Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM:
Kỷ niệm 25 năm thành lập dịch vụ phục vụ người khiếm thị
VHO - Ngày 3.12, Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM tổ chức Hội nghị kỷ niệm 25 năm thành lập dịch vụ phục vụ người khiếm thị(1999-2024) và Hội thảo “Nâng cao chất lượng phục vụ người khiếm thị trong thời đại số”.
Đến tham dự Hội nghị có Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) Kiều Thúy Nga; Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới.
Phát biểu chào mừng, Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM Lê Ngọc Hân cho biết: Từ năm 1999, dưới sự chỉ đạo của Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL), sự chấp thuận của UBND TP.HCM, sự chỉ đạo của Sở VHTT TP, Thư viện Khoa học tổng hợp đã thành lập phòng đọc cho người khiếm thị. Đây là hoạt động khởi xướng đầu tiên về dịch vụ cho người khiếm thị của hệ thống Thư viện công cộng tại Việt Nam.
Hơn 25 năm từ ngày thành lập đến nay, hoạt động phục vụ người khiếm thị của thư viện đã duy trì, phát triển và lan tỏa đến nhiều địa phương, thư viện trên phạm vi cả nước. Trong suốt thời gian qua, công tác phục vụ người khiếm thị luôn được Thư viện TP.HCM chú trọng và quan tâm đặc biệt như công tác sản xuất sách nói, sách minh họa nổi, sách chữ nổi.
Công tác phục vụ văn hóa đọc cho người khiếm thị được triển khai dưới nhiều hình thức khác nhau, mang lại hiệu quả thiết thực thông qua công tác phục vụ tại thư viện và qua các chuyến xe thư viện số lưu động đến các mái ấm, nhà mở, trường chuyên biệt, những nơi có nhu cầu.
Những hoạt động này đã góp phần mang lại cơ hội tiếp cận thông tin, kiến thức cho người khiếm thị, giúp họ hòa nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống để từ đó có thể nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Bên cạnh công tác phục vụ, Thư viện TP.HCM còn chủ động phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước tổ chức các lớp tập huấn, đẩy mạnh công tác xã hội hóa để thực hiện tốt nhất công tác phục vụ văn hóa đọc cho người khiếm thị.
“Có được thành quả trên là nhờ sự chỉ đạo sâu sát của Vụ Thư viện, sự quan tâm của UBND Thành phố, Sở VHTT, cùng sự đóng góp vô cùng quý báu của viên chức thư viện, các tổ chức, cơ quan, cá nhân trong nước và quốc tế, sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của đội ngũ tình nguyện viên”, ông Lê Ngọc Hân bày tỏ.
Được biết, năm 2000, Thư viện nhận được sự giúp đỡ của Quỹ Force (Hà Lan) trong việc hỗ trợ xây dựng đội ngũ nhân viên có đủ kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực phục vụ người khiếm thị.
Đặc biệt giai đoạn 2000-2010, tất cả các hội thảo, tập huấn được sự phối hợp giữa Quỹ Force cùng Vụ Thư viện và Thư viện TP.HCM đã mở ra cơ hội cho những người khiếm thị được tiếp cận với kho tàng tri thức nhân loại, giảm bớt được sự thiếu hụt về kiến thức, tài nguyên thông tin phù hợp và có thể hòa nhập với cộng đồng tốt hơn.
Trong suốt hơn hai thập kỷ qua, Thư viện là đầu mối triển khai các tài trợ của Quỹ Force bao gồm tổ chức hội thảo, tập huấn, cung cấp thiết bị và sách nói cho nhiều cơ quan; xây dựng studio và tập huấn sản xuất sách nói cho các đơn vị trong và ngoài thành phố.
Từ năm 2005, Thư viện còn là đầu mối triển khai các tài trợ của Quỹ Force mở rộng dịch vụ thư viện cho người khuyết tật tại Campuchia, Lào, tập huấn kỹ thuật sản xuất sách nói cho Trung tâm sản xuất sách chữ nổi châu Phi và thư viện cho người mù tại Kazakhtan.
Từ năm 2000-2010, Quỹ Force phối hợp cùng Vụ Thư viện hỗ trợ các thiết bị chuyên dụng phục vụ người khiếm thị cho Thư viện Khoa học tổng hợp và các thư viện, tổ chức khác tại Việt Nam.
Từ năm 2003-2006, Quỹ Force hỗ trợ xây dựng 2 studio sản xuất sách nói kỹ thuật số tại Thư viện Khoa học tổng hợp, từ đó việc sản xuất sách nói được thuận tiện và nhanh chóng, cộng đồng khiếm thị tiếp cận và làm quen với loại tài liệu sách nói kỹ thuật số.
Nhóm thiện nguyện vì người khiếm thị cùng với thư viện đã cung cấp hơn 400 máy nghe sách nói (dạng mp3) cho các trường, mái ấm, thư viện, Hội Người mù tại TP.HCM và các tỉnh lân cận như Bến Tre, Đồng Nai, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bình Thuận, Kiên Giang, An Giang,…
Năm 2012, Thư viện được Quỹ Force, Tổng Lãnh sự quán Úc tặng máy in chữ nổi, năm 2022 thư viện trang bị máy mới, đã đáp ứng thêm nhu cầu in sách chữ nổi phục vụ bạn đọc và chia sẻ cho một số thư viện tỉnh có phục vụ người khiếm thị.
25 năm qua, Thư viện chủ động trong việc thực hiện việc sản xuất tài liệu cho người khiếm thị. Dịch vụ sản xuất ngày càng phát triển đa dạng về loại hình và tăng về số lượng để phục vụ nhu cầu bạn đọc khiếm thị không chỉ ở TP.HCM mà trên phạm vi toàn quốc.
Đến nay, Thư viện đã phục vụ trên 75.000 lượt bạn đọc khiếm thị (bao gồm 226 chuyến lưu động). Thư viện cũng đã thiết lập 12 Góc thư viện (Mini Lib) tại TP.HCM và các tỉnh.
Cũng trong Lễ kỷ niệm Kỷ niệm 25 năm thành lập dịch vụ phục vụ người khiếm thị(1999-2024), Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng phục vụ người khiếm thị trong thời đại số” nhằm nhận được những ý kiến đóng góp thiết thực của lãnh đạo, chuyên gia, những người gắn bó lâu năm và tâm huyết với hoạt động phục vụ người khiếm thị, góp phần thúc đẩy công tác phục vụ người khiếm thị ngày càng phát triển, mở ra những hướng đi mới, hiệu quả và bền vững hơn.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ các tổ chức, đơn vị về hoạt động, dịch vụ phục vụ người khiếm thị; thông tin về các loại sản phẩm và dịch vụ thông tin phục vụ người khiếm thị; về nhu cầu đọc, tiếp cận thông tin của người khiếm thị.
Bên cạnh đó, các đại biểu thảo luận về công tác chuyển đổi số trong công tác phục vụ người khiếm thị; đề xuất các giải pháp cải tiến chất lượng phục vụ người khiếm thị; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc cung cấp dịch vụthông tin cho người khiếm thị…
Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động kỷ niệm 25 năm ngày thành lập dịch vụ người khiếm thị, Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM tổ chức triển lãm hình ảnh hoạt động dịch vụ người khiếm thị, các sản phẩm thay thế do Thư viện thực hiện, các trang thiết bị công nghệ liên quan công tác phục vụ người khiếm thị. Triển lãm diễn ra từ ngày 3-20.12.2024.