Định vị Hải Phòng trên bản đồ công nghiệp văn hóa (Bài cuối):

Gìn giữ bản sắc, tạo dấu ấn riêng

THÚY HIỀN - THANH MAI; ảnh: SỞ VHTTDL HẢI PHÒNG

VHO - Không chỉ là điểm sáng về phát triển kinh tế, Hải Phòng đang khát vọng vẽ nên một diện mạo mới - nơi văn hóa không đứng bên lề, mà trở thành nguồn lực nội sinh thúc đẩy phát triển bền vững.

 Gìn giữ bản sắc, tạo dấu ấn riêng - ảnh 1
Giám đốc Sở VHTTDL Hải Phòng, TS Trần Thị Hoàng Mai

Trên hành trình ấy, thành phố Cảng đã và đang cho thấy một tầm nhìn khác biệt: Kiến tạo công nghiệp văn hóa không phải bằng khẩu hiệu, mà bằng hành động cụ thể và bản lĩnh tiên phong.

Trao đổi với Văn Hóa, Giám đốc Sở VHTTDL Hải Phòng, TS Trần Thị Hoàng Mai đã chia sẻ về quyết tâm đưa văn hóa trở thành một trụ cột quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa đô thị, gắn với tầm nhìn hội nhập quốc tế.

Hồi sinh nghệ thuật truyền thống bằng tư duy hiện đại

P.V: Thời gian qua, Hải Phòng đã triển khai nhiều đề án và mô hình hiệu quả trong công tác phát triển của ngành VHTTDL, đặc biệt Đề án “Sân khấu truyền hình Hải Phòng” và kế hoạch sáng đèn Nhà hát Thành phố hằng tuần. Bà có thể đánh giá hiệu quả từ Đề án này ?

- TS Trần Thị Hoàng Mai: Có thể nói, đây đều là những chương trình trọng điểm nhằm đưa nghệ thuật sân khấu đến gần hơn với công chúng, đồng thời tạo dấu ấn văn hóa đặc trưng cho Hải Phòng.

Chúng tôi xác định không chỉ bảo tồn theo cách cũ mà phải tìm ra phương pháp tiếp cận mới, kết hợp với xu hướng hiện đại để chạm đến công chúng một cách tự nhiên nhất. Đề án tạo nên những sắc màu mới, khác biệt, mang lại bất ngờ cho giới chuyên môn, đồng thời góp phần “hồi sinh” sân khấu truyền thống.

Với nội dung phong phú, từ chèo, cải lương, kịch nói, múa rối đến nghệ thuật đương đại, chương trình đã được phát sóng trực tiếp trên kênh Truyền hình Hải Phòng và tiếp sóng tại các đài truyền hình địa phương, góp phần quảng bá sâu rộng bản sắc văn hóa Hải Phòng đến người dân và du khách.

Bên cạnh đó, Nhà hát Thành phố cũng đã trở thành điểm đến quen thuộc mỗi cuối tuần. Các chương trình biểu diễn diễn ra thường xuyên, quy tụ nhiều đoàn nghệ thuật trong và ngoài thành phố, tạo cơ hội cho nghệ sĩ giao lưu và thể hiện tài năng.

Việc thắp sáng ánh đèn Nhà hát không chỉ tôn vinh vẻ đẹp kiến trúc mà còn góp phần làm phong phú diện mạo đô thị văn minh, hiện đại, đậm chất nghệ thuật.

 Gìn giữ bản sắc, tạo dấu ấn riêng - ảnh 2
Lãnh đạo Sở VHTTDL luôn tham mưu, đề xuất với các cấp lãnh đạo để có những điều chỉnh phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong cơ chế chính sách

Giới nghề trên cả nước luôn dành lời khen ngợi, thậm chí nể phục trước những quyết sách về văn hóa nghệ thuật của Hải Phòng. Bà có thể bật mí về bài học kinh nghiệm đã giúp TP luôn là điểm sáng nổi bật trong sự nghiệp phát triển VHTTDL của nước nhà?

- Hải Phòng đang nhận được sự quan tâm lớn từ lãnh đạo, xác định văn hóa là trụ cột của phát triển bền vững. Các chính sách đầu tư, hỗ trợ cho văn hóa được triển khai đồng bộ, kết hợp với sự chung tay của đội ngũ nghệ sĩ, những người làm văn hóa giàu tâm huyết và sáng tạo, không ngừng đổi mới để thích ứng với thời đại.

Tuy nhiên, Hải Phòng cũng đối mặt với những thách thức chung: Nguồn lực đầu tư còn hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển văn hóa hiện đại; thói quen tiếp cận văn hóa của giới trẻ thay đổi nhanh chóng trước sự bùng nổ của công nghệ số và các xu hướng giải trí mới.

Tôi tâm đắc với định hướng chuyển tư duy từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa” mà lãnh đạo Bộ VHTTDL đề ra. Hải Phòng xác định phải ứng dụng công nghệ vào quảng bá, biểu diễn, đồng thời giáo dục văn hóa từ sớm trong trường học, tạo nền tảng vững chắc cho thế hệ trẻ yêu và trân trọng văn hóa dân tộc.

Một bài học sâu sắc chúng tôi rút ra là: Bảo tồn cần song hành với đổi mới - không cứng nhắc, nhưng cũng không được đánh mất bản sắc. Xã hội hóa văn hóa, hợp tác đa ngành là chìa khóa huy động nguồn lực, mở rộng không gian phát triển bền vững.

 Gìn giữ bản sắc, tạo dấu ấn riêng - ảnh 3
Những sự kiện VHTTDL được tổ chức tại Hải Phòng đã tạo cơ hội cho nghệ thuật Hải Phòng phát triển, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân và du khách

Chiến lược đưa Hải Phòng trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa

Việc sáp nhập đơn vị hành chính có đặt ra thách thức cho ngành VHTTDL Hải Phòng không, thưa bà?

- Việc sáp nhập bộ máy quản lý ngành VHTTDL là bước đi tất yếu trong tiến trình đổi mới, hướng tới tinh gọn tổ chức, nâng cao hiệu quả vận hành. Khi đầu mối quản lý được giảm bớt, sự liên kết giữa các đơn vị trở nên chặt chẽ hơn, góp phần triển khai hoạt động đồng bộ và tránh lãng phí nguồn lực.

Tuy nhiên, bất kỳ sự thay đổi nào cũng đi kèm tâm lý e ngại và áp lực thích nghi. Một số vị trí bị tinh giản, nhân sự phải điều chỉnh vai trò, làm quen với mô hình mới.

Ngành đã chủ động xây dựng lộ trình sắp xếp nhân sự minh bạch, tổ chức đào tạo, nâng cao kỹ năng, tăng cường họp điều phối để thống nhất vận hành.

Khó khăn là có thật, nhưng trong “nguy” luôn có “cơ”. Sáp nhập cũng mở ra cơ hội lớn để tăng cường phối hợp liên ngành, tổ chức các sự kiện văn hóa - thể thao - du lịch quy mô lớn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý và truyền thông. Khi bộ máy trở nên tinh gọn, hiệu quả, nhẹ mà chắc, ngành VHTTDL có điều kiện tập trung nhiều hơn cho sáng tạo chuyên môn.

 Gìn giữ bản sắc, tạo dấu ấn riêng - ảnh 4

Để đưa thành phố trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa có dấu ấn trên bản đồ cả nước, thời gian tới, Sở VHTTDL sẽ có những chủ trương, chiến lược nào mang tính đột phá để vừa phát huy giá trị bản sắc, vừa “biến tiềm năng thành lợi thế”, tạo động lực phát triển bền vững cho ngành, thưa bà?

- Để phát huy bản sắc, biến tiềm năng thành lợi thế, ngành VHTTDL TP Hải Phòng sẽ triển khai các chiến lược trọng điểm mang tính đột phá, đưa văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và trụ cột phát triển bền vững.

Trước hết, thành phố tập trung xây dựng thương hiệu “Hải Phòng thân thiện”, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển văn hóa và du lịch. Những giá trị truyền thống như chèo, ca trù, hát đúm… sẽ được đưa vào các tour trải nghiệm gắn với di tích lịch sử, tạo nên sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng.

Thành phố cũng đẩy mạnh biểu diễn nghệ thuật tại không gian công cộng, nhằm đưa văn hóa đến gần hơn với đời sống người dân và du khách.

Bên cạnh đó, phát triển du lịch văn hóa - tâm linh - sinh thái là một hướng đi chiến lược, kết nối các điểm như đền Nghè, chùa Dư Hàng với Cát Bà, Đồ Sơn, tạo ra những tuyến du lịch đa trải nghiệm, vừa giàu chiều sâu văn hóa, vừa hấp dẫn về cảnh quan.

Hải Phòng cũng đặt mục tiêu nâng tầm các lễ hội lên tầm quốc gia như Lễ hội Hoa phượng đỏ, Festival Biển Hải Phòng, đồng thời khai thác tinh tế lễ hội dân gian thông qua các sản phẩm du lịch mang tính bản địa.

Về hạ tầng, thành phố sẽ đầu tư mạnh vào trùng tu di tích, phát triển không gian sáng tạo, bảo tàng số, nhằm tạo điều kiện cho công chúng không chỉ tham quan mà còn được “sống cùng văn hóa”.

Đặc biệt, chú trọng thúc đẩy công nghiệp văn hóa, khuyến khích sáng tạo các sản phẩm đặc trưng - từ lưu niệm, ẩm thực đến nghệ thuật thị giác - đóng góp thiết thực cho nền kinh tế địa phương.

Với chiến lược đồng bộ và tầm nhìn dài hạn, Hải Phòng đang từng bước khẳng định vai trò là trung tâm văn hóa năng động của miền Bắc, hướng tới gia nhập mạng lưới các Thành phố sáng tạo UNESCO, đóng góp tích cực vào diện mạo văn hóa quốc gia trong kỷ nguyên hội nhập. 

Xin cảm ơn bà!