Lần đầu tiên tổ chức lễ tế Đàn Âm Hồn theo nghi thức cung đình
VH- Ngày 6.7 (nhằm ngày 23.5 âm lịch), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức lễ tế Đàn Âm Hồn tại số 73 Ông Ích Khiêm, phường Thuận Hòa, TP. Huế. Đây là lễ tế nhân tưởng nhớ đến sự kiện thất thủ kinh đô cách đây đúng 133 năm.
Bàn dâng lễ của lễ tế Đàn Âm Hồn
Lần đầu tiên lễ tế được thực hiện theo nghi thức của triều đình nhà Nguyễn đã được ghi lại trên châu bản dưới thời vua Duy Tân. Lễ tế được tổ chức vào rạng sáng, với đầy đủ bài vị của thổ công, bài vị của nam-phụ-lão-ấu, của binh sĩ... cùng với lễ vật hiến tế: trâu, dê, lợn, ngô, cháo hoa…
Lễ vật hiến tế với trâu, dê, lợn…
Thực hiện nghi lễ triều đình xưa tại lễ tế Đàn Âm Hồn sáng ngày 6.7.
Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tham dự với tư cách là chủ bái. Ngoài ra, còn có đại diện các ban ngành địa phương và Hội đồng Nguyễn Phước tộc. Sau lễ tế, nhiều người dân cùng các du khách cũng đến dâng hương tại Đàn Âm Hồn.
Ông Nguyễn Dung- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tế lễ với vai trò chủ bái, cùng đại diện các ban ngành của tỉnh.
Sau lễ tế, nhiều người dân đã dâng hương tưởng nhớ các chiến sĩ và người dân tử vong của vụ thất thủ kinh đô cách đây 133 năm.
Đàn Âm Hồn được xây dựng vào năm 1895, dưới thời vua Thành Thái. Đây là nơi được triều đình tổ chức quốc lễ hàng năm để tưởng nhớ các chiến sĩ và người dân đã tử vong trong sự kiện thất thủ kinh đô vào ngày 23.5 âm lịch, năm Ất Dậu (năm 1885).
Năm 2013, Đàn Âm Hồn đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, và được giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý. Hiện trung tâm đang nghiên cứu để có kế hoạch khai quật nền móng của di tích này, hướng đến việc trùng tu và tôn tạo lại cảnh quan của di tích Đàn Âm Hồn.
Thùy An