Thiên Uy cảng nước khó lưu thông/Lẽ trời khó biết, thần cơ lạ/Đất đai phẳng lặng, đạo trời hưng/Lũng Thục, Hào Hàm so sao được/ Ví như Triệu - Sở đẹp vô cùng (Vũ Toàn dịch).
Lời kết
Như vậy, miếu Tiên cô không có sự tích, chỉ có “vỏ” nguyên là “nhà” bảo vệ tấm văn bia, sửa sang lại. Đây là tấm bia rất có giá trị khoa học về lịch sử, văn hóa và còn nguyên vẹn, vì thế Sở VHTT Nghệ An cần có bia dẫn tích cho tấm văn bia Ngự chế này để những người quan tâm có thể hiểu rõ. Hoặc di dời tấm bia về Bảo tàng tỉnh để trưng bày, giới thiệu cho du khách tham quan, chiêm bái và nghiên cứu. Đây là cách bảo vệ, tôn vinh di tích lịch sử, văn hóa cách đây 182 năm.