Di sản Thiên nhiên Thế giới "Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Việt Nam) và Vườn quốc gia Hin Nam Nô (Lào)":

Biểu tượng quan hệ hữu nghị đặc biệt

LÂM SƠN - HÀ AN

VHO - Tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới đã thông qua Quyết định phê duyệt việc điều chỉnh ranh giới đáng kể của Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Trị, Việt Nam) để bao gồm Vườn quốc gia Hin Nam Nô (Khăm Muộn, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào), với tên gọi: “Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô” trong danh sách Di sản Thế giới với các tiêu chí (viii), (ix) và (x).

 Biểu tượng quan hệ hữu nghị đặc biệt - ảnh 1
Các thành viên đoàn Việt Nam vàLào tham dự kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới

 Ngày 3.7.2003, tại Kỳ họp lần thứ 27 của Ủy ban Di sản Thế giới, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới lần thứ nhất (tiêu chí viii) và ngày 3.7.2015, tại Kỳ họp lần thứ 39 của Ủy ban Di sản Thế giới, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận lần thứ hai (tiêu chí ix và x). Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có chung ranh giới tự nhiên với Vườn quốc gia Hin Nam Nô của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Hồ sơ Vườn quốc gia Hin Nam Nô đề cử UNESCO công nhận là phần mở rộng của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được Chính phủ Lào và Việt Nam thống nhất gửi tới UNESCO tháng 2.2024, để được Ủy ban Di sản Thế giới xét duyệt tại Kỳ họp lần này. Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô là một trong những cảnh quan karst đá vôi và hệ sinh thái nổi bật và nguyên vẹn nhất trên thế giới.

 Sự kiện “Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô” trở thành Di sản thế giới liên biên giới đầu tiên của Việt Nam và Lào cho thấy tầm quan trọng của hợp tác trên toàn cầu thông qua việc đề cử di sản chung, đóng góp vào việc thúc đẩy hòa bình và an ninh theo quan điểm của UNESCO, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa hai nước.

Đồng thời, mong muốn được mời các đại biểu đến tham quan Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô, hỗ trợ cho Việt Nam và Lào kinh nghiệm quản lý đối với Di sản thế giới liên biên giới đầu tiên này.

(Thứ trưởng HOÀNG ĐẠO CƯƠNG)

Nằm tại điểm giao thoa của dãy núi Annam và vành đai đá vôi Trung Đông Dương, bắc qua biên giới Việt Nam và Lào. Sự hình thành karst đã phát triển từ thời kỳ Paleozoic khoảng 400 triệu năm trước và có thể được coi là khu vực karst quy mô lớn, lâu đời nhất ở châu Á. Sự đa dạng của các hệ sinh thái được tìm thấy trong cảnh quan phức tạp này bao gồm rừng karst khô ở độ cao lớn, rừng ẩm ướt và rậm rạp ở độ cao thấp, và các môi trường hang động ngầm rộng lớn.

Trong số các cấu trúc ngầm này có hơn 220 km hang động và hệ thống sông ngầm được ghi nhận có ý nghĩa toàn cầu. Sự đa dạng sinh học độc đáo với một số loài đặc hữu sinh sống trong các hệ sinh thái phổ tạp nhiệt đới cũng tạo nên các giá trị đặc biệt, có ý nghĩa toàn cầu.

Việc quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô được đề xuất tại hai bản Kế hoạch quản lý riêng biệt. Việc quản lý chung Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô đã được các địa phương của hai nước Việt Nam và Lào ký kết từ nhiều năm qua, trong đó đưa ra những hoạt động chung về việc thực thi pháp luật và phát triển kế hoạch hành động nhằm bảo vệ các giá trị của di sản.

Có thể nói, quá trình phối hợp giữa Bộ VHTTDL Việt Nam với Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào trong công tác nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đề cử từ năm 2018 đến nay, thực sự được đẩy mạnh sau khi Chính phủ hai nước thống nhất chủ trương (vào đầu năm 2023) về việc xây dựng hồ sơ đề cử Vườn quốc gia Hin Nam Nô (Lào) là Di sản Thế giới liên biên giới với Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Việt Nam).

Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban Di sản quốc gia của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào vui mừng bày tỏ, “sự kiện này là dấu mốc có ý nghĩa và khoảnh khắc tự hào của Chính phủ Lào và toàn thể xã hội Lào, khi Vườn quốc gia Hin Nam Nô của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã được chính thức ghi danh như một phần mở rộng của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là Di sản Thế giới tại Việt Nam; đồng thời khẳng định Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào sẽ tiếp tục hợp tác với đối tác Việt Nam để tăng cường hợp tác ở tất cả các cấp độ xã hội, với trọng tâm là tăng cường sự tham gia có tính tham vấn và bao trùm của các cộng đồng địa phương trong việc quản lý di sản thế giới quý báu này”.

 Biểu tượng quan hệ hữu nghị đặc biệt - ảnh 2
Cảnh quan Karst ở phía Đông Nam làng Vangmaneur thuộc Vườn quốc gia Hin Nam Nô (Lào)

Phát biểu tại Kỳ họp lần thứ 47 sau khi Ủy ban Di sản Thế giới chính thức thông qua Quyết định phê duyệt việc điều chỉnh ranh giới đáng kể của Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Trị, Việt Nam) để bao gồm Vườn quốc gia Hin Nam Nô (Khăm Muộn, Lào), với tên gọi: “Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô” trong danh sách Di sản Thế giới, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương cho biết: Sự kiện “Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô” trở thành Di sản thế giới liên biên giới đầu tiên của Việt Nam và Lào cho thấy tầm quan trọng của hợp tác trên toàn cầu thông qua việc đề cử di sản chung, đóng góp vào việc thúc đẩy hòa bình và an ninh theo quan điểm của UNESCO, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa hai nước.

Đồng thời, mong muốn được mời các đại biểu đến tham quan Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam No, hỗ trợ cho Việt Nam và Lào kinh nghiệm quản lý đối với Di sản thế giới liên biên giới đầu tiên này.

Việc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô được UNESCO ghi vào danh mục Di sản Thế giới được xem là biểu tượng quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực di sản văn hóa, qua đó góp phần tăng cường, củng cố hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết, bền chặt giữa Việt Nam và Lào.

Theo Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền, trong thời gian tới, để quản lý tốt Di sản thế giới liên biên giới giữa hai quốc gia Việt Nam và Lào, hai bên cần tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học và xác lập các phương pháp hoạt động để có thể đối phó với những nguy cơ tác động tới di sản; đánh giá sức tải du lịch phù hợp với khả năng và sức tải về sinh thái tài nguyên trong tổng thể Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam Nô.

Đặc biệt, phía Việt Nam có thể hỗ trợ phía bạn Lào nâng cao năng lực xây dựng quy định pháp luật trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các Di sản thế giới nói chung, Vườn quốc gia Hin Nam Nô nói riêng.