Hồ sơ di sản chưa có tiền lệ ở Việt Nam hướng tới Di sản văn hoá thế giới
VHO - Từ ngày 5-15.8, đoàn chuyên gia của Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS), đơn vị tư vấn cho Uỷ ban Di sản thế giới của UNESCO đã tiến hành thẩm định thực địa chính thức hồ sơ đề cử Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản văn hóa thế giới...
Thẩm định thực địa Hồ sơ đề cử Di sản thế giới đối với Quần thể danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc tại Khu di tích và danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí) vào chiều 7.8, đoàn chuyên gia của Hội đồng di tích và di chỉ quốc tế (ICOMOS) UNESCO đã nghe Ban quản lý Di tích và rừng Quốc gia Yên Tử giới thiệu về tổng thể Khu di tích và danh thắng Yên Tử; nghe Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh và Ban quản lý Di tích và rừng Quốc gia Yên Tử giới thiệu tới các chuyên gia về tổng thể Khu di tích và danh thắng Yên Tử, hệ thống phân vùng bảo vệ Di tích, giá trị nổi bật của từng di tích, những nỗ lực của tỉnh và TP Uông Bí trong công tác bảo vệ, quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của di sản đề cử.
Sau buổi làm việc, chuyên gia ICOMOS đã đi thẩm định thực địa tại các cụm, điểm di tích thuộc Khu Di tích và danh thắng Yên Tử để đánh giá tính toàn vẹn, tính xác thực; công tác bảo vệ, quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của di sản đề cử.
Trong đó, trọng tâm là kiểm tra, rà soát việc khoanh vùng, cắm mốc giới vùng 1, vùng 2 ở tất cả cụm, điểm di tích; các dự án bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích đã thực hiện trong những năm qua; các báo cáo kết quả, hồ sơ, tài liệu, công trình nghiên cứu về khu di tích; hồ sơ báo cáo kết quả sơ đồ, hình ảnh các đợt khai quật khảo cổ tại các di tích; rà soát việc ban hành và tổ chức thực hiện quy chế quản lý cũng như kế hoạch quản lý Khu di tích; rà soát hệ thống biển, bảng giới thiệu, chỉ dẫn tại khu di tích…
Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 8.8, chuyên gia của Hội đồng Di tích và di chỉ quốc tế (ICOMOS) – UNESCO thẩm định thực địa các điểm di tích Chùa Đồng, tượng Phật nằm, bia A-di-đà, tượng đá An Kỳ Sinh, chùa Vân Tiêu, chùa Bảo Sái, thuộc Khu di tích và danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí).
Các di tích bao gồm cả thiên tạo, nhân tạo, có lịch sử lâu đời thể hiện các giá trị phong phú của Khu di tích, danh thắng Yên Tử - một trong những khu vực trung tâm của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đang được Việt Nam gửi hồ sơ đề cử UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Trong hai ngày 10-11.8, chuyên gia UNESCO tiếp tục thẩm định thực địa tại Khu du tích lịch sử Bạch Đằng, TX Quảng Yên và Khu di tích, danh thắng Yên Tử. Đây cũng là những khu di tích cuối cùng trong chương trình thẩm định thực địa của chuyên gia UNESCO tại tỉnh Quảng Ninh.
Nhiều vấn đề chuyên gia Hội đồng di tích và di chỉ quốc tế (ICOMOS) của UNESCO quan tâm đã được thị xã Quảng Yên, các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong nước làm rõ như mối liên quan giữa di tích bãi cọc Bạch Đằng với khu di tích, danh thắng Yên Tử và các di sản khác trong hồ sơ đề cử; tính xác thực của di tích; công tác khoanh vùng, cắm mốc, cũng như hiện trạng bảo tồn các giá trị gốc của di tích; quy chế, kế hoạch quản lý di sản đề cử.
Theo hồ sơ di sản đề cử, các bãi cọc Yên Giang, Đồng Vạn Muối, Đồng Má Ngựa thuộc Khu di tích lịch sử Bạch Đằng thể hiện vai trò, ảnh hưởng của tư tưởng của nhà Trần, của tinh thần Phật giáo trong đời sống Đại Việt. Đồng thời, di tích cũng là biểu tượng của nghệ thuật quân sự, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc giúp nhà Trần xây dựng đất nước Đại Việt độc lập, yêu chuộng hòa bình và hòa hợp với thiên nhiên.
Sau chương trình thẩm định thực địa tại Quảng Ninh, từ ngày 12 – 14.8, chuyên gia Hội đồng di tích và di chỉ quốc tế ICOMOS của UNESCO sẽ tiếp tục làm việc tại các di tích thuộc tỉnh Hải Dương và Bắc Giang.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc gồm 6 khu di tích quốc gia đặc biệt và 32 điểm di tích được khoanh vùng bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa. Hồ sơ được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với Hải Dương, Bắc Giang xây dựng với 2.139 trang tài liệu bản tiếng Việt và bản dịch tiếng Anh; 101 sơ đồ, bản đồ, 196 bản vẽ kiến trúc, 260 bản vẽ khảo cổ, 1.141 bản ảnh, tái hiện các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, di sản phi vật thể, vật thể và kế hoạch quản lý tổng thể trên phạm vi 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang.
Sau 3 năm chuẩn bị, ngày 26.1.2024, hồ sơ hồ sơ đề cử Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản văn hóa thế giới được đệ trình lên UNESCO.
Đây là hồ sơ di sản chưa có tiền lệ ở Việt Nam, khi phạm vi nghiên cứu xây dựng trải rộng 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương với khối lượng công việc lớn được 3 địa phương tập trung nhân lực, trí tuệ cùng sự hỗ trợ hiệu quả của Bộ VHTTDL và hơn 100 chuyên gia trong nước và quốc tế thuộc nhiều lĩnh vực khảo sát, nghiên cứu và xây dựng hồ sơ.
Việc thẩm định thực địa của chuyên gia ICOMOS là một trong những thủ tục bắt buộc, quan trọng để UNESCO xem xét, đánh giá quần thể di tích Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trở thành thành Di sản văn hóa của nhân loại trong kỳ họp thứ 47 tổ chức vào năm 2025.