Quảng Nam bảo tồn, phát triển nghề truyền thống trong thời kỳ hội nhập:

Gìn giữ nét đẹp hồn quê

THU HOÀI

VHO - Với 10 nghề thủ công, 30 làng nghề và làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận, làm thế nào để bảo tồn, phát triển trong thời kỳ hội nhập là trăn trở cũng như kỳ vọng được các địa phương, nghệ nhân ở Quảng Nam nỗ lực triển khai; trong đó nổi bật là phát triển làng nghề gắn với sản phẩm OCOP và du lịch cộng đồng...

Gìn giữ nét đẹp hồn quê - ảnh 1
Trình diễn nghề tại Festival nghề truyền thống Quảng Nam 2024

“Những giải pháp bảo tồn, phát triển nghề truyền thống trong thời kỳ hội nhập” là chủ đề Tọa đàm do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức trong khuôn khổ Festival Nghề truyền thống - Quảng Nam 2024 vừa qua, thu hút sự tham dự của nhiều cơ quan, ban, ngành, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam khu vực miền Trung và đại diện các làng nghề trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Các nhà quản lý, nghệ nhân đã có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát triển nghề truyền thống cùng với đại biểu các tỉnh bạn. Đồng thời cũng chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động, phát triển ngành nghề thời gian qua, những bất cập trong hoạt động, công tác quản lý nhà nước…

Tại Tọa đàm, nhiều gợi ý, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển ngành nghề truyền thống; tìm kiếm cơ hội, tiềm năng và giải pháp phát triển du lịch cộng đồng gắn với các nghề, làng nghề truyền thống tại Quảng Nam trong thời gian đến đã được chia sẻ thẳng thắn. Từ đó, làm cơ sở giúp lãnh đạo tỉnh cũng như các ban, ngành, địa phương kịp thời nắm bắt tình hình để có giải pháp chỉ đạo kịp thời công tác bảo tồn, phát triển nghề truyền thống trong thời kỳ hội nhập.

Toàn tỉnh Quảng Nam hiện có 10 nghề truyền thống, 30 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Trong đó, có 11 làng nghề thuộc nhóm ngành chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; 4 làng nghề thuộc nhóm ngành sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; 15 làng nghề thuộc nhóm ngành sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ.

Theo ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, trong tổng số 30 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận, có 16 làng nghề hoạt động duy trì ở mức độ ổn định, chủ yếu tập trung ở những làng nghề như mộc mỹ nghệ, chổi đót, làm hương, chế biến nước mắm, chế biến hải sản… Còn lại 14 làng nghề hoạt động sản xuất cầm chừng, không duy trì thường xuyên, một số làng nghề khả năng mai một là rất lớn.

Gìn giữ nét đẹp hồn quê - ảnh 2
Làng nghề truyền thống mộc Kim Bồng (Hội An - Quảng Nam)

Đây là khu vực sản xuất có vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đặc biệt là lao động trung niên, lớn tuổi, lao động nữ… Đồng thời góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, đặc sắc của mỗi miền quê, hồn quê, tạo cơ hội giao lưu văn hóa thông qua du lịch.

Được biết, nông nghiệp Quảng Nam đã phân loại thực trạng các làng nghề thành 3 nhóm để có chiến lược tiếp cận hợp lý, hiệu quả. Đối với những nghề, làng nghề đang bị mai một và có khả năng mất đi, thì xác định bảo tồn là chính; tiến hành điều tra, xây dựng dự án để duy trì các hộ hoặc nhóm hộ nghề, nghệ nhân hoạt động trình diễn nhằm lưu giữ, truyền nghề và phục vụ nhu cầu du lịch, văn hóa.

Đối với những nghề, làng nghề có khó khăn thì hỗ trợ và tạo điều kiện cho các nghệ nhân, thợ có tay nghề cao và cơ sở trong làng nghề duy trì ổn định sản xuất các sản phẩm độc đáo phục vụ sinh hoạt, lễ hội của cộng đồng, từng bước phát triển các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Đối với các làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động có hiệu quả và làng nghề mới sẽ tập trung phát triển các làng nghề sản xuất những sản phẩm có giá trị kinh tế, hàm lượng văn hóa cao, có tiềm năng xuất khẩu lớn.

Hỗ trợ thúc đẩy du nhập, gây dựng, phát triển làng nghề mới; phổ biến, nhân rộng nghề truyền thống ra các làng nghề mới; đẩy mạnh hỗ trợ sáng tạo phát triển sản phẩm, hình thành các cơ sở sản xuất mới tại địa phương. Xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện điều kiện sản xuất và bảo vệ môi trường làng nghề.