Văn hóa đối ngoại:

Góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế

ĐÌNH TOÁN

VHO - Chiều 7.3 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Đối ngoại và ngoại giao Việt Nam trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng và Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì hội thảo.

Về phía Bộ VHTTDL, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực Lê Hải Bình dự và trình bày tham luận tại hội thảo.

Chủ động hợp tác, quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới

Tại hội thảo, các tham luận đánh giá thế giới đang trong quá trình biến đổi sâu sắc về mọi mặt. Tuy nhiên, xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn được dự báo là một xu thế lớn, là nguyện vọng chung của toàn nhân loại.

Góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế - ảnh 1
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu kết luận hội thảo

Trong bối cảnh đó, Việt Nam sẽ phải chủ động kiến tạo, nắm bắt thời cơ, thích ứng và hoá giải thách thức. Ngoại giao Việt Nam cần tiếp tục đóng vai trò tiên phong, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cao nhất cho việc xây dựng và phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình.

Trong tham luận Định hướng phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các vấn đề đặt ra cho ngoại giao văn hóa, Thứ trưởng thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình khẳng định, văn hoá đã trở thành sức mạnh đoàn kết dân tộc, sức mạnh nội sinh, là mục tiêu, động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Văn hóa đối ngoại được triển khai gắn kết hiệu quả trong ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, góp phần quan trọng làm nên thành tựu chung trong công tác đối ngoại của đất nước.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, kể từ năm 2015, khi Chiến lược văn hóa đối ngoại được ban hành, Bộ VHTTDL đã chủ trì, ký kết 136 điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; tổ chức gần 40 chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ các chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, 90 sự kiện tuần/ngày văn hóa Việt Nam tại nhiều quốc gia trên khắp các châu lục, góp phần lan tỏa thông điệp hữu nghị, hòa bình, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng về chuyển mạnh tư duy từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa”, các hoạt động văn hóa đối ngoại đạt được những kết quả thực chất, chuyển từ “gặp gỡ, giao lưu” sang “hợp tác đích thực”.

Bộ VHTTDL đã ký kết và triển khai gần 40 văn bản hợp tác quốc tế với các nước. Trên bình diện đa phương, công tác văn hóa đối ngoại ngày càng được tăng cường, góp phần đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương của Việt Nam.

Góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế - ảnh 2
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu

Thứ trưởng khẳng định, giai đoạn 2021 đến nay, hội nhập quốc tế về văn hóa tiếp tục góp phần hoàn thiện thể chế, lan tỏa sức mạnh mềm, tiếp cận các chuẩn mực, tri thức, nguồn lực quốc tế, tăng cường gắn kết tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và bạn bè các nước.

Trong tiến trình này, Việt Nam đồng thời chủ động tiếp thu có chọn lọc những giá trị tinh hoa của các nền văn hóa, văn minh thế giới, làm giàu có, phong phú hơn nền văn hóa đa dạng, đặc sắc của Việt Nam và thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, Thứ trưởng nêu rõ, cần phải có định hướng và giải pháp đột phá về phát triển văn hóa Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trong đó, cần tiếp tục quán triệt nhận thức văn hóa là nền tảng của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước, phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; phát triển văn hóa đi đôi với hoàn thiện con người, phát triển xã hội toàn diện.

Xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, mang các đặc trưng nhân văn, dân chủ và khoa học, thống nhất trong đa dạng. Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa giữ vai trò nòng cốt.

Xây dựng, phát triển môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; huy động mọi nguồn lực phát triển để giải phóng sức sáng tạo, tạo ra các tác phẩm xuất sắc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước.

Góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế - ảnh 3
Thứ trưởng thường trực Bộ VHTTDL Lê Hải Bình trình bày tham luận tại hội thảo

Chủ động hợp tác và quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới, phát huy sức mạnh mềm văn hóa, đóng góp quan trọng vào văn minh toàn cầu, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Để hiện thực hóa các định hướng phát triển văn hóa, Thứ trưởng thường trực Lê Hải Bình cho hay cần tập trung triển khai hệ thống các giải pháp.

Cụ thể là hoàn thiện khuôn khổ pháp luật bảo đảm các quyền về văn hóa của người dân, tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực.

Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế; thúc đẩy phát triển các loại hình nghệ thuật đương đại, từng bước xây dựng và phát triển một số thương hiệu Việt Nam có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước.

Tăng cường đầu tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu của thời đại mới.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Chủ động mở rộng không gian quảng bá văn hóa Việt Nam trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nền tảng số…

Cùng với đó, chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa; tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại các sự kiện VHTTDL quốc tế quy mô, uy tín; xây dựng Việt Nam trở thành một điểm đến quốc tế uy tín, chất lượng của các sự kiện văn hóa, nghệ thuật tầm cỡ thế giới.

Để văn hóa tạo nên bản sắc của ngoại giao Việt Nam

Thứ trưởng thường trực Lê Hải Bình cũng khẳng định, trong những năm qua, ngành Ngoại giao đã đồng hành có hiệu quả cùng ngành văn hóa. 

Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 khẳng định: “Ngoại giao văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, trong đó ngoại giao chính trị là chủ công, ngoại giao kinh tế là đột phá, ngoại giao văn hóa là nền tảng tinh thần tạo nên bản sắc của ngoại giao Việt Nam”.

Điểm mới trong Chiến lược này là phương châm: “Ngoại giao văn hóa lấy địa phương, người dân, doanh nghiệp là trung tâm, theo đó địa phương, người dân, doanh nghiệp vừa là chủ thể thụ hưởng, vừa là đối tác tham gia vào việc triển khai Chiến lược”.

Góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế - ảnh 4
Toàn cảnh hội thảo

Như vậy, cách tiếp cận của ngoại giao văn hóa đã được mở rộng so với Chiến lược năm 2011, chỉ giới hạn ở vai trò của khu vực công, tiệm cận với khái niệm “ngoại giao công chúng” và có sự giao thoa, đan xen với công tác “văn hóa đối ngoại”.

Tuy nhiên, trong khi mở rộng đối tượng đến người dân và doanh nghiệp, Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 chưa đề cập đến vai trò của đội ngũ tri thức, văn nghệ sĩ - những người giữ vai trò nòng cốt trong sáng tạo văn hóa. Đây chính là điểm cần phối kết hợp tốt hơn trong thời gian tới để triển khai hiệu quả công tác ngoại giao văn hóa và văn hóa đối ngoại.

Để “tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tạo thuận lợi cao nhất cho xây dựng và phát triển đất nước, vì lợi ích quốc gia, dân tộc”, Thứ trưởng Lê Hải Bình cho rằng, lực lượng làm công tác đối ngoại và ngoại giao cần phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; tham gia giải quyết các vấn đề chung của thế giới, lan tỏa mạnh mẽ “phiên bản Việt Nam độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, hữu nghị, phát triển, phồn vinh, hạnh phúc”.

Nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, lan tỏa những giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới, tăng cường sức mạnh mềm, Bộ VHTTDL đề nghị Bộ Ngoại giao xem xét bổ sung thực hiện một số nhiệm vụ chưa được đề cập tại Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030.

Thứ trưởng cũng mong muốn Bộ Ngoại giao chủ động đề xuất các sáng kiến quốc tế phù hợp với năng lực tổ chức của Việt Nam, kết nối đăng cai các sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc tế uy tín, giới thiệu các tên tuổi nghệ sĩ hàng đầu thế giới đến Việt Nam, từng bước khẳng định Việt Nam là địa chỉ hấp dẫn của giao lưu văn hóa quốc tế; đề cử, tiến cử và tiếp tục vận động quốc tế công nhận, ghi danh Việt Nam với các danh hiệu, giải thưởng quốc tế uy tín.

“Hiện tại, Bộ VHTTDL được giao chủ trì xây dựng Đề án Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa thế giới để báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt trong thời gian tới. Bộ VHTTDL rất mong có được sự tham gia tích cực của Bộ Ngoại giao và các Bộ, ban ngành, địa phương để đề án đáp ứng được kỳ vọng trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Thứ trưởng Lê Hải Bình cho hay.

Cùng với văn hóa đối ngoại, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, ngoại giao kinh tế sẽ là nhiệm vụ trung tâm của ngoại giao Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế - ảnh 5
Các hoạt động văn hóa đối ngoại góp phần củng cố quan hệ của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới. Ảnh: ANH ĐỨC

Phó Thủ tướng nhấn mạnh trong môi trường quốc tế rất nhiều biến động, cơ hội và thách thức đan xen, để ngành đối ngoại hoàn thành được nhiệm vụ củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ các điều kiện quốc tế bên ngoại thuận lợi để đất nước phát triển bứt phá, việc làm rõ cơ sở lý luận về nội hàm “kỷ nguyên mới” của ngành đối ngoại, cũng như vai trò “trọng yếu, thường xuyên” là yêu cầu cấp thiết.

Ngành ngoại giao phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân; xây dựng một nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại và chuyên nghiệp.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao các tham luận đã đạt độ sâu về lý luận, nêu bật được thực tiễn.

Ông Nguyễn Xuân Thắng cũng nhấn mạnh, ngành ngoại giao cần tiếp tục bám sát tư tưởng ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với đó là 7 định hướng chiến lược đưa đất nước vào kỷ nguyên mới mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rõ để thể hiện tư duy đổi mới, tinh thần dấn thân, dám nghĩ, dám làm; tìm ra các giải pháp để nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, nền ngoại giao trong kỷ nguyên mới phải là một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, phát huy vai trò tiên phong, cùng với quốc phòng, an ninh thực hiện nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; phải là cầu nối kết hợp nội lực với ngoại lực.

Tranh thủ được điều kiện thuận lợi và nguồn lực bên ngoài, góp phần mở rộng không gian phát triển, kiến tạo cơ hội mới, phục vụ đắc lực cho các đột phá chiến lược của đất nước; quảng bá hình ảnh, giá trị Việt Nam ra thế giới, nâng tầm đóng góp của Việt Nam đối với các vấn đề chung của quốc tế.