Văn hóa Huế: Cần nhiều thay đổi để vươn mình

Kỳ 1 - Nhiều thách thức đón chờ

THUỴ BẤT NHI

VHO - Hôm nay, ngày 1.1.2025, TP. Huế chính thức được công nhận là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, một kết quả đáng mừng sau nhiều năm vận động phấn đấu của địa phương, để đạt các chỉ tiêu cần thiết. Nhưng trong những lợi thế phát triển, văn hóa được xem là thế mạnh căn cơ, lại vẫn đang còn nhiều vướng mắc, hạn chế.

Làm sao thay đổi thực trạng này, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế văn hóa bản địa để thực sự phát huy vị thế mới, với câu hỏi này Văn Hóa đã có cuộc trao đổi cùng ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT TP Huế.

Ông Phan Thanh Hải cho biết, dù được xem là một trong những vùng đất bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa di sản, nhưng thực tế, Huế vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Thứ nhất, việc bảo tồn, phát huy những giá trị cốt lõi của văn hóa di sản Huế là “các hệ giá trị Văn hóa – Con người Huế” đang gặp nhiều thử thách. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và thời đại công nghệ, thời đại số, việc gìn giữ bản sắc văn hóa riêng luôn phải giải mở mâu thuẫn. Làm sao để phát triển hài hòa các hệ giá trị, vừa tương thích bối cảnh đương đại; để thực sự trở thành chỗ dựa, là nguồn lực phát triển?. Đây là thách thức rất lớn, cần có tầm nhìn chiến lược và những giải pháp xử lý phù hợp.

Kỳ 1 - Nhiều thách thức đón chờ - ảnh 1
Việc trùng tu, bảo tồn các giá trị trong quần thể di sản Cố đô Huế đã được quan tâm

Thứ hai, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, luôn gắn với phát triển đô thị. Nhưng hiện nay, dù quy hoạch chung tỉnh Thừa Thiên Huế và phát triển đô thị Thừa Thiên Huế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì quy hoạch quần thể di tích cố đô Huế vẫn chưa hoàn thiện và chưa được phê duyệt. Công tác quy hoạch và đầu tư, quản lý khai thác các di tích vẫn chưa đáp ứng kịp với thực tiễn, một số di tích, nhất là các di tích ngoài quần thể Cố đô đã và đang bị xuống cấp, biến dạng, thậm chí bị bỏ quên khi phát triển đô thị, kinh doanh các dịch vụ.

Thứ ba, vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, thực tế vẫn chưa có sức hút đối với các nhà đầu tư. Công tác xã hội hoá về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa còn có tỉ lệ thấp. Điều này liên quan đến một số cơ chế, quy định pháp luật Nhà nước, vẫn chưa thật sự phù hợp với thực tiễn phát triển văn hóa xã hội. Có nhiều tác động tiêu cực, do hoạt động của cộng đồng gây ra, xuất phát từ áp lực về phát triển kinh tế, tốc độ đô thị hóa, cùng những nhu cầu của cuộc sống hiện đại, đang ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản Cố đô Huế.

Thứ tư, tiến độ triển khai các công trình, dự án trong lĩnh vực văn hóa, di sản nhìn chung vẫn chưa đạt yêu cầu tiến độ. Nhiều hạng mục di sản quan trọng, cấp thiết cần được triển khai, nhưng do chưa xác định được nguồn vốn, vẫn chưa thể can thiệp bảo tồn kịp thời. Nhu cầu vốn đầu tư bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa là rất lớn, song khả năng cân đối hằng năm từ ngân sách các cấp còn thấp. Đồng thời, địa phương cũng không đảm bảo đủ nguồn vốn để trùng tu, bảo tồn kịp các công trình đang xuống cấp nguy hiểm, nhất là các di tích nằm ngoài quần thể di tích Cố đô.

Thứ năm, để bảo tồn, phát huy di sản một cách bền vững, cần phải tổ chức hoạt động gắn liền với định hướng bảo tồn bền vững môi trường tự nhiên, xã hội. Song đến nay, việc quy hoạch và xử lý nhiều vấn đề về môi trường tự nhiên, xã hội tại Thừa Thiên Huế vẫn chưa thể thông suốt, vì do mật độ các di tích rất cao, quy mô nhiều di tích rất lớn, tình trạng người dân sống chung trong vùng di tích rất phổ biến.

Kỳ 1 - Nhiều thách thức đón chờ - ảnh 2
Vẫn còn rất nhiều trở ngại trong việc bảo tồn các giá trị di sản văn hoá Huế

Thời gian qua, dù Thừa Thiên Huế đã có những dự án lớn để di dời dân cư ra khỏi vùng lõi khu di sản Kinh thành và một số di tích khác, nhưng kết quả vẫn quá khiêm tốn. Cạnh đó, việc tái tạo môi trường tự nhiên như thủy hệ Kinh thành, tổ chức trồng rừng và các loài thực vật bản địa gắn liền với địa bàn các khu di tích, nhìn chung vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Thứ sáu, việc khai thác thế mạnh giá trị của di sản Cố đô Huế vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả cao; các sản phẩm văn hóa, du lịch tương quan vẫn còn khá nghèo nàn, thiếu sự trải nghiệm tương tác cho du khách. Do đó, nguồn thu từ các dịch vụ tại các công trình di sản văn hóa còn thấp, thiếu các sản phẩm chủ lực, hàng lưu niệm đặc trưng.

Phần lớn các sản phẩm, dịch này mới tập trung vào các giá trị di sản văn hóa, công trình kiến trúc ở khu vực Đại Nội, hệ thống lăng tẩm ở Huế; vẫn còn rất nhiều giá trị di sản như nhà vườn, phủ đệ, chùa chiền... vẫn chưa được khai thác, chưa thực sự hấp dẫn, độc đáo.

Thứ bảy, mặc dù Huế nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của nhiều chính phủ và các tổ chức quốc tế về hợp tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nhưng những mô hình hợp tác này mới tập trung tu bổ một số công trình di tích cụ thể, ngắn hạn, kết hợp đào tạo nhân lực tu bổ di tích.

Cũng có một số dự án hợp tác về di sản phi vật thể, nhưng việc triển khai vẫn chậm, phần lớn xây dựng chưa thành kế hoạch, chưa có được những tầm nhìn dài hạn, kết nối mở rộng với các nội dung khác toàn diện hơn. Đặc biệt, hiệu quả hợp tác hồi hương các loại cổ vật, và liên kết truyền thông, quảng bá di sản văn hóa Huế ra thế giới vẫn còn thấp.

Với bảy vấn đề đang còn khúc mắc như vậy, theo ông Phan Thanh Hải, thành phố Huế cần phải tiếp tục vận động rất nhiều, đặc biệt phải đặt ra ngay những giải pháp liên quan đến năng lực quy hoạch, đầu tư, thu hút đầu tư đổi mới hiệu quả khai thác và bảo tồn các di sản văn hóa hiện hữu. Điều này lại vượt quá năng lực của ngành văn hóa địa phương.

Trong tư thế mới vượt lên khỏi phạm vi một thành phố thuộc tỉnh, một đô thị di sản nhưng thiếu thốn các cơ chế chủ động, TP. Huế trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, là cả một khung cửa hành động mới được mở ra. Địa phương nhất định phải nắm chắc cơ hội này, để biến những câu hỏi, khúc mắc lâu nay thành hành động cụ thể, phát huy tốt nhất những giá trị di sản văn hóa của Huế.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc