Hợp luyện chương trình Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc

NHƯ ĐỒNG

VHO – Sáng 1.8, tại Quảng trường đường Phạm Văn Đồng, TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) các đoàn tham gia Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc đã hợp luyện chương trình để chuẩn bị cho lễ khai mạc vào lúc 19 giờ tối nay.

Hợp luyện chương trình Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc - ảnh 1
Đoàn tỉnh Thanh Hóa tham gia hợp luyện chương trình

Tham gia hợp luyện chương trình, anh Phạm Văn Thống, đoàn tỉnh Thanh Hóa cho hay, địa phương có 7 dân tộc anh em: Kinh, Mường, Thái, Mông, Thổ, Dao, Khơ Mú cùng đoàn kết sinh sống đan xen nhau, đã tạo nên kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, phong phú. Trong đó, phải kể đến Lễ hội Pôồn Pôông của người Mường huyện Ngọc Lặc, đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2016.

Theo tiếng Mường Lễ hội Pôồn Pôông nghĩa là Lễ hội chơi hoa, được tổ chức hàng năm vào các ngày rằm tháng Giêng, rằm tháng Ba, rằm tháng Bảy hay vào mùa gặt với mong muốn cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, mọi người mạnh khỏe, bản làng yên vui.

Pôồn Pôông xuất phát từ sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” của người Mường gồm 48 trò diễn xướng xoay quanh cây Bông - Là trung tâm của Lễ hội, biểu tượng của vũ trụ bao la, hội tụ đầy đủ vạn vật mà tạo hóa đã ban tặng cho con người. Cây bông được đẽo bằng thân tre, những chùm hoa lung linh sắc màu làm từ gỗ cây Chạng Bạng cùng các hình muông thú, nông cụ sản xuất...

Hợp luyện chương trình Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc - ảnh 2

Đoàn tỉnh Anh Giang có 4 tiết mục thể hiện 4 dân tộc anh em: Kinh, Chăm, Hoa, Khmer

Chị Đào Thị Cẩm Lai, đoàn tỉnh An Giang cho biết, trong thời gian qua, đoàn đã tích cực luyện tập và có mặt tại Quảng Ngãi ngày 31.7. Tham gia chương trình, đoàn có 4 tiết mục thể hiện 4 dân tộc anh em: Kinh, Chăm, Hoa, Khmer.

“Đến với Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc, đoàn Nghệ thuật quần chúng tỉnh An Giang sẽ trình diễn, giới thiệu với bạn bè xa gần những nét đẹp văn hóa của cộng đồng người dân tộc Chăm Islam An Giang. Lễ cưới truyền thống thường được tổ chức sau mùa chay Ramadan, được diễn ra trong ba ngày. Ngày thứ nhất là ngày tụ họp và làm bánh. Ngày thứ hai là ngày “lên ghế” - Lên giường. Ngày thứ 3 là ngày nhà trai đưa chú rể sang nhà gái, sẽ là ngày cuối cùng”, chị Lai nói.

Hợp luyện chương trình Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc - ảnh 3
Các đoàn tham gia đã sẵn sàng cho Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc

Hiện công tác tổ chức chuẩn bị cho khai mạc chương trình đã hoàn thành, các đoàn đã ổn định và sẵn sàng trình diễn những tiết mục đặc sắc, hấp dẫn nhất.

Hội thi Diễn xướng dân gian văn hoá các dân tộc nhằm tôn vinh, quảng bá, giới thiệu những nét tiêu biểu, giá trị văn hoá truyền thống, đặc trưng của từng địa phương nói riêng và của cả nước nói chung. Khẳng định niềm tin của đồng bào các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hợp luyện chương trình Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc - ảnh 4

Hội thi với sự tham gia của nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên đến từ 24 tỉnh, thành phố trên cả nước

Hội thi với sự tham gia của nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên đến từ 24 tỉnh, thành phố trên cả nước.