Hồi cổ Việt Phục:
Câu chuyện nghề may Hội An
VHO -Đam mê tìm hiểu văn hoá, thời trang, hai cô gái trẻ đã kết hợp với nhau gầy dựng thương hiệu sản phẩm được lấy ý tưởng từ những cổ phục Việt Nam, kết hợp với xu hướng thời trang hiện đại.
Lớp trải nghiệm cổ phục Việt Nam với chủ đề Hồi cổ Việt Phục tại Xóm thủ công Hội An (số 6 Lương Như Bích, phường Cẩm Nam, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) là lớp học về cổ phục Việt Nam đầu tiên có mặt tại Hội An.
Không chỉ được nghe giới thiệu, tìm hiểu về những cổ phục Việt Nam, du khách còn có thể trải nghiệm, cùng học và tự tay làm ra một chiếc cổ phục Việt Nam.
Thú vị hơn, sau trải nghiệm, món quà du khách mang về không chỉ là một món hàng lưu niệm, mà cùng với đó là những kiến thức, nghiên cứu được chia sẻ tại workshop về trang phục Việt Nam.
Được thành lập vào đầu năm 2024, bởi hai cô gái là chủ cửa tiệm MONG.DUU và EMMA. Bước ra từ ngôi trường đào tạo về thời trang, hai cô gái trẻ cùng chung niềm đam mê tìm hiểu văn hoá, thời trang.
Họ quyết định kết hợp với nhau để tạo nên một thương hiệu Hồi cổ Việt Phục mà tại đó sản phẩm được lấy ý tưởng từ những cổ phục Việt Nam, kết hợp với xu hướng thời trang hiện đại.
“Bằng những buổi workshop được tổ chức thường xuyên tại Xóm thủ công Hội An, Hồi cổ Việt Phục luôn mong muốn gìn giữ và lan toả những giá trị của cổ phục Việt Nam, cũng như mang lại cho du khách những trải nghiệm làm ra một chiếc cổ phục, chia sẻ những kiến thức độc đáo của cổ phục Việt Nam”, Trương Mi Sa, một trong hai cô gái khởi sinh ý tưởng chia sẻ.
Theo dòng lịch sử, thời kì Bắc thuộc kéo dài suốt 1000 năm trên nước Việt nên trong thời kì này, người Việt đã tiếp nhận và cải biên nhiều thành tố của văn minh Trung Hoa trong đó có trang phục.
Trang phục thời phong kiến được chia thành hai loại hình: cung đình và dân gian. Các kiểu dáng trang phục từng lưu hành trong cung đình và dân gian Việt Nam đa phần đều là dạng áo xẻ tà ở hai bên sườn.
Theo Mi Sa, sự khác biệt của các dạng áo này chủ yếu ở phần cổ áo. Cổ đan chéo: giao lĩnh, trực lĩnh; Cổ tròn: đoàn lĩnh, viên lĩnh; Cổ cong vuông: phương lĩnh, khúc lĩnh; Cổ đứng cài khuy: thụ lĩnh.
Dựa vào cuốn “ Ngàn năm áo mũ” của Trần Quang Đức và một số kiến thức góp nhặt từ nhiều nguồn khác nhau, Hồi cổ Việt Phục phục dựng lại một số hình ảnh áo mũ” của người Việt giai đoạn 1009 - 1945.
Về kiểu dáng, tuân thủ theo quy cách trang phục của người xưa. Về màu sắc, sử dụng những tone màu hiện đại, có hoặc không theo quy chuẩn của cha ông.
Tại các workshop ở Xóm thủ công Hội An giới thiệu 7 mẫu trang phục được đánh giá cao về mặc cấu trúc và lịch sử, gồm: áo nhật bình; áo tứ điên; áo giao lĩnh; áo tứ thân; áo tứ thân; áo bà ba; áo dài.
Trong đó áo dài và áo bà ba, hai loại trang phục được sử dụng và cách tân đến tận ngày nay.