Chuyện nghề ở Xóm thủ công Hội An:

Mang hơi thở hiện đại cho sản phẩm thủ công

THU HOÀI

VHO - Không gian nho nhỏ ở Xóm thủ công Hội An (phường Cẩm Nam, TP Hội An) là nơi giao thoa, kết nối, bảo tồn và dệt nên mơ ước về sự tiếp nối nghề truyền thống của những người trẻ tuổi; là sự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước để mang đến hơi thở hiện đại cho sản phẩm thủ công, phù hợp thị hiếu khách hàng nhưng vẫn bảo tồn nguyên vẹn giá trị truyền thống của nghề.

Mang hơi thở hiện đại cho sản phẩm thủ công - ảnh 1

Du khách trải nghiệm làm đồ da tại Xóm thủ công Hội An

 Đây cũng là nơi trưng bày, trình diễn, kết nối ngành nghề thủ công truyền thống của Hội An và trải nghiệm các lớp học làm sản phẩm hand-made.

Trình diễn cho du khách thưởng ngoạn

Xóm duy trì thường xuyên các lớp: Làm đồ da thủ công của Sa Tế; Điêu khắc trên da mộc của Sa Tế; Vẽ mặt nạ Hát bộ (hát tuồng) của Mặt Bộ; Làm mô hình cổ phục Việt Nam của Hồi cổ Việt Phục; Móc len thủ công của Sun Handmade; Làm phụ kiện từ vải vụn của Soi Handmade; Macrame của Thy Kin Handmade…

Chị Trương Mi Sa, người kết nối, hình thành các phiên chợ và Xóm thủ công chia sẻ: “Xóm được thành lập từ tháng 6.2023 cùng nhiều cộng sự đam mê sáng tạo ra sản phẩm làm bằng tay, mong muốn tiếp nối những gì cha ông để lại và phát triển những lĩnh vực mới trong các ngành nghề thủ công. Ban đầu Xóm ở khu vực phố cổ, sau gần một năm hoạt động thì chuyển về địa chỉ mới, tại đó tất cả các ngành nghề đều được trình diễn một cách đều đặn cho du khách thưởng ngoạn, không cần phải chờ đợi các phiên chợ định kỳ mỗi tháng một lần”.

Họa sĩ Trương Bách Tường, cha của Mi Sa là một họa sĩ nổi tiếng và được biết đến là người lưu giữ nhiều tư liệu quý về văn hóa, những ngành nghề truyền thống của Hội An. Ông là một trong những người đầu tiên ở địa phương mở ra rất nhiều lớp trải nghiệm vẽ mặt nạ Hát bộ cho những ai thích tìm hiểu và đam mê văn hóa.

Mi Sa tâm sự, cô chịu ảnh hưởng khá sâu sắc bởi người cha họa sĩ. Từ nhỏ, theo bước chân ông, cô được nghe kể, được đọc rất nhiều những nghiên cứu, sách hay về nghệ thuật, được đắm chìm trong những bức tranh đậm chất sáng tạo của giới nghệ sĩ Hội An nói riêng và cả nước nói chung.

Tác phẩm sắp đặt Sóng nước Bạch Đằng giang của họa sĩ Trương Bách Tường được nhiều người biết đến, khơi gợi cảm hứng, tình yêu với nghệ thuật. Đây cũng là tác phẩm tạo nhiều cảm hứng nhất, khơi gợi niềm đam mê với mặt nạ Hát bộ của Mi Sa. “Trải qua nhiều bộn bề của cuộc sống, mặc dù mang trong mình niềm đam mê khó tả với mặt nạ tuồng, nhưng tận đến năm nay mình mới quyết định tập trung nghiên cứu và phát triển đề tài này trong các workshop của mình”, Mi Sa tâm sự.

Mang hơi thở hiện đại cho sản phẩm thủ công - ảnh 2

 Họa sĩ Bách Tường giới thiệu về mặt nạ Hát bộ điêu khắc trên da

Yêu thích nghề thủ công theo một cách sáng tạo

Tiếp nối nghiệp và niềm đam mê từ người cha, Mi Sa đã xây dựng lại các lớp trải nghiệm vẽ mặt nạ Hát bộ trên giấy bồi với tên gọi Mặt Bộ tại Xóm thủ công Hội An. Bên cạnh đó, cô cũng học hỏi, sáng tạo thêm trải nghiệm mặt nạ khắc da với những lớp điêu khắc trên da.

Tại không gian mới của Xóm thủ công, du khách có thể đến các lớp workshop làm đồ da thủ công, điêu khắc trên da mộc của Sa Tế để hiểu và trải nghiệm cách làm ra một sản phẩm nhiều hơn là mua sản phẩm có sẵn. Ở đó, du khách được tận mắt chiêm ngưỡng những sản phẩm làm bằng tay độc đáo, những nguyên liệu truyền thống của nghề da Hội An được gia đình Mi Sa cất công sưu tầm.

Hữu Nguyễn, chủ nhân của tiệm chế tác đồ da Sa Tế Leatherworkshop là kỹ sư điện nhưng lại trót đam mê với nghề da thủ công, mở cửa tiệm từ năm 2018 ở Phố cổ Hội An. Hữu Nguyễn chính là chồng của Mi Sa, con rể của họa sĩ Trương Bách Tường, là người đem đến nhiều cảm hứng để Mi Sa theo đuổi bộ môn điêu khắc trên da.

Bằng kiến thức và niềm đam mê, Mi Sa đang trong quá trình thử nghiệm sự kết hợp điêu khắc trên da mộc với mặt nạ tuồng để tạo nên những tác phẩm mới. Và họa sĩ Trương Bách Tường cũng đang bắt đầu khám phá, học về điêu khắc để sáng tạo nên những mặt nạ Hát bộ trên chất liệu da mộc từ chính con gái và chàng rể của mình.

Họa sĩ tâm sự: “Tôi là người mê tìm hiểu, mê đọc, mê viết. Tôi đọc bất kỳ lúc nào có thể. Rảnh rỗi là tôi lại ngồi la cà nghe mấy người lớn tuổi kể chuyện Hội An xưa. Chuyện hay quá, tôi nghĩ mình không ghi lại cũng uổng và Facebook là nơi giúp tôi chia sẻ những câu chuyện mình ghi lại được. Hai cuốn sách Hội An loanh quanh chuyện phố Hội An một thời du lịch in trong hai năm 2020, 2021 là kết quả của những chuyện tôi nghe và ghi lại. 58 mùa lá rụng tôi mới đi bái sư học nghề, nhưng đó cũng là chuyện vô cùng bình thường. Nhưng ngặt cái, tui học nghề khắc da từ con gái, nên “hack” não nhất là chuyện xưng hô, con gái hay sư phụ”, họa sĩ Trương Bách Tường hóm hỉnh.

Cũng tại không gian mới này, nhiều ý tưởng mới được các bạn trẻ bắt tay vào triển khai với ước mơ góp phần phát huy, giới thiệu những nghề thủ công truyền thống của Hội An đến với du khách, những người yêu thích nghề thủ công theo một cách sáng tạo, dễ tiếp cận, phù hợp với xu hướng, thị trường của đời sống hiện đại nhưng vẫn không đánh mất sự độc đáo, bản sắc của nghề.

Tại đây còn có lớp học về cổ phục Việt Nam đầu tiên của Hội An do Mi Sa và một người bạn khởi xướng để các du khách, những ai yêu thích cổ phục Việt có thể trải nghiệm cùng khám phá, học cách may đo và mang về những món quà lưu niệm xinh xắn.