Xây dựng Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật:
Không thể chậm trễ!
VHO - Vừa qua, tại trụ sở Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã chủ trì cuộc họp, nghe báo cáo về việc tiếp thu, hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật. Tham dự cuộc họp có đại diện các Vụ Đào tạo, Vụ Pháp chế và một số cơ quan, đơn vị liên quan…
Chưa có sự đồng thuận trong tháo gỡ các điểm nghẽn
Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định, thời gian qua, những chủ trương, chính sách của Đảng trong lĩnh vực văn hóa đã được triển khai thực hiện và đi vào cuộc sống thông qua các chương trình đề án và đạt hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, một số nội dung vẫn chưa được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật, vì vậy, việc xây dựng Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật là rất cần thiết.
“Hiện các trường trung cấp nghệ thuật đang giảng dạy văn hóa theo mô hình giáo dục thường xuyên. Nếu việc học văn hóa không đảm bảo, sẽ gây khó khăn cho việc tuyển sinh cũng như đảm bảo cho người học và nhà trường tuân thủ theo quy định, có thi, có mã định danh. Bộ VHTTDL thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nước nhà”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định.
Rào cản trước tiên vẫn là quy định không phù hợp với đào tạo nghệ thuật, vì vậy, việc có những văn bản riêng đối với lĩnh vực này là rất cần thiết. Để tháo gỡ khó khăn trong việc xây dựng Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa cơ quan soạn thảo với các Bộ, ngành liên quan. Cần phải thay đổi tư duy làm luật để đảm bảo quyền lợi người học, qua đó đạt được đích đến quan trọng là tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền văn hóa nghệ thuật nước nhà…
(Thứ trưởng TẠ QUANG ĐÔNG)
Thời gian qua, Bộ VHTTDL đã kiên trì trong xây dựng dự thảo Nghị định, tổ chức nhiều cuộc họp với đại diện các Bộ: LĐ,TB&XH; GD&ĐT; Tư Pháp; Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan. Bộ VHTTDL đã đăng tải nội dung dự thảo trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ VHTTDL nhằm lấy ý kiến rộng rãi.
Theo Thứ trưởng, Luật Đại học đã được ban hành và rất hiệu quả, nhưng thực tế hiện trạng trong đào tạo tài năng của Bộ VHTTDL lại vướng mắc. “Đây là vấn đề con người nên cần thiết phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng. Các HSSV trường nghệ thuật phải đạt được trình độ văn hóa tối thiểu, điều đó phù hợp với chiến lược của Đảng, Nhà nước. Vì thế, cần thiết phải xây dựng Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật sao cho phù hợp thực tiễn và tháo gỡ được những vướng mắc”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nêu.
Tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Lê Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Thanh Sơn đã báo cáo Kết quả triển khai thực hiện Thông báo số 8/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về dự thảo Nghị định, trong đó đặc biệt chia sẻ về những vấn đề bất cập mấu chốt của cơ quan soạn thảo khi chưa tìm được sự thống nhất giải quyết.
Đào tạo nghệ thuật có tính chuyên sâu đặc thù, vì vậy, việc có những văn bản quy định riêng đối với lĩnh vực đào tạo này là rất cần thiết. Để tháo gỡ khó khăn đối với hoạt động này cần có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa Bộ quản lý ngành và quản lý theo lĩnh vực. Vì vậy, trong dự thảo Nghị định đã quy định rõ nhiệm vụ của từng Bộ, đơn vị liên quan…
Không thể chậm trễ!
Học sinh theo học các ngành nghệ thuật đều phải có năng khiếu và được tuyển chọn từ khi còn nhỏ, đào tạo liên tục trong nhiều năm và quá trình học tập có sự sàng lọc khắt khe. Vì vậy, không thể đánh đồng giữa đào tạo trung cấp chuyên nghiệp nghệ thuật 3 năm, 6 năm, thậm chí 9 năm với trung cấp 18 tháng như những ngành nghề khác.
Bên cạnh việc học chuyên môn, các em phải học đồng thời chương trình văn hóa phổ thông. Do đặc thù, có những ngành không đào tạo trình độ đại học mà chủ yếu đào tạo trình độ trung cấp. Có thể khẳng định, mô hình trung cấp nghệ thuật dài hạn từ trước đến nay đã đạt hiệu quả cao, đào tạo ra nhiều tài năng nghệ thuật cho đất nước, sáng tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật mang tầm quốc gia và quốc tế. Do đó, đào tạo lĩnh vực nghệ thuật ở trình độ trung cấp cần được tiếp tục có thời gian đào tạo từ 3 - 9 năm và được quy định trong Nghị định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật.
Từ hàng chục năm nay, tiêu chí dự thi đại học của các ngành nghệ thuật như âm nhạc, múa, sân khấu... ngoài quy định chung, thí sinh còn phải có trình độ trung cấp hoặc năng khiếu tương đương, phù hợp với ngành/chuyên môn đào tạo. Vì vậy, một số cơ sở giáo dục đại học lĩnh vực nghệ thuật đã đào tạo đồng thời các trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tốt nhất cho học sinh thực hiện cả hai nhiệm vụ: Vừa học văn hóa, vừa học chuyên môn ngay tại trường.
Đào tạo trung cấp ở lĩnh vực nghệ thuật, ngoài cung cấp nguồn nhân lực hoạt động cho xã hội, tài năng cho đất nước, đồng thời còn tạo nguồn tuyển cho chính các cơ sở giáo dục đại học. Các em luôn được đội ngũ giảng viên có học hàm, học vị; các chuyên gia, nghệ sĩ tài năng, trình độ cao, giỏi về chuyên môn, uy tín nghề nghiệp giảng dạy, nhằm phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu ngay từ khi còn nhỏ. Trên cơ sở đó đề ra phương pháp giảng dạy phù hợp nhằm phát huy tính sáng tạo, phát triển tư duy và cảm thụ nghệ thuật của người học. Vì đào tạo mang tính chất đặc thù như vậy, nên có những giảng viên giảng dạy đồng thời cùng một lúc ở cả trình độ trung cấp, đại học và sau đại học.
Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, hiện một số nước như Mỹ, Nga, Đức, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng đang đào tạo theo mô hình đào tạo trung cấp, cao đẳng trong các trường đại học, học viện. Số lượng vài trăm học sinh, sinh viên của một cơ sở đào tạo nghệ thuật là quá nhỏ so với số lượng hàng chục nghìn học sinh, sinh viên nói chung. Không thể lấy lý do đào tạo nghệ thuật chỉ là số ít nên khó quy định, hoặc không quy định, thậm chí áp các em học như những lĩnh vực đào tạo khác. Bộ VHTTDL sẽ không xây dựng dự thảo Nghị định với quan điểm “đánh đồng” như vậy!
Trong các cuộc họp trao đổi về xây dựng dự thảo Nghị định, đại diện của các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan nhận thấy vướng mắc đều liên quan đến vấn đề mấu chốt là các văn bản quy định pháp luật về giáo dục chưa thực sự cụ thể đối với các ngành đào tạo năng khiếu nghệ thuật. Trách nhiệm của cơ quan soạn thảo cũng như các Bộ, ngành là làm sao đảm bảo quyền lợi của người học trong quá trình xây dựng Nghị định. Bản thân những người tham gia soạn thảo văn bản cũng cần đặt mình vào vị trí của học sinh, phụ huynh có con theo học ngành nghệ thuật để thấu hiểu hơn những khó khăn và vì sao ngành nghệ thuật nước nhà lại ít người theo học!