Hội thảo Bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, xã hội

MINH CHÂU

VHO - Ngày 25.10, UBND quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, xã hội quận Cẩm Lệ".

Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nghiên cứu, chuyên gia, quản lý văn hóa uy tín trong và ngoài địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Qua đó lấy ý kiến về thực trạng, tiềm năng trên lĩnh vực văn hóa để trên cơ sở này đề ra các giải pháp nâng cao công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, nhận diện những thế mạnh trong quá trình phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của quận Cẩm Lệ.

Nội dung hội thảo xoay quanh định hướng và phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội quận Cẩm Lệ, tthực trạng và giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị.

Hội thảo Bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, xã hội  - ảnh 1
Hội thảo nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý văn hóa trong việc bảo tồn phát huy giá trị di sản

Các đại biểu cũng đưa ra tham luận tìm cách bảo tồn phát huy giá trị lịch sử văn hóa di tích Chămpa vùng Cẩm Lệ (Xứ Quảng), gợi mở một số giải pháp phát huy giá trị quần thể di tích lịch sử văn hóa Khuê Trung (Di tích quốc gia Nghĩa Trủng Hòa Vang)…

Trên địa bàn quận Cẩm Lệ hiện có 3 di tích cấp quốc gia, 8 di tích thành phố và 3 di tích trong danh mục kiểm kê của thành phố với nhiều loại hình phong phú đa dạng: Lịch sử, lịch sử - văn hóa, di chỉ khảo cổ.

Bên cạnh đó còn có nhiều cơ sở thờ tự, các chùa, đình có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ  cho biết: Với những giá trị cũng như sự ảnh hưởng trực tiếp của các di sản văn hóa đến đời sống người dân, hoạt động quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này luôn được các cấp quan tâm, chỉ đạo, tập trung ở việc bảo tồn, phát huy, quảng bá di sản; trong đó có việc đề xuất trùng tu, tôn tạo các di tích…

Hội thảo Bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, xã hội  - ảnh 2
Quận Cẩm Lệ là nơi phát hiện ra di tích Chăm Phong Lệ có giá trị lịch sử, văn hóa có tuổi đời 1.000 năm

Để bảo tồn, phát huy giá trị di tích, phát triển du lịch trên địa bàn quận, quận Cẩm Lệ sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở ngành, doanh nghiệp, người dân địa phương để triển khai hiệu quả đề án, kế hoạch trọng tâm.

Tiếp tục bảo tồn, trùng tu các công trình di tích, lịch sử trên địa bàn quận; đồng thời tập trung xây dựng kế hoạch khai thác giá trị di tích gắn với du lịch và đầu tư kết nối, hình thành các cụm, điểm du lịch đặc trưng, chuyên nghiệp phục vụ khách.

Cùng đó tìm cách nâng tầm chất lượng các lễ hội để trở thành các sản phẩm du lịch văn hóa thu hút khách. Kết nối với các trường học để học sinh tham gia chương trình ngoại khóa tìm hiểu các di tích lịch sử.

Quận Cẩm Lệ là địa phương khai quật được di tích Chăm Phong Lệ nổi tiếng. Các dấu tích phát lộ qua các đợt khảo cổ đều khẳng định di tích Chăm Phong Lệ rất giá trị và có vai trò rất quan trọng trong hệ thống các công trình văn hóa Chăm ở Việt Nam và khu vực.

Sau 3 lần khai quật (vào các năm 2011, 2012, 2018) với những kết luận nhấn mạnh tính độc đáo, khu di tích Chăm Phong Lệ được xếp hạng di tích cấp thành phố vào năm 2021.

UBND thành phố Đà Nẵng có chủ trương đầu tư khu vực khai quật di tích Chăm Phong Lệ thành Bảo tàng Chăm cơ sở 2, và đưa dự án này vào danh mục cần đầu tư trong giai đoạn 2020 - 2025. Bổ sung vào các dự án, công trình trọng điểm, mang tính động lực trên địa bàn thành phố.