Lễ hội Đền Lục Giáp đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

THANH HÀ

VHO - Sáng 23.6, tại phường Đắc Sơn, TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, UBND TP Phổ Yên đã tổ chức lễ công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Lễ hội đền Lục Giáp. Dự buổi lễ có Phó Cục trưởng Cục Di sản (Bộ VHTTDL) Nông Quốc Thành; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Bình; lãnh đạo TP Phổ Yên và đông đảo bà con nhân dân.

Lễ hội Đền Lục Giáp đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - ảnh 1
Thừa uỷ quyền Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Phó Cục trưởng Cục Di sản Nông Quốc Thành trao Quyết định công nhận Lễ hội đền Lục Giáp thuộc Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Đắc Sơn, TP. Phổ Yên

Ngày 1.4.2024, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ký Quyết định đưa Lễ hội đền Lục Giáp, phường Đắc Sơn, TP. Phổ Yên vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Qua đó, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội này.

Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ VHTTDL. Thừa uỷ quyền Bộ trưởng Bộ VHTTDL, lãnh đạo Cục di sản văn hóa trao Quyết định công nhận Lễ hội đền Lục Giáp thuộc Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Đắc Sơn, TP. Phổ Yên.

Đền Lục Giáp còn được gọi là Miếu Vật, nằm bên bờ tả ngạn Sông Công, thuộc phường Đắc Sơn, cách trung tâm TP Phổ Yên 4 km về phía Tây. Đền Lục Giáp có tên chữ là Sơn Cốt Lục Giáp linh từ. Vốn xa xưa đền chỉ là một ngôi miếu nhỏ. Qua quá trình lịch sử được nhân dân địa phương trùng tu, tôn tạo mở rộng thành ngôi đền Lục Giáp như ngày nay. Đền Lục Giáp là một di tích lịch sử - văn hóa mang ý nghĩa là tâm điểm tiêu biểu kết nối với các di tích xung quanh tạo nên quần thể di tích thuộc phường Đắc Sơn bao gồm: chùa Phung - đền Lục Giáp - đình Sơn Cốt - chùa Long Sơn - Nghè Bến (Đình Bến) thuộc làng Lục Giáp xưa (6 giáp gồm: Dương, Thượng, Hạ, Đấp, Đinh và Mũn) thuộc 2 xã: Sơn Cốt, Cốt Ngạnh, tổng Hoàng Đàm, ngày nay thuộc đất phường Đắc Sơn và một phần phường Ba Hàng, thành phố Phổ Yên. Nhân dân ở 2 địa phương này vẫn duy trì lệ giao hiếu, cùng thờ chung vị thần ở đền Lục Giáp.

Lễ hội Đền Lục Giáp đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - ảnh 2
Nghi thức dâng lễ

Đền Lục Giáp thờ 8 vị thần: Ngộ Lão Linh ứng đại vương, Duyên Bình công chúa, Đại La công chúa, Nhất Lang Đô Ty đại vương, Nhị Lang Đại Liệu đại vương, Duyên Giang Quý Minh đại vương, Quý Minh đại vương, và Tiến sĩ Đỗ Cận - đại thần nhà Lê (thế kỷ XV). Các vị thần được thờ ở đền được coi là các vị tối linh thiêng, thường ban phúc lành, âm phù, trợ giúp cho nhân dân được bình yên, hạnh phúc.

Đền Lục Giáp còn có tên là Miếu Vật. Tương truyền gắn với một sự tích rằng có vị tướng khi qua vùng này đã cho tổ chức đấu vật tại đền để tuyển lính tòng quân giết giặc và đã được thần âm phù nên đi chiến đấu đều giành chiến thắng. Xưa, đền có 19 đạo sắc phong, sớm nhất là từ đời vua Đức Long thứ 2 (1630), muộn nhất là đời vua Khải Định thứ 9 (1924) và 1 tấm bia đá ghi công đức niên đại Lê Cảnh Hưng (thế kỷ XVIII).

Năm 1938, đền Lục Giáp được nhân dân 6 giáp trùng tu. Nhân dịp đó nhân dân mở hội lớn gọi là Trùng hoa hội (hội có bắn pháo hoa). Năm 1993, Đền được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2020, đền Lục Giáp được đầu tư tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí trên 23 tỉ đồng, chia làm 2 giai đoạn. Đến năm 2022, công trình hoàn thành giai đoạn 1 với kinh phí trên 11,9 tỉ đồng. Hiện, chủ đầu tư đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương triển khai giai đoạn 2.

Lễ hội Đền Lục Giáp đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - ảnh 3
Lễ hội đền Lục Giáp được tổ chức vào ngày 15.3 âm lịch hàng năm

Lễ hội đền Lục Giáp là một trong những lễ hội tiêu biểu gắn với di tích đền Lục Giáp, được Nhân dân trong vùng tổ chức vào ngày 15.3 âm lịch hàng năm. Lễ hội gồm phần lễ với các hoạt động như: Tế thần, hầu đồng, dâng hương, rước cỗ... và phần hội tái hiện các trò chơi dân gian truyền thồng. Từ nhiều năm nay, lễ hội đền Lục Giáp là điểm đến văn hóa thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và du khách thập phương tham dự.

Trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, Lễ hội đền Lục giáp không chỉ khơi dậy niềm tự hào về quê hương, giữ gìn bảo tồn và phát huy giá trị di sản của dân tộc, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa xã hội tại địa phương khi góp phần đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương Phổ Yên có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời đến với mọi miền Tổ quốc.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Bình ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP. Phổ Yên, phường Đắc Sơn cũng như các sở, ngành, đơn vị liên quan trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa đền Lục Giáp và lễ hội đền Lục Giáp.

Lễ hội Đền Lục Giáp đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - ảnh 4
Nghi thức tế lễ

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đề nghị các Sở, ban, ngành, UBND TP. Phổ Yên tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân phường Đắc Sơn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể lễ hội đền Lục Giáp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội. Đồng thời khuyến khích tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu sâu, bảo quản và giới thiệu di sản văn hóa; nâng cao năng lực cho cộng đồng về kỹ năng đón tiếp và phục vụ khách thăm quan, du lịch; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cho thành viên Ban Quản lý di tích.

"Nhân dân phường Đắc Sơn tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của lễ hội đền Lục Giáp, coi đó là niềm tự hào và trách nhiệm của mỗi người dân; tích cực tham gia và hỗ trợ các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội...", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc