“Ký ức Hội An” hay “Uất ức Hội An”?

VH- Vừa chính thức công bố khai màn vào đêm 18.3, qua vài đêm diễn, chương trình nghệ thuật biểu diễn thực cảnh “Ký ức Hội An” tại Công viên chủ đề Ấn tượng Hội An, nằm trên một cồn nổi giữa sông Hoài (Hội An) đã gây ra khá nhiều tranh cãi từ đời sống đến trên mạng xã hội.

Đây là show diễn thực cảnh sở hữu nhiều kỷ lục nhất Việt Nam hiện nay được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) công nhận là “Sân khấu ngoài trời lớn nhất Việt Nam” và “Chương trình biểu diễn nghệ thuật thường nhật có số lượng diễn viên tham gia đông nhất”.

 Ngay sau những suất diễn đầu tiên, chương trình đã gặp phải những ý kiến phản ứng trái chiều xoay quanh nội dung kịch bản, thiết kế sân khấu, trang phục. Thậm chí, trên mạng xã hội, nhiều người dân Hội An còn kêu gọi “tẩy chay” vở diễn, gọi “Ký ức Hội An” là “Uất ức Hội An” vì không có gì để có thể hình dung đó là văn hóa Hội An.

“Ký ức Hội An” hay “Uất ức Hội An”? - Anh 1

 Nón, áo dài và những sợi dây đỏ trong trang phục cùng với cung cách biểu diễn gây khó hiểu cho người xem

Thất vọng hoàn toàn

Nhà văn Trần Kỳ Trung, một nhà văn nổi danh xứ Quảng, hiện đang sống tại Hội An chua xót nhận xét: Tôi đi xem. Nói thật, thất vọng hoàn toàn. “Ký ức Hội An” mà vở diễn đã tái hiện không sát với hình ảnh một thương cảng sầm uất đã từng tồn tại. Những chi tiết, trang phục, hành động của diễn viên làm khán giả mường tượng đến một xứ sở nào khác ngoài lãnh thổ VN chứ khó hình dung rằng đó là Hội An thân thương, gần gũi mà những người gắn bó với Hội An như tôi được biết.

Ông Trung dẫn chứng, ai cũng biết, Hội An là đất của người Việt. Chúa Nguyễn Hoàng là người có công mở cõi, đưa những người Việt Đàng ngoài vào sống. Thế nhưng, cả một chương trình “Ký ức Hội An” không hề nhắc đến tên ông, không một hình ảnh nhắc đến những người dân trong buổi bình minh dựng đất xây nên một Hội An thương cảng. Thay vào đó, buổi ban đầu của thương cảng Hội An trong “Ký ức Hội An” được miêu tả bằng một đôi vợ chồng và một đứa trẻ y như người dân tộc, sống trong một túp lều tranh. Chồng ra sông đánh cá, ngồi hút thuốc lào, vợ mang bụng chửa lội nước bì bõm, con chẳng có trò gì, ngoài trò “nghịch nước” rồi vợ đẻ, tiếng trẻ con khóc oe oe... Một đoàn cô gái mặc áo dài xanh đến mừng, trong lời bài hát chẳng ăn nhập gì với cảnh. Rồi cảnh người dân xây dựng Hội An. Theo tư liệu của các học giả nước ngoài thì vào thời ấy người Hội An đã làm nhiều việc lắm như ra khơi đánh cá, ra đảo xa đặt bia khẳng định chủ quyền, lên nguồn tìm nguyên liệu dệt vải, mở rộng thương cảng... Nhưng trên sân khấu chỉ thấy cảnh người vác tre, người cưa gỗ, chán chê lại nhảy xuống sông đãi “sỏi” hay “vàng”, khua nước loạn xạ,… Ông Trung cho rằng, tất nhiên không phải cái gì cũng đưa lên sân khấu nhưng ít nhất, cũng phải cho người xem biết được chuyện đó.

Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Đức Minh, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho rằng, ngay từ phần mở màn, buổi ban đầu của thương cảng Hội An với hình ảnh người phụ nữ mang bụng chửa, rồi đẻ, ông chồng đánh cá,… Thật không hiểu nổi đó là cuộc sống thời nào. Nhạc thì hiện đại, như nhạc giao hưởng. Không lẽ buổi bình minh của Hội An đơn giản, khổ sở thế sao?

“Ký ức Hội An” hay “Uất ức Hội An”? - Anh 2

 Hình ảnh cô gái Việt Nam mặc áo dài với nón lá che sùm sụp nửa khuôn mặt khiến nhiều khán giả mất thiện cảm

Chủ quan và "ngây ngô" khi phục dựng ký ức

Ông Minh chia sẻ: Tôi coi vở diễn này đến 2 lần. Và có thể khẳng định rằng dù được đầu tư hết sức hoành tráng, công phu nhưng từ kịch bản, phân cảnh dàn dựng, trang phục, kiến trúc sân khấu,… đều không phù hợp, không lột tả được cái gọi là “Ký ức Hội An”. Những người làm ra chương trình này đã quá chủ quan. Việc truyền tải được hồn văn hóa, lịch sử bằng công nghệ hiện đại là một bài toán khó. Tôi thấy giới thiệu Ban Cố vấn đều là những nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, nghệ thuật gạo cội của Việt Nam. Nhưng tại sao, nói về Hội An mà lại không thấy hỏi người Hội An về các điển tích tình yêu, các câu chuyện thời cuộc của suốt chiều dài 400 năm lịch sử của vùng đất này. Cá nhân tôi có thể khẳng định rằng vở diễn thực sự rất ngây ngô, “loạn xà bần”, “tạp pí lù”. Ngay cả hình ảnh con thuyền trên sân khấu, phía sau na ná chiếc tàu của người Hoa; phần đầu như ghe bầu của Hội An mà lá buồm thì giống của vùng Bắc Bộ.

Ông Nguyễn Đức Minh và nhà văn Trần Kỳ Trung cùng rất nhiều ý kiến của người dân Hội An trên mạng xã hội cũng đều cho rằng ở Hội An làm gì có chuyện người phụ nữ đợi chồng, hay đợi người yêu mà hóa đá. Văn hóa Hội An là văn hóa mở, người Hội An, phụ nữ Hội An cũng không hề bị gò bó, trói buộc theo mô tip, định kiến khắt khe như thế. Nếu là vợ ngư dân, họ đã xác định “Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm”… Đưa chi tiết người phụ nữ đợi người thương hóa đá vào như một chủ đề chính của “Ký ức Hội An” là không đúng.

Hay như chi tiết về đám cưới trong vở diễn. Người Hội An vẫn biết về đám cưới của Công chúa Ngọc Hoa- công chúa Chúa Nguyễn lấy thương gia Nhật Bản và theo chồng về Nhật Bản- mà sử sách vẫn còn ghi. Người Hội An tin rằng đám cưới ấy không thể nào diễn ra như trong “Ký ức Hội An”, thật là uất ức cho một Hội An xưa!

Nhà văn Trần Kỳ Trung cho biết khi xem vở diễn, hình ảnh chủ đạo, cụ thể nhất mà ông nhìn thấy trên sân khấu là những thương gia người Trung Quốc đến Hội An tư thế hiên ngang, hồ hởi như thể về nhà mình. Tiếp đến mới thấy vài thương nhân Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… và cũng chủ yếu thể hiện đến “múa hát”, vây quanh mấy thương nhân Trung Quốc. Hình ảnh thương nhân Việt Nam mờ nhạt, chỉ mấy người gánh hàng rong, chèo thuyền chở hoa quả, thả hoa đăng… qua lại. Ông Trung còn đặt câu hỏi thắc mắc vì sao trên sân khấu không hề có một dòng chữ hay hình ảnh nào nói về thương gia Nhật Bản, những người có công rất lớn góp phần xây dựng nên Hội An mà chùa Cầu là ví dụ.

Người Nhật đến Hội An ngoài việc giao thương còn học cách dệt vải, làm đồ thủ công, học cách buôn bán, nung gốm… Họ coi Hội An là quê hương thứ hai, chết cũng cũng chôn ở Hội An. Có người còn lấy vợ Hội An, khi đưa vợ về lại Nhật Bản, vợ chết, còn chế tác tượng để tưởng nhớ… Và bây giờ Nhật Bản là nước giúp nhiều cho Hội An khảo cổ, phục chế nhà cổ, xây trạm xử lý nước sông Hoài, hằng năm có gặp mặt giao lưu văn hóa… Nhưng trong “Ký ức Hội An” khi đến màn biểu diễn các thương gia nước ngoài đến Hội An, thương gia Nhật Bản vắng bóng. Việc này vô tình, hay “cố tình” quên!!!! Và liệu khi những người Nhật đến Hội An xem vở diễn gọi là “Ký ức Hội An” này, họ sẽ nghĩ thế nào về người Hội An?”, ông Trung bày tỏ.

Vấn đề trang phục của các diễn viên trong chương trình cũng là vấn đề gây khá nhiều tranh cãi, thắc mắc với các khán giả đã từng xem. Anh Tôn Thất Dũng, giảng viên Trường Cao đẳng Điện lực Hội An cho biết, anh cảm thấy rất khó chịu khi nhìn thấy những diễn viên nữ mặc áo dài trong “Ký ức Hội An” đội nón sùm sụp che ngang nửa mặt. Trên poster giới thiệu vở diễn cũng là hình ảnh như thế. Không thấy hình ảnh rạng ngời như các cô gái Việt Nam với áo dài nón lá mà ta vẫn hình dung khi nghĩ đến áo dài Việt Nam.

Một chi tiết ở phục trang của các diễn viên trong “Ký ức Hội An” mà nhà văn Trần Kỳ Trung đặc biệt thắc mắc và khá nhiều người cũng bày tỏ sự ngạc nhiên, khó hiểu trên mạng xã hội, đó chính là chiếc dây đỏ dài độ một mét, buộc vắt vẻo sau lưng những người con gái Việt Nam mặc áo dài, đội nón. Ông Trung nói thẳng: “Lần đầu tiên tôi thấy trên sân khấu người con gái Việt Nam mất hẳn mái tóc nuột nà, đen mượt mà thay vào đó là sợi dây lạ lùng, trông giống như đuôi sam của mấy ông quan triều Thanh mà tôi thấy trong phim Trung Quốc hay chiếu. Sao lại có sự “cách điệu” xuyên tạc những người phụ nữ Việt Nam đến như vậy. Đó là chưa kể những người được đóng vai cư dân Hội An toàn cởi trần, mặc quần thụng, đầu quấn khăn… giống y như người dân ở vùng Nội Mông (Trung Quốc). Còn nhiều chi tiết “lạ” trong “Ký ức Hội An” tôi không thể miêu tả hết, nhưng tôi có thể khẳng định rằng, “Ký ức Hội An” truyền đi một thông điệp về hình ảnh Trung Quốc, tinh thần Trung Quốc, biểu đạt tư tưởng Trung Quốc rất rõ ràng… Chỉ khi hình ảnh cuối cùng của “Ký ức Hội An”, họ kéo một mô hình chùa Cầu to gần bằng thật ra góc sân khấu cho mọi người chiêm ngưỡng. Lúc đó tôi mới nghĩ rằng, trên sân khấu họ đang nói về Hội An”.

“Ký ức Hội An” hay “Uất ức Hội An”? - Anh 3

Hình ảnh chiếc ghe trên sân khấu có phía sau na ná chiếc thuyền của người Hoa; phần đầu như ghe bầu của Hội An mà lá buồm thì giống của vùng Bắc Bộ

Nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm

Họa sĩ Trương Nguyên Ngã, một cư dân Hội An cho rằng “Ký ức Hội An” như một “nồi lẩu thập cẩm”, như gánh “Sơn Đông mãi võ”. Chương trình lấy thương hiệu Hội An, nếu làm tốt nâng tầm văn hóa Hội An thì không có gì đáng phàn nàn. Nhưng nếu làm không chính xác, phiến diện, hạ thấp vốn văn hóa Hội An mà người Hội An đã xây dựng, gìn giữ thì là vấn đề lớn. Chưa nói đến âm thanh đang gây hỗn loạn, mất đi cái sự yên tĩnh, cái vốn quý nhất của Hội An. Cảnh chiều chiều những con thuyền chạy trên sông với các diễn viên múa may, hát hò giới thiệu chương trình, nó không ra sân khấu hóa, không phải “hát bội” mà cũng chẳng là “cải lương”. Nó khiến người Hội An tự ái và những người thực sự yêu Hội An chắc chắn sẽ phản ứng. Hội An không cần những cái gọi là “kỷ lục” quy mô hoành tráng, cái Hội An cần là chiều sâu, sự ý nhị, trầm lắng như văn hóa mấy trăm năm của đô thị cổ này.

Trao đổi với Văn Hóa về những ý kiến trái chiều của dư luận xoay quanh vở diễn “Ký ức Hội An” có nội dung không chính xác với văn hóa Hội An, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, về phần chương trình nghệ thuật thì thành phố hoàn toàn không tham gia gì cả. Hội đồng nghệ thuật không có thành viên nào của Hội An. Kịch bản, giấy phép biểu diễn do Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội thẩm định và cấp phép.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng “Ký ức Hội An” đã thể hiện được sự đầu tư công phu, hoành tráng. Chương trình cũng góp phần làm phong phú thêm sản phẩm văn hóa nghệ thuật của Hội An vào ban đêm, góp phần giữ chân du khách lưu trú ở Hội An. Mỗi suất diễn “Ký ức Hội An” dự kiến sẽ phục vụ khoảng 3.300 khán giả nên hy vọng sẽ giữ chân được du khách ở lại Hội An, góp phần gia tăng thời gian trải nghiệm và mức chi tiêu của du khách tại Hội An.

Theo ông Sơn, chương trình này cũng chỉ vừa mới đưa vào biểu diễn phục vụ và theo kế hoạch là cứ 3 tháng sẽ thay đổi kịch bản khác. Kịch bản vẫn chưa khai thác hết chiều dài, độ sâu giá trị văn hóa lịch sử của Hội An nên nếu các nhà tổ chức lắng nghe ý kiến đóng góp, tham khảo ý kiến của các nhà văn hóa, người dân Hội An, khán giả để từ từ điều chỉnh, khắc phục thì sẽ có phản hồi tốt hơn.

Trả lời câu hỏi về việc người dân đang lo lắng liệu dự án trên cồn nổi giữa sông này có gây tác động xấu đến cảnh quan, môi trường của Hội An hay không, ông Nguyễn Văn Sơn cho biết, việc quyết định đầu tư xây dựng của dự án này do UBND tỉnh Quảng Nam quyết định hoàn toàn, phía thành phố chỉ tham gia như một thành viên. Theo ông Sơn thì khi triển khai dự án, các báo cáo đánh giá tác động môi trường của nhà đầu tư chắc chắn phải được các cơ quan chức năng thẩm định và thông qua nên mọi hậu quả xấu nếu có xảy ra thì phía nhà đầu tư phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và khắc phục hậu quả.n

 Tổng đạo diễn chương trình “Ký ức Hội An” là đạo diễn Hồng Kông Mai Soái Nguyên, được xem là một trong những “cha đẻ” của nghệ thuật biểu diễn thực cảnh. Đây là dự án hợp tác giữa Cty GHA và Cty Tập đoàn nghệ thuật Sơn Thủy Thịnh Điền (Hồng Kông) do ông Mai Soái Nguyên làm chủ tịch. Đạo diễn Mai Soái Nguyên đã tổ chức thành công 26 dự án show diễn thực cảnh quy mô lớn tại Hồng Kông, Ma Cao, Trung Quốc. Đặc biệt là show diễn Ấn tượng Lưu Tam Tỷ tổ chức tại Quế Lâm kéo dài 13 năm, quy tụ hơn 700 diễn viên, mỗi năm có khoảng hơn 1 triệu du khách tới thưởng thức chương trình.

Chương trình cũng mời Hội đồng tư vấn chuyên môn gồm gần 20 chuyên gia có tiếng trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, kiến trúc, âm nhạc…

 KHÁNH CHI

 

Ý kiến bạn đọc