Khởi động tuần lễ Festival Huế 2022: Lan tỏa nét đẹp áo dài

VHO- Hướng đến Tuần lễ Festival Huế 2022 (diễn ra từ ngày 25 đến 30.6), nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật, lễ hội cộng đồng tại Huế đã được khai mạc, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia trải nghiệm.

Khởi động tuần lễ Festival Huế 2022: Lan tỏa nét đẹp áo dài - Anh 1

 

 Người dân Huế cùng tham gia các hoạt động hưởng ứng Ngày hội Áo dài cộng đồng 2022

Đệ trình xem xét Áo dài là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn và Câu lạc bộ Đình làng Việt (Hà Nội) tổ chức Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế năm 2022 với chuỗi các hoạt động đặc sắc, diễn ra từ ngày 17 đến 23.6. Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT thông tin: Các hoạt động tại Tuần lễ Áo dài cộng đồng năm 2022 nhằm khai thác thế mạnh, thương hiệu và giá trị độc đáo của áo dài Huế, góp phần tuyên truyền, quảng bá văn hóa Huế gắn với quảng bá, xúc tiến du lịch. Ngoài các sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật và quảng diễn áo dài ở các không gian công cộng trung tâm thành phố Huế, các điểm di tích văn hóa Huế còn có chương trình dâng hương nhân ngày húy kỵ và tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát - người được xem là đã “khai sinh” ra áo dài Việt Nam. Đồng thời, dịp này, các cơ quan, ban ngành, địa phương, Hội Áo dài Huế phát động và khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, tiểu thương và cộng đồng mặc áo dài trong tuần lễ Festival Huế thông qua các hoạt động đi tham quan, trải nghiệm, các cuộc thi ảnh, tham gia các sự kiện…

Trong khuôn khổ chương trình Tuần lễ Áo dài cộng đồng, những người yêu áo dài đã cùng diễu hành bằng phương tiện xích lô và xe đạp qua các cung đường xung quanh Hoàng thành Huế, ven hai bờ sông Hương và các tuyến phố trung tâm. Nhiều du khách và người dân địa phương đã hành hương, tri ân về lăng chúa Nguyễn Phúc Khoát - “ông tổ” của áo dài (tại di tích lăng Trường Thái tại xã Hương Thọ, TP Huế) và dâng hương tại Triệu Tổ Miếu (Đại nội Huế). Nhiều hoạt động cộng đồng hấp dẫn về áo dài cũng được tổ chức như: Áo dài và xe đạp; Áo dài xưa; Áo dài đương đại; Áo dài đường phố; Áo dài và nữ sinh; Áo dài và âm nhạc… Các hoạt động này được tổ chức tại các không gian văn hóa cộng đồng như sân Bia Quốc học, khuôn viên sân di tích Nghinh Lương Đình - Phu Văn Lâu, không gian nghệ thuật Điềm Phùng Thị, Trường THPT Hai Bà Trưng, cầu đi bộ gỗ lim trên sông Hương, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích Trường Quốc học Huế, chùa Thiên Mụ, Đại nội Huế… Các hoạt động nói trên được tổ chức đa dạng về hình thức, phù hợp với nhiều độ tuổi cùng tham gia, trải nghiệm. Trong đó, ngoài quảng diễn và trình diễn áo dài, sẽ có các chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ cộng đồng và du khách; đặc biệt, sẽ có hoạt động giao lưu áo dài và âm nhạc giữa các nghệ nhân hát văn, ca trù và ca Huế.

Dịp này, Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao TP Huế cũng khai mạc không gian trưng bày tư liệu về áo dài Huế xưa và nay. Hơn 40 bộ mẫu áo dài cùng các tư liệu quý về áo dài Huế xưa và nay góp phần giới thiệu đến công chúng những giá trị văn hóa truyền thống và khẳng định thương hiệu và giá trị của áo dài Huế.

Theo đại diện Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện ngành Văn hóa tỉnh này đã hoàn thành việc xây dựng hồ sơ về Áo dài để trình Bộ VHTTDL xem xét đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trên cơ sở đó, tiếp tục bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị di sản áo dài, tiến tới xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong đề cương đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” mà UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt.

Khởi động tuần lễ Festival Huế 2022: Lan tỏa nét đẹp áo dài - Anh 2

 Chương trình nghệ thuật tại lễ hội “Sóng nước Tam Giang”

Nhiều hoạt động văn hóa - du lịch phục vụ cộng đồng

Phiên chợ quê ở làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền) trong ngày 19.6 đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến tham gia, trải nghiệm. Không chỉ khám phá, tìm hiểu các công trình kiến trúc độc đáo, du khách còn tham gia trải nghiệm làm gốm cổ và thưởng thức các dịch vụ ẩm thực, tham gia các trò chơi dân gian tại làng cổ Phước Tích. Phiên chợ được duy trì tổ chức định kỳ mỗi tháng/lần, là điểm đến của nhiều người dân trong tỉnh và cả nước. Ông Đoàn Quyết Thắng, Trưởng Ban Quản lý làng cổ Phước Tích cho biết: Từ khi mở cửa hoàn toàn các hoạt động du lịch trở lại (ngày 15.3), đến nay làng cổ đã đón hơn 10.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm các dịch vụ. Dự kiến, lễ hội “Hương xưa làng cổ” sẽ được tổ chức vào dịp tháng 7 tới, với nhiều chương trình, hoạt động văn hóa du lịch đặc sắc trong khuôn khổ chương trình lễ hội của Festival bốn mùa.

Cũng trong những ngày này, UBND huyện Quảng Điền đã tổ chức lễ hội “Sóng nước Tam Giang”, giới thiệu đến cộng đồng du khách những tiềm năng, giá trị và các sản phẩm văn hóa, du lịch độc đáo của các địa phương ven phá Tam Giang. Lễ hội “Sóng nước Tam Giang” với các hoạt động như: Hội chợ thương mại - dịch vụ ẩm thực; trưng bày giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của đại phương; trưng bày ảnh nghệ thuật “Nét đẹp Quảng Điền qua ảnh”; biểu diễn nghệ thuật hò bả trạo; trình diễn áo dài; hội thi ẩm thực; hội đua ghe truyền thống; cùng các hoạt động hưởng ứng mùa du lịch biển và du lịch đầm phá Tam Giang…

Từ ngày 20.6 đến 25.6, tại khu di sản Hoàng cung Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng tổ chức triển lãm cây kiểng và phong lan ba miền. Triển lãm trưng bày hơn 500 tác phẩm cây cảnh tại di tích vườn Cơ Hạt, 300 tác phẩm phong lan tại vườn Thiệu Phương và 100 tác phẩm đá cảnh tại khuôn viên di tích phủ Nội vụ. Đây là những tác phẩm đặc sắc do các nghệ nhân sinh vật cảnh ở khắp cả nước đã dày công sưu tầm, chăm sóc. Không gian trưng bày cây cảnh và phong lan đã tạo điểm nhấn cảnh quan độc đáo, thú vị, thu hút du khách khi tham quan khu di sản Đại nội Huế. 

 SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc