Nhiều di tích được tu bổ, tôn tạo
VHO- Kể từ khi TP Đà Nẵng ban hành Đề án Bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020, nhiều di tích văn hóa không chỉ được đầu tư trùng tu mà số lượng di tích cấp quốc gia và cấp thành phố cũng được tăng lên. Trong 5 năm từ 2016 - 2020, thành phố đã đầu tư 250,496 tỉ đồng để trùng tu 35 di tích. Về cơ bản, các di tích xuống cấp đều được trùng tu, tôn tạo và công tác trùng tu, tôn tạo đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng công trình, tuân thủ các quan điểm, nguyên tắc về bảo tồn, không làm sai lệch biến dạng, đặc điểm vốn có và các yếu tố gốc cấu thành di tích.
Tu bổ, tôn tạo di tích Thành Điện Hải giai đoạn 2
Theo đề xuất của Sở VHTT, UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành danh mục các bia, biển tưởng niệm trùng tu, tôn tạo trong giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, thời gian tới, ngành chức năng và các địa phương sẽ trùng tu, tôn tạo 6 bia, biển di tích, chiến tích. Cụ thể, đối với bia chiến tích Trung đoàn 96 xã Hòa Liên (H.Hòa Vang) đang bị nứt chân bia, tường bao, bị ngập sẽ được trùng tu tôn tạo và nâng cốt nền bia. Bia bến đò Thủy Tú (Hầm Vàng) tại tổ 37, P.Hòa Hiệp Bắc (Q.Liên Chiểu) tuy hiện trạng còn tốt nhưng lại nằm trên đồi cao, khó tiếp cận, lối đi lên bia bị vướng đường dây điện; chữ khắc trên mặt bia khó đọc, bị phai màu. Sở VHTT TP cho biết sẽ cải tạo đường lên bia di tích, đồng thời sơn lại chữ trên mặt bia. Ngành chức năng cũng sẽ làm lại mặt biển mới với kích thước lớn hơn đối với biển di tích hang Bà Đính (nằm trên đường lên bán đảo Sơn Trà) do tấm biển này nhỏ, mặt biển mờ và bị phong hóa. Đánh giá của ngành văn hóa Đà Nẵng cho thấy, hiện nay bia di tích trận Hải Vân lần 1 và lần 2 (gắn liền với sự kiện chiến thắng trong 2 trận đánh của tiểu đoàn 18 và 19 của Trung đoàn 96 vào năm 1947) nằm trên đường lên đèo Hải Vân thuộc địa phận P. Hòa Hiệp Bắc (Q. Liên Chiểu) đang bị xuống cấp, quy mô bia nhỏ không tương xứng với tầm vóc của sự kiện; hình thức bia không phù hợp và nằm ở vị trí khó nhìn thấy, dẫn đến nhiều bất cập trong việc phát huy giá trị. Do vậy trong thời gian tới, bia di tích này sẽ được tôn tạo lại cảnh quan xung quanh để nâng cao hiệu quả tuyên truyền trong cộng đồng người dân. Cũng theo kế hoạch đề ra, trong năm 2021, Đà Nẵng sẽ đẩy mạnh công tác trùng tu, tôn tạo bia kỷ niệm chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (tại vị trí gần đầu cầu Hòa Xuân) do bia có nguy cơ sạt lở, bị xuống cấp; biển di tích ngã tư Chợ Cồn (bên trái cổng số 1 chợ Cồn ở ngã tư Ông Ích Khiêm - Hùng Vương) - biển di tích này gắn liền với trận đánh ngày 9.2.1971, chiến sĩ Ban An ninh quận 3 Đà Nẵng Hồ Thị Phương dùng mìn tiêu diệt Trưởng ban Mật vụ của Nha Cảnh sát Vùng 1 chiến thuật Mỹ - ngụy.
Hiện nay, thành phố đang triển khai một số dự án lớn nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích gồm: Dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Thành Điện Hải giai đoạn 2; dự án nâng cấp, cải tạo cơ sở 42 Bạch Đằng làm Bảo tàng; dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan; Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn; dự án Bảo tồn và phát huy giá trị khảo cổ học Chăm Phong Lệ. Song song với quá trình nỗ lực bảo vệ các giá trị văn hóa, di sản, Đà Nẵng cũng hướng đến mở rộng, xây dựng các địa điểm di tích, lịch sử để tạo cảnh quan điểm nhấn, liên kết với thúc đẩy thu hút du lịch. Năm 2020, Đà Nẵng đã có quyết định lấy lại đất, mở rộng diện tích cho 2 Khu di tích Nghĩa trủng Phước Ninh (Q. Hải Châu), Khu di tích Nghĩa trủng Hòa Vang (Q. Cẩm Lệ). Khi mở rộng Khu di tích quốc gia Nghĩa trủng Hòa Vang (khoảng 6.000m2) sẽ tập trung đầu tư khu vực cảnh quan, công viên, tưởng niệm kết nối với Nghĩa trủng.
MINH CHÂU