Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ 3 tỉnh Sóc Trăng-Bạc Liêu-Cà Mau năm 2024
VHO - Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng phối hợp UBND huyện Mỹ Xuyên tổ chức Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ 3 tỉnh Sóc Trăng-Bạc Liêu-Cà Mau lần thứ XVIII năm 2024.
Chương trình nằm trong hoạt động thực hiện giao ước và kế hoạch phối hợp luân phiên tổ chức đăng cai Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ giữa các Sở VHTTDL 3 tỉnh Sóc Trăng-Bạc Liêu-Cà Mau.
Bên cạnh đó, nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO ghi danh.
Ông Lâm Thanh Dũng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng, Phó Trưởng BTC chia sẻ: Từ lâu, nghệ thuật Đờn ca tài tử đã trở thành linh hồn của văn hóa dân gian Nam Bộ, là món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều gia đình, là nhịp cầu nối giữa các thế hệ đam mê nghệ thuật.
Với văn hóa đa dạng của cộng đồng ba dân tộc Kinh-Khmer-Hoa, Sóc Trăng đã khéo léo hòa quyện các yếu tố đặc trưng của dòng nhạc Đờn ca tài tử, từ những câu vọng cổ ngọt ngào đến những cung điệu Bắc, Nam, Hạ, Oán đã làm cho Nghệ thuật Đờn ca tài tử mãi là dòng chảy nghệ thuật êm dịu đi cùng năm tháng.
Theo ông Lâm Thanh Dũng, Liên hoan lần này không chỉ là một sân chơi nghệ thuật vô cùng thiết thực để các tài tử đờn, tài tử ca của 3 tỉnh được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, cùng giữ gìn và phát huy ngọn lửa đam mê âm nhạc dân gian truyền thống của dân tộc mà còn là dịp để mỗi người cảm nhận được sức sống mãnh liệt của nghệ thuật Đờn ca tài tử, thể hiện lòng yêu mến, trân trọng đối với di sản quý báu mà ông cha để lại.
Ông Lâm Hoàng Viên, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Sóc Trăng, thành viên BTC cho biết thêm, Liên hoan lần này thu hút 80 nghệ nhân, tài tử ca, tài tử đờn, đến từ 4 đội Đờn ca tài tử tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Cà Mau, tỉnh Bạc Liệu và huyện Mỹ Xuyên.
Chủ đề Liên hoan ca ngợi Đảng, Bác Hồ, truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước; ca ngợi về những thành tựu trong công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế-văn hoá-xã hội của địa phương; nêu gương điển hình người tốt, việc tốt trong xây dựng môi trường sinh hoạt văn hoá lành mạnh tại mỗi địa phương.
Về thể loại, các Đội Đờn ca tài tử sử dụng 20 bài bản tổ của dòng âm nhạc tài tử Nam bộ gồm: Bắc, Nam, Hạ, Oán; vọng cổ: nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32; chọn một trong các điệu thức trên để ca ra bộ; nhạc độc tấu, song tấu hoặc hòa tấu. Thời gia thi diễn của mỗi đội tối đa không quá 40 phút.
Đối tượng dự thi là tài tử đờn, tài tử ca trong các CLB Đờn ca tài tử đang tham gia phong trào Đờn ca tài tử Nam Bộ ở 3 tỉnh Sóc Trăng-Bạc Liêu-Cà Mau và huyện Mỹ Xuyên.
Mỗi tài tử đờn, tài tử ca chỉ được tham gia 1 đội. Mỗi đội được phép sử dụng 1 tài tử ca thi diễn tối đa 2 tiết mục trong chương trình. Ban nhạc của mỗi đội phải có từ 3 nhạc cụ trở lên: đàn Kìm, đàn Cò, đàn Tranh, đàn Guita phím lõm…
Các tài tử đờn, tài tử ca đoạt giải nhất, huy chương vàng liên hoan cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc; các nhạc sĩ, diễn viên các đơn vị hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp trong các đoàn cải lương không được tham gia.
Theo BTC, thông qua Liên hoan nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 84 năm ngày Khởi nghĩa Nam Kỳ-Hòa Tú (23.11.1940-23.11.2024); Kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23.11; tiến tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22.12.1944-22.12.2024).
Chương trình còn nhằm góp phần tôn vinh, phát huy những tinh hoa của loại hình âm nhạc truyền thống dân tộc; tạo điều kiện cho các nghệ nhân, tài tử đờn, tài tử ca đang sinh hoạt trong các CLB có dịp gặp gỡ, trao đổi học tập kinh nghiệm để nâng cao khả năng chuyên môn.
Sau lễ khai mạc là phần thi diễn của đơn vị chủ nhà tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Cà Mau. Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ lần thứ XVIII diễn ra từ ngày 21-23.11.2024 tại sân Đình Hòa Tú, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.