Đà Nẵng:
Khích lệ địa phương vào cuộc bảo tồn văn hóa
VHO - Sáng 25.10, quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) đã tổ chức hội thảo “Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế xã hội” với sự tham dự của nhiều đại diện tổ chức, cá nhân nghiên cứu bảo tồn, bảo tàng, phục dựng văn hóa trên địa bàn.
Đây là lần đầu tiên, một hội thảo khoa học chuyên đề do địa phương cấp quận tổ chức, xác định thêm chủ trương lớn từ ngành văn hóa, chính quyền Đà Nẵng: khích lệ “địa phương hóa” bảo tồn văn hóa.
Ông Nguyễn Đức Tuấn, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP. Đà Nẵng chia sẻ, vấn đề này đã được Đảng bộ và chính quyền Đà Nẵng chú ý những năm qua. Làm sao vận động người dân quan tâm công cuộc bảo tồn, xây dựng văn hóa bản địa?. “Chỉ khi nào cộng đồng nhân dân tham gia vào công cuộc văn hóa, cơ hội tăng trưởng kinh tế, du lịch địa bàn mới bền vững. Mà điều đó cần thực hiện ở cấp cơ sở gần nhất, từ xã phường đến quận huyện”, ông Tuấn đánh giá.
“Địa phương hóa” vận động bảo tồn văn hóa
Trong tham luận thay mặt Hội Di sản Đà Nẵng tại hội thảo, ông Tuấn đặt rõ bốn giải pháp thiết thực để bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa ở quận Cẩm Lệ.
Đó là tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước, với các quy chế quản lý, cơ chế chính sách phù hợp, đặc biệt phát huy vai trò giám sát của cộng đồng; tăng nguồn vốn đầu tư quản lý, bảo tồn, nhất là vận động xã hội hóa, thu hút đầu tư từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác quản lý, bảo tồn; và đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân tham gia bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa.
Ông Tuấn nhấn mạnh vai trò của người dân là chủ thể quan trọng nhất trong việc phát hiện, bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa di sản bản địa. Vai trò này phải khẳng định đặt cạnh những đội ngũ chuyên môn, chuyên ngành hoạt động về văn hóa, bảo tồn, thậm chí xét về mặt thời gian lịch sử, còn có ý nghĩa quan trọng và thiết thực nhất.
Theo Ban tổ chức hội thảo quận Cẩm Lệ, cách nhìn nhận này cũng chính là tinh thần chủ đạo để quận mạnh dạn xây dựng, triển khai hội thảo chuyên ngành. Với gần hai mươi tham luận trình bày tại hội thảo, thấy rõ có đến tám tham luận trực tiếp do chính quyền địa phương cấp phường trình bày và các tổ chức, viện nghiên cứu trực tiếp đề cập đến vai trò cộng đồng xã hội nhằm đạt các mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cơ sở.
Chính quyền địa phương xác định rất rõ có ba nhóm tham luận với các đối tượng quản lý Nhà nước, cơ quan quản lý chuyên môn về văn hóa, du lịch và nhóm tham luận nhận định các thế mạnh, tiềm năng, giải pháp gắn chặt với người dân, cộng đồng xã hội tại chỗ.
NThông điệp chính mà hội thảo khoa học đưa ra là nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của người dân sở tại trong mục tiêu phát huy tốt nhất vị thế bảo tồn, bảo tàng di sản văn hóa địa phương.
Người dân hành động, chính quyền triển khai
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng nhìn nhận, Cẩm Lệ là một trong những địa phương có nhiều di chỉ, di tích liên quan đến lịch sử xã hội, và không gian văn hóa cộng đồng, tâm linh tôn giáo địa phương, kiến tạo nên một tâm lý xã hội tích cực và lâu đời ở địa bàn.
Do đó, việc đầu tư xây dựng, thiết chế những bảo tàng, địa chỉ di tích, di sản tại đây, không thể tách rời khỏi vai trò của người dân địa phương. Thậm chí, việc tham dự thể hiện trách nhiệm quan tâm gìn giữ, bảo vệ, giám sát các di tích, hiện vật, và không gian văn hóa cộng đồng của người dân, mới chính là “hồn cốt” phát huy giá trị các di sản.
Do đó, những khái niệm trọng yếu trong định hướng công tác bảo tồn văn hóa địa phương cần được nắm chắc chính là cộng đồng dân cư với hiện trạng, dấu ấn qua thời gian của lối sống, sinh hoạt, tri thức dân gian, niềm tin tưởng tâm linh tôn giáo…
Công tác tuyên truyền, vận động, cần phải truyền tải qua nhiều tầng nấc, hình thức, giải pháp trong cộng đồng, từ quan niệm truyền thống với mạng lưới quản lý chuyên môn, Nhà nước, đến sử dụng các mạng xã hội, các hoạt động lễ nghi, lễ hội, tập tục của người dân…
Thực hiện tốt, khai thác đúng những khái niệm này, đưa hẳn những nhận thức, đề cao vai trò đóng góp, dẫn đường của người dân vào hoạt động bảo tồn, bảo tàng văn hóa, di sản, mới thực sự bảo vệ dài lâu được các giá trị văn hóa di sản.
Ông Võ Hà, Ban Tuyên giáo Đà Nẵng cho rằng, cần phải vận dụng hài hòa hai vấn đề bảo tồn di sản và làm ăn kinh tế. Một số địa phương đã từng vấp phải khó khăn khi triển khai sai lệch quan hệ hợp tác giữa hai vấn đề này.
Có thể bảo tồn di sản rất tốt nhưng không khai thác được các giá trị kinh tế, thậm chí còn làm ảnh hưởng, trì trệ các hoạt động kinh tế xã hội tại chỗ; và khai thác các cơ hội phát triển kinh tế tốt, song lơi lỏng và ảnh hưởng tai hại đến các giá trị văn hóa di sản.
Từ góc cạnh này, Thành ủy, UBND TP. Đà Nẵng đã chú ý đến hướng vận động, tổ chức các cấp địa phương làm nền tảng hoạt động đầu tư, khích lệ người dân, các tổ chức kinh tế, văn hóa bản địa hết sức lưu tâm, xây dựng hài hòa quan hệ hai vấn đề phát triển.
Do đó Hội thảo khoa học cấp quận diễn ra tại Cẩm Lệ, cũng như một số hội thảo đề xuất quy hoạch, phát triển địa bàn tại huyện Hòa Vang, quận Hải Châu trước đây đều là những biểu hiện tích cực, chủ động phát huy vai trò cơ sở về thiết kế phát huy vai trò chính quyền đô thi địa phương.
Phải thông qua những hoạt động này, tính tích cực của các cấp chính quyền cơ sở mới được nâng lên, mạnh dạn hướng đến những tiêu chí phát triển hơn, dám nghĩ, dám làm, nhất là hướng đến mọi cơ hội phát huy tốt nhất vai trò người dân trong văn hóa xã hội cơ sở.